Wednesday, February 15, 2017

Ngày Máu của Tình yêu

Ngày Máu của Tình yêu
Chính quyền và công an đã gây ra một trận tắm máu đối với giáo dân xứ Song Ngọc.Ảnh Tin tức hàng ngày
Valentine 14 tháng Hai năm 2017, chính quyền và công an CSVN đã gây ra một trận tắm máu đối với nhiều người dân giáo xứ Song Ngọc kéo đi khiếu kiện Formosa. Dùi cui đã vung lên, lựu đạn cay đã tung ra, súng đã nổ và máu đã đổ.
Ngày Máu của Tình yêu…
Tình yêu ấy, người dân và giáo dân dành cho tình đồng loại của họ trước một biển cả không còn chỗ sống. Gần một năm đã vụt qua từ ngày đầu tiên cá chết nổi trắng biển 4 tỉnh miền Trung. Nhưng cho tới nay thì đã rõ: thay vì đối thoại và làm tối thiểu vài động tác bồi thường thỏa đáng, chính quyền trung ương và địa phương đã thẳng tay đối đầu với dân, với nạn nhân môi trường.
Từ trước tết nguyên đán 2017, nhiều vài viết trên mạng xã hội (chứ không phải trên báo nhà nước bị cấm khẩu) đã trần thuật chua chát về một cái tết lạnh lẽo và hết sức thiếu thốn của các gia đình ngư dân miền Trung. Kể từ ngày xảy ra hậu quả xả thải ra biển của Formosa, nhiều gia đình ngư dân đã phải ly hương vào Nam tìm kế sinh nhai. Những người còn lại ở quê hầu như đều rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cũng đã rõ là không thể tin lời Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng của một chính phủ đang được xem là “kiến tạo – liêm chính – hành động”. Tháng Tám năm ngoái, ông Phúc hứa chắc như đỉnh đóng cột rằng đến tháng Chín năm 2017 sẽ bồi thường thỏa đáng và bồi thường hết cho dân. Nhưng sang tháng Chín vẫn chẳng thấy món bồi thường nào. Mãi đến tháng Mười Một, Mười Hai, các chính quyền địa phương mới bắt đầu bồi thường nhỏ giọt.
Nhưng làm thế nào để ngư dân sống sót với giá trị bồi thường chỉ đủ cho từ 3- 6 tháng? Sau đó họ biết làm gì với biển chết và lòng người cũng dần chết? Rõ là chính quyền trung ương và địa phương đã hoàn toàn không hề suy tư về cái chết ấy, nếu không nói là ngược lại.
Sự ngược ngạo bắt đầu bằng việc chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bí mật thỏa thuận với Formosa khản bồi thường 500 triệu USD mà chẳng nêu ra một cơ sở nào đủ thuyết phục. Sau cái chuyện đã rồi ấy mà tưởng như có thể xoa dịu nỗi đau của người dân, đến lượt các chính quyền địa phương miền Trung lại tìm cách câu kéo tiền bồi thường, chưa kể những dấu hiệu về gạo “hỗ trợ” cho dân bị mốc xanh mà gà vịt còn không ăn được…
Sự thể ngày 14 tháng Hai năm nay là hậu quả không thể khác của tất cả những biến diễn u ám trên.
Nhưng chưa phải hết. Não trạng xem Công Giáo như một loại “kẻ thù”, hoặc gần như thế, được tích tụ từ cuộc xung đột giữa cộng sản và Công giáo hơn nửa thế kỷ trước, vẫn còn nặng nề trong đầu giới quan chức chính quyền và công an trị. Từ ngày vụ biểu tình chống Formosa nổ ra, thỉnh thoảng giới dư luận viên của đảng lại tung ra những bài viết với những đoạn trích dẫn giống hệt văn phong báo cáo nội bộ với văn phong mạt sát người Công giáo và đánh giá Công giáo là mối họa rất lớn của chế độ.
Súng đã nổ và máu đã đổ. Thay vì bồi thường thỏa đáng ngay từ đầu và đóng cửa nhà máy Formosa, quyền lực và lợi ích chính quyền đã được đặt lên trên tất cả. Cuộc xung đột giữa chính quyền với nhân dân và người Công Giáo ở Việt Nam, không còn lối thoát nào khác, đang bắt đầu một chương đen tối.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment