HÀ NỘI (NV) - Một phó thủ tướng chính phủ CSVN lên tiếng “truyền đạt” ý kiến ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc là “chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư” dự án sông Hồng “vì chưa đủ căn cứ, cơ sở.”
Sông Hồng nhìn từ trên cao chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Một số báo tại Việt Nam loan tin như vậy đồng thời với bản tin trên trang mạng 'chinhphu.vn' phản ứng khi dư luận quần chúng có vẻ tức giận về một dự án chỉ nhằm phục vụ lợi ích của Trung Quốc và cái túi tham của những kẻ nghĩ ra cái trò này.
Ngày 5 tháng 5, 2016, một số báo tại Việt Nam trong đó có tờ Tuổi Trẻ cho hay, “Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) dự tính làm siêu công trình trị thủy kết hợp thủy điện, thủy lợi trong thời gian khá nhanh, chỉ sáu năm. Chủ đầu tư cũng công bố sẽ miễn toàn bộ phí cho các phương tiện vận tải trong ba năm đầu.” Dự án ước lượng tốn phí đầu tư khoảng 1.1 tỉ đô la mà nhà đầu tư bỏ ra 30%, phần còn lại đi vay.
Tuổi Trẻ viết rằng, “Theo văn bản số 071/CV-XT gửi đi ngày 7 tháng 1, 2016 của công ty Xuân Thiện được Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư (KH-ÐT) tiếp nhận, siêu dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện được khẳng định ‘rất cần thiết’ để đầu tư.”
Lập luận của công ty Xuân Thiện là “sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua nhiều tỉnh thành từ Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội... ra đến cửa Ba Lạt (Nam Ðịnh). Con sông có tổng chiều dài 556 km, là tuyến sông lớn duy nhất của miền Bắc có thể tổ chức liên vận hàng hóa. Chủ đầu tư cũng không giấu tham vọng sẽ kết nối thẳng thủy lộ với Trung Quốc để từ đây có thể tổ chức vận tải hàng hóa từ Trung Quốc ra các cảng biển VN cũng như từ các cảng biển VN tới Trung Quốc qua đường thủy.”
Theo báo điện tử VNExpress ngày 8 tháng 5, 2016, “Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư đã có công văn ngày 26 tháng 4 đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO, song thủ tướng chưa xem xét vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.”
Phóng viên tờ Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Hoàng Xuân Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thì được ông này cho biết là “tỉnh này đã có văn bản đồng ý.” Còn “về cơ bản Bộ Quốc Phòng cũng không phản đối chủ trương đầu tư.”
Nhưng khi dẫn lại bản tin của báo VNExpress, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện - chủ blog Tễu, bình luận rằng “động đến sông Hồng-sông Cái-sông Mẹ là lập tức đầu não Hà Nội và toàn bộ châu thổ Bắc Bộ thất thủ. Dự án này, có thể đằng sau là những điều khủng khiếp đang rình rập nhằm triệt hạ Việt Nam. Giữ Sông Hồng như ngàn năm nay vốn vậy là công đức mà chính phủ và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc để lại cho dân tộc và nhân dân. Nếu phá hủy sông Hồng, thì tội ác đó là tội ác hủy diệt mà muôn đời sẽ được ghi vào lịch sử, kể cả khi Việt Nam không còn có tên trên bản đồ thế giới.”
Bình luận trên đài BBC, ông Ngô Ðình Tuấn, chuyên gia về thủy lợi từ Ðại Học Thủy Lợi, Hà Nội gọi đây là dự án “vớ vẩn.”
“Dự án giao thông ấy chỉ làm lợi cho Trung Quốc thôi. Rồi nạo vét như thế, hạ thấp mực nước, mà hạ thấp mực nước xuống, thì tất nhiên lấy nước vào đồng ruộng của đồng bằng sông Hồng thì càng khó mà đưa vào được. Cái này, suy nghĩ nó vô lý, chỉ là nghĩ một lợi ích riêng của nhà đầu tư thôi,” ông Tấn nói với BBC.
Ngoài chuyện nạo vét lòng sông khơi sâu luồng lạch, nhà đầu tư muốn kết hợp xây 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang 'cột nước thấp' với tổng công suất thiết kế là 928MW, xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên Lào Cai.
Giáo Sư Ngô Ðình Tuấn nói tiếp trên BBC: “Thủy điện mấy trăm Megawatt làm tan nát cả một hệ thống dòng sông mà đem lại hơn chín trăm Megawatt thì làm một hồ chứa nhỏ thôi ở miền Trung thì cũng đã đảm bảo hơn một nghìn Megawatt, hoặc mấy trăm Megawatt, chứ không cần gì cái dự án thủy điện như thế này, đó là một.”
“Thứ hai, người ta còn nhiều cách làm năng lượng, giờ thì có năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hoặc ngay ven biển. Nếu như Việt Nam làm đập khai thác thủy triều, khai thác thủy điện thủy triều, thì kém gì. Ngay Bắc Bộ này có các vịnh, các eo hẹp ấy, làm đập để ta phát điện, thì có chuyện gì đâu, nếu như có đủ năng lực, thì có rất nhiều chuyện. Chứ không phải như thế, dự án này là vớ vẩn thôi.”
Biển đã bị đầu độc, phần nhiều sông rạch của Việt Nam cũng đã bị các nhà máy xả thải đầu độc, giờ thì đến “siêu dự án sông Hồng.” (TN)
09-05-2016 6:50:13 PM
No comments:
Post a Comment