Một hợp đồng quân sự lớn nhất của Việt Nam gần đây là việc mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga năm 2009, trị giá khoảng 2 tỷ đôla, và dự kiến sẽ được bàn giao tất cả vào năm 2016.
Theo CNN, VOA-26-05-2016
Việt Nam đã gia tăng chi tiêu quân sự đáng kể trong những năm gần đây trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Quốc gia Đông Nam Á này sẽ có thể sớm ‘vung tay’ nhiều hơn để nâng cấp khả năng quốc phòng sau khi Tổng thống Obama hôm thứ Hai loan báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Năm ngoái, chi tiêu quân sự của Việt Nam đạt 4,4 tỉ đôla, chiếm 8% tổng chi tiêu chính phủ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI). Đó là sự gia tăng đáng kể từ năm 2005, khi Việt Nam chỉ chi tiêu vào khoảng 1 tỉ đôla. Các con số này có thể không đầy đủ vì chính phủ không công bố ngân sách quốc phòng.
Chuyên viên phân tích Công nghiệp Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương tại IHS Jane's Jon Grevatt ước tính, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên tới 5 tỉ đôla trong năm nay và 6,2 tỉ đôla đến năm 2020.
Theo SIPRI, các con số này có thể gia tăng nhanh chóng nhưng vẫn kém xa so với các nước chi tiêu nhiều cho quốc phòng nhất thế giới. Mỹ dẫn đầu với 596 tỉ đôla trong năm 2015 và Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỉ đôla.
Trong những năm gần đây, khoảng 80% đơn hàng quân sự đến từ Nga. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tàu ngầm và chiến hạm.
Việt Nam cũng tăng cường phòng vệ bờ biển với việc mua pháo và tên lửa chống hạm. Lực lượng không quân chủ yếu sử dụng máy bay chiến đấu do Nga sản xuất.
Moscow dự kiến sẽ duy trì vị trí dẫn đầu nhưng các quốc gia châu Âu và Israel đã bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam.
Ông Jon Grevatt nói: “Việc này cho Mỹ một cơ hội tương tự”.
Hoa Kỳ đã từng bán một số thiết bị cho Việt Nam. Lệnh cấm vận vũ khí đã được nới lỏng 2 lần trong thập kỷ qua và lần gần đây nhất là năm 2014. Washington trợ giúp 6 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam để giúp tăng cường bảo vệ bờ biển và chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
No comments:
Post a Comment