Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-05-26
Người dân vẫn xả rác mặc dù có thùng rác gần đó. RFA PHOTO
Vấn đề xả rác một cách tùy tiện ở Việt Nam lâu nay được nhiều báo đài trong nước và nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam nói đến.
Vậy đâu là nguyên nhân và cần có biện pháp nào để hạn chế?
Trong những ngày qua, sau khi kỳ nghỉ 4 ngày vào dịp 30 tháng 04 và mùng 1 tháng 5 kết thúc, rất nhiều trang mạng nhà nước đã đăng tải nhiều bài viết và hình ảnh nói về những bãi rác chất đống tại các bờ biển đẹp của đất nước sau khi những ngày nghỉ kết thúc.
Tuy nhiên, những hình ảnh đó chỉ là tượng trưng, còn trong cuộc sống bình thường thì với thói quen “tiện đâu vứt đó” thì rác dọc đường sá cũng rất nhiều, chính điều này đã làm cho các thành phố Việt Nam xấu đi rất nhiều.
Nguyên Nhân
Nạn vứt rác bừa bãi đó là thói quen rất xấu mà ai cũng ghét, nguyên nhân là do thiếu ý thức, thiếu lịch sự gây ảnh hưởng rất xấu cần phải loại bỏ.
- Chị Anh Thư
Vứt rác bừa bãi không chỉ làm cho ô nhiễm môi trường, phá hoại môi sinh mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, mọi người ai cũng hiểu, cũng biết nhưng vẫn tiện đâu vứt đó.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng một hướng dẫn viên du lịch ở thành phố càng Hải Phòng chia sẻ những nguyên nhân diễn ra tình trạng trên:
“Người Việt Nam xưa nay vô trách nhiệm từ trước đến giờ, họ không ý thức, ăn xong là vứt tại chỗ là điều đương nhiên rồi. Như ở khu vực nửa nông thôn nửa thành thị chả có xe rác thì họ vứt đi đâu, đốt thì cháy nhà thậm chí đất cũng chật thì quẳng ra đường, quẳng ra sông, nó đến đâu thì đến chứ không có chỗ nào mà để. Nếu đó là trường hợp mà vứt rác bừa bãi ngoài bãi biển hay là ngoài chỗ nào có thùng rác công cộng hay là kể cả Việt Nam mình cũng thế thôi có cái vệ sinh công cộng nào. Họ đâu có để ý đến vấn đề làm nhân cách con người tốt đâu, vấn đề họ toàn cho các em vào các trường học, học về lịch sử hào hùng của những cuộc chiến tranh và những thành tích của Đảng Cộng Sản nhưng họ chả để ý đến việc giáo dục cho các em đến những nhân cách ấy cả.”
Trên mạng xã hội, nhiều Việt Kiều Việt Nam sau một thời gian sống ở nước ngoài họ đã quen với việc vứt rác đúng nơi đúng chỗ, nhưng sau khi về Việt Nam thì luôn ca thán là có nhiều đoạn đường không có đến 1 cái thùng rác để cho người dân bỏ rác, nên họ đành cầm về nhà.
Mặc dù nhiều người Việt Nam vẫn biết rằng vứt rác bừa bãi là 1 thói quen xấu, việc đó ảnh hưởng đến nhân cách của mình, lại còn ảnh hưởng đến môi trường sống của mình, tuy nhiên thói quen xấu đó nhiều người vẫn không bỏ được.
Chị Anh Thư một bạn trẻ sống ở thành phố du lịch biển Nha Trang chia sẻ với chúng tôi về những nguyên nhân mà dẫn đến việc người Việt vứt rác lung tung.
“Nạn vứt rác bừa bãi đó là thói quen rất xấu mà ai cũng ghét, nguyên nhân là do thiếu ý thức, thiếu lịch sự gây ảnh hưởng rất xấu cần phải loại bỏ.”
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới mà có nhiều người Việt Nam du lịch, du học sinh, hay là công nhân Việt Nam sinh sống nhiều như Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… ở nhiều nơi công cộng họ đều có những bảng hiệu cảnh báo bằng tiếng Việt Nam với nội dung là không được vứt rác bừa bãi, nếu vứt rác bừa bãi không đúng quy định sẽ bị phạt với một số tiền lớn, điều đó cho thấy người Việt đi đâu cũng vứt rác bừa bãi, phản ánh đến văn hóa, ý thức của người Việt Nam.
Một giáo viên trẻ tên N xin được dấu tên đang dạy ở trường tiểu học ở Nghệ An chia sẻ:
“Thứ nhất, do giáo dục VN mình từ lâu đã không quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho con người. Thứ hai, ở một số nơi không có thùng rác để bỏ rác. Thứ 3 việc xử phạt không nghiêm minh. Thứ 4 một số cán bộ vẫn không làm gương cho người dân.”
Trên trang tri thức trẻ, PGS.TS Lê Kế Sơn, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc xả rác bừa bãi ở Việt Nam là chuyện khá phổ biến ở cả thành thị lẫn nông thôn, kể cả những người già và trẻ con, ông cũng cho biết là ý thức của người dân còn khá kém, không có ý thức bảo vệ môi trường, văn hóa môi trường còn quá kém.
Giải pháp
Hiện nay, tại nghị định 179/2013 của chính phủ có hiệu lực từ ngày 30/12/2013 có quy định các mức xử phạt về hành chính đối với các hành vi vứt rác bừa bãi không đúng quy định, tuy nhiên sự việc vẫn chưa được giải quyết. Bên cạnh đó có rất nhiều bảng hiệu cảnh báo không được vứt rác bừa bãi hay là loa phường xã luôn tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc vứt rác bừa bãi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhưng sự việc vẫn đâu vào đó.
Phải giáo dục nhân cách cho các em học sinh, phải tập từ bây giờ, lúc còn nhỏ.
- Chị N
Anh Hoàng cho rằng biện pháp tốt nhất để hạn chế đó là giáo dục cho các em từ nhỏ và công tác thu gom và xử lý rác thải phải được đầu tư tốt nhất.
“Chính quyền phải có phương pháp đầu tiên là giáo dục từ nhỏ, đi vào nề nếp từ những cái nhỏ nhất, bản thân những người giáo dục ấy phải đi đầu gương mẫu. Ngoài việc giáo dục ra thì họ phải làm phương án công trình lớn vấn đề xử lý rác thải, viên chức Việt Nam quá nhiều thì cắt bớt đi để làm việc đấy. Tại sao họ không làm đơn về môi trường. Trước hết muốn xử phạt họ thì mình phải có thùng rác thì mới xử phạt được họ. Bây giờ một ông vứt rác ra ngoài đường thì xử phạt ông, ông lại bảo vậy thùng rác đâu để người ta mang đi thì biết trả lời làm sao, nếu mà có thùng rác mà có luật ban hành thì xử phạt thì chắc chắn là không ai cãi lại được mà em nghĩ là đúng và nên làm.”
Chị N cũng cho những giải pháp:
“Trước tiên phải giáo dục nhân cách cho các em học sinh, phải tập từ bây giờ, lúc còn nhỏ, thứ hai phải tuyên truyền về tác hại của việc vứt rác bừa bãi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, thứ 3 công việc xử lý rác thải phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thứ 4 xử phạt trong việc vứt rác bừa bãi phải công minh.”
Ở Việt Nam các loại rác thải ra môi trường hằng ngày dao động từ 0,5 – 0,8kg/ 1 người/ 1 ngày, tuy nhiên trong đó chỉ có 60 -65% rác thải được thu gom và xử lý.
No comments:
Post a Comment