Anh Vũ
Theo RFI-26-05-2016 16:53
Tổng thống Mỹ Barack Obama với giới trẻ Sài Gòn, ngày 25/05/2015. REUTERS/Carlos Barria
Chuyến thăm Việt Nam 3 ngày của tổng thống Mỹ Barak Obama đã kết thúc nhưng vẫn để lại dư âm trên báo Pháp. Nhật báo Le Monde có bài « Barack Obama ghi dấu ấn lịch sử xích lại với Việt Nam » của Bruno Philip, một nhà báo rất thông thạo các vấn đề châu Á và Việt Nam.
Tác giả trở lại sự kiện nổi bật của chuyến thăm Việt Nam lần này là việc ông Obama thông báo dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam với nhận định : « 16 năm sau chuyến thăm Hà Nội của ông Bill Clinton mang tính biểu tượng đánh dấu sự hoà hợp giữa hai cựu thù, thì chuyến thăm của ông Obama chính thức sang trang cho cuộc chiến tranh Việt Nam ».
Về tầm quan trọng của việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, bài viết trích dẫn chuyên gia về các vấn đề quân sự Đông Nam Á Prashanth- Parameswran nhận định, như vậy là : « Washington thừa nhận tầm quan trọng chiến lược ngày càng lớn của Việt Nam cho chính sách đối ngoại của Mỹ ».
Theo tác giả, nếu như Trung Quốc nằm trong tầm ngắm của ván bài mới chiến lược-quân sự này của Mỹ thì hơn bao giờ hết Việt Nam được đặt trong tầm nhìn chiến lược của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương, nhất là khi Trung Quốc đang cho xây dựng các căn cứ trên các đảo ở Biển Đông mà Việt Nam và một số nước khác vẫn đòi chủ quyền.
Hà Nội và Washington đều có nhu cầu hợp tác trong vùng cho dù, mỗi bên vì lý do riêng, đều chú ý tránh Trung Quốc. Chẳng hạn , ông Obama giải thích quyết định gỡ bỏ cấm vận vũ khí là « dựa trên mong muốn hoàn tất tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam đã kéo dài lâu nay ». Còn phía Việt Nam thì vẫn duy trì một chính sách ngoại giao « cân bằng ». Ngày 19/5, bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã tiếp đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, Hồng Tiểu Dũng (Hong Xiaoyong) để nhấn mạnh đến « tăng cường » hợp tác quân sự hai nước… ?
Bài báo dẫn ông Nguyễn Ngọc Trường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế của Việt Nam đánh giá, hiện tại Việt Nam vẫn còn thích mua thiết bị quân sự Nga hơn vì giá rẻ hơn, « tầm quan trọng của quyết định bỏ cấm vận vũ khí chủ yếu là để cho thấy Hoa Kỳ ủng hộ người Việt Nam ».
Tác giả Bruno Philip nhắc lại một chi tiết trong cuộc viếng thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ, đó là, ông Obama đã làm nức lòng công chúng trong diễn văn đọc tại Hà Nội có đoạn : «Các nước lớn không được ăn hiếp nước nhỏ và các bất đồng phải được giải quyết một cách hoà bình ». Tác giả nhận xét, ông Obama chẳng cần phải biện hộ gì thêm, « cái bóng của Trung Quốc không hề xa, nhất là ở tại một nước Việt Nam tâm lý bài Trung đã có trong tâm khảm ».
Theo Le Monde, người Mỹ vẫn cài vấn đề nhân quyền vào trong các điều kiện bán vũ khí cho Việt Nam. Một số nhà phân tích nhận định là Hoa Kỳ muốn dựa vào đó để ép Hà Nội nhượng bộ trên vấn đến nhân quyền. Về lĩnh vực này tác giả dẫn một báo cáo gần đây của tổ chức Ân Xá Quốc Tế ( Amnesty International) cho hay « tại Việt Nam ít nhất hiện vẫn còn 45 người bị cầm tù vì lý do chính trị. Tháng Ba vừa qua, 7 blogger và các nhà hoạt động bị kết án vì tội tuyên truyền chống nhà nước ». Trong chuyến viếng thăm Hà Nội của tổng thống Mỹ, 8 nhà hoạt động có tiếng nói chỉ trích chế độ đã bị ngăn cản không được đến gặp ông Obama theo lời mời của phía Mỹ.
Thay cho lời bình luận, tác giả dẫn lời ông John Sifton, giám đốc châu Á của Human Rights Watch đánh giá : «Tổng thống Obama đã cho Việt Nam một món quà mà họ không xứng đáng» được nhận.
Cuối cùng nhà báo của Le Monde ghi nhận chuyến thăm của ông Obama còn cho thấy tình cảm của dân chúng Việt Nam với nước Mỹ. Theo một thăm dò dư luận mới đây, thì có 78% người Việt Nam có cái nhìn tích cực đối với nước Mỹ. Tỷ lệ còn cao hơn trong giới trẻ ở độ tuổi 29, tức là lớp người sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến với Mỹ đã lùi xa.
No comments:
Post a Comment