Theo BBC-4 giờ trước
Sự tự tin vào nền kinh tế Việt Nam đã tăng thêm sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, các chuyên gia từ Diễn đàn Đầu tư Khu vực tiểu vùng Sông Mekong mở rộng (GMS) tại Thái Lan nói.
Diễn đàn được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan với hơn 600 chuyên gia, nhà đầu tư từ các tập đoàn lớn trong khu vực. Chủ đề của diễn đàn xoay quanh cơ hội đầu tư, bức tranh kinh tế, sự phát triển của các quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và các nhân tố tạo ra sự phát triển kinh tế.
Andreas Vogelsanger, CEO của Công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital Limited nói công ty ông “rất nhiều yêu cầu từ nhà đầu tư trong hai tuần qua” vì người ta bắt đầu nói về Việt Nam” và chuyến đi của ông Obama đã “đưa Việt Nam xuất hiện lại trên bản đồ”.
Ông Vogelsanger nhận định: “Có chuyến đi này, nhiều người sẽ thấy Hoa Kỳ sẵn sàng làm ăn, hợp tác với Việt Nam.”
“Trong năm rồi, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á.”
“Về chính trị, đó cũng là dấu hiệu khá mạnh cho Đảng Cộng sản, trước đây có nhiều nhóm trong Đảng không tin vào Hoa Kỳ và không sẵn lòng làm ăn với người Mỹ. Và giờ đây khi gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, Obama cho thấy ông đến để trở thành đối tác thương mại, để có quan hệ thân cận hơn.”
Nhà đầu tư 'tự tin hơn'
Tharabodee Serng-Adichaiwit – Tổng giám đốc Việt Nam của ngân hàng Bangkok Bank cũng nhận định “chính phủ mới thay đổi” của Việt Nam khiến “nhà đầu tư trông đợi”.
Ông nói: “Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy chính phủ Việt Nam thay đổi toàn bộ ở những vị trí chủ chốt. Trong mười năm qua, đã có những thất bại trong nền kinh tế, dù tăng trưởng cao hơn nhưng lạm phát cũng cao hơn. Có lẽ cuối cùng chính phủ Việt Nam cũng đã có được bài học .Tôi nghĩ họ sẽ không rơi lại vào tình cảnh đó nữa. Có lẽ chính phủ mới sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam theo con đường bền vững”
Khi nhận định về thị trường Việt Nam, ông Andreas Vogelsanger cho BBC biết: “Hiện giờ sự tham dự của thị trường chứng khoán chỉ khoảng trên dưới 10%. Chỉ mới gần đây, có tác động từ chuyến đi của ông Obama, có một sự tăng bất thường đến mức 25% trong vài ngày qua. Các nhà đầu tư nước ngoài đang trở nên rất tích cực, chúng ta đã không thấy điều này trong suốt một thời gian dài. Điều này khá là khích lệ với nền kinh tế.”
Tuy nhiên, ông nói các nhà đầu tư vẫn còn “dè dặt” tuy cho rằng hiện giờ là “thời điểm Việt Nam thu hút sự chú ý trở lại”.
Ông Vogelsanger nói do “rất nhiều nhà đầu tư lớn đang có bình luận tích cực về thị trường mới nổi” nên “khoảng 2-3 tháng gần đây, chúng tôi thấy số lượng hoạt động tăng đáng kể, có thêm rất nhiều yêu cầu từ nhà đầu tư về Việt Nam. May mắn là chúng tôi là một trong số quỹ đầu tư khá sớm và, nhưng vẫn rất khó để chào bán các quỹ. Nhưng gần đây có vẻ như có một số đà thúc đẩy xuất hiện và khiến mọi người muốn đầu tư. Bức tranh có vẻ đang thay đổi.”
Nhận định về chính phủ mới của Việt Nam, ông nói với BBC chính phủ cũ không phải chỉ tạo ra “thất vọng” mà thực ra “đã khởi động nhiều đổi mới trong kinh tế để thân thiện hơn với nhà đầu tư như luật bất động sản cho phép người nước ngoài mua nhà, và điều đó tạo ra sự tự tin”
“Chính phủ mới mới được bầu lên. Tôi không nghĩ sẽ ngay lập tức có những luật để đổi mới nền kinh tế. Tôi nghĩ thủ tướng mới sẽ tiếp tục những gì đã được bắt đầu từ trước. Chúng tôi nhìn nhận đó là một biểu hiện ổn định của đổi mới kinh tế.” - Andreas Vogelsanger nói với BBC.
Tharabodee Serng-Adichaiwit cũng nói Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thực sự "thay đổi cuộc chơi" cho nền kinh tế Việt Nam.
"Với TPP, nước nào có giá lao động cạnh tranh, giá sản phẩm cạnh tranh nhất, quốc gia đó sẽ thắng. TPP sẽ đem rất nhiều vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không tối ưu hóa được cơ hội của TPP, không tối ưu hóa được thời cơ này, xây dựng các ngành công nghiệp hỗ trợ, thì khi giá lao động Việt Nam tăng lên, sẽ chẳng còn lý do gì để những doanh nghiệp FDI ở lại cả." - Ông nói.
No comments:
Post a Comment