Các vị nguyên thủ của 7 nước giàu nhất thế giới cùng với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp Châu Âu tại Nhật Bản, ngày 26/5/2016.
Theo Nikkei, AFP, The Guardian, VOA-26-05-2016
Tranh chấp lãnh hải, nhất là tại biển Đông, đang là chủ đề “nóng”, bao trùm hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các quốc gia phát triển G7 diễn ra trong tuần này ở Nhật.
Hôm nay, 26/5, Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đã cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận về sự leo thang căng thẳng trên các cùng biển tranh chấp ở châu Á.
Trong cuộc họp báo chung sau đó, ông Abe nói rằng các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông “phải theo đúng luật pháp quốc tế”, và rằng không thể khẳng định chủ quyền bằng việc “đe dọa” các nước khác, hay “đơn phương thay đổi nguyên trạng” ở vùng biển tranh chấp.
Còn Tổng thống Obama cho biết rằng Hoa Kỳ và Nhật “mong muốn đạt được giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp”, và việc xử lý “hoàn toàn nằm trong tầm tay của Trung Quốc”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm nay nói rằng nhóm G7 cần phải có “quan điểm cứng rắn và rõ ràng” về các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rằng những tuyên bố của G7 có thể khiến tình hình biển Đông trở nên xấu đi.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron khuyến cáo Bắc Kinh nên tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ kiện của Philippines.
Trước những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rằng những tuyên bố của G7 có thể khiến tình hình biển Đông trở nên xấu đi.
Ông Vương nói rằng các thành viên của nhóm các quốc gia phát triển cần phải duy trì quan điểm “công bằng và bất thiên vị, thay vì nước đôi hay có tư tưởng liên minh” trong vấn đề tranh chấp.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm nay đã tới Nhật để tham dự cuộc họp G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Trả lời các phóng viên trước khi lên đường tới xứ sở mặt trời mọc, ông Phúc tuyên bố rằng Việt Nam “không tìm cách tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông”, nhưng “cần phải bảo vệ chủ quyền, trước tiên là bằng các giải pháp hòa bình, ngoại giao và thậm chí là pháp lý”.
No comments:
Post a Comment