Monday, May 9, 2016

Luật Biểu tình và 'ranh giới mỏng manh'

Theo BBC-9 tháng 5 2016

Người dân Việt Nam tiếp tục xuống đường hôm Chủ Nhật 8/5 phản đối vụ cá chết hàng loạt.
Một Đại biểu Quốc hội tại Việt Nam nói về "ranh giới mỏng manh" giữa quyền biểu tình và chống biểu tình.
Trả lời Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt trước câu hỏi tại sao chưa ra được Luật Biểu tình mặc dù đã tranh luận khá nhiều, ông Dương Trung Quốc nói:
"Riêng những luật liên quan tới quyền tự do con người thì phải nói nó có ngay trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 như quyền biểu tình, quyền lập hội, tự do ngôn luận...
"Nhưng có thể nói sau này việc xây dựng luật pháp chỉ hướng tới cái quản lý thôi. Lẽ ra là luật về quyền tự do báo chí thì tư duy xây dựng luật pháp của Việt Nam vẫn là luật quản lý báo chí, tôn giáo tín ngưỡng cũng thế và biểu tình thì cũng vậy.
"Cho nên tôi thấy đấy là lý do cho thấy là tất cả các bộ luật ấy dù có đưa ra nhưng nó vẫn bị chưa định hình rõ ràng. Nó là quyền tự do hay là quyền quản lý?


"Luật biểu tình thì phải nói là được đặt ra tương đối muộn và chúng ta thấy nhận thức về Luật Biểu tình rất khác nhau.
"Dư luận xã hội thấy rất cần luật biểu tình. Thậm chí Chính phủ ủng hộ Luật Biểu tình, Thủ tướng cũng ủng hộ Luật Biểu tình nhưng mà vẫn chưa cho ra được luật này.
"Bởi vì nó chấp chới ở chỗ Luật Biểu tình và chống biểu tình là nó có ranh giới rất là mỏng manh. Cho nên đây nó là yếu tố mà cơ chế làm luật như hiện nay mà do Chính phủ chỉnh thì phải nói là đôi khi thà không có luật còn hơn.
"Đây là cảm nhận của tôi và phải nói là hàng loạt các luật quan trọng như luật về quyền tự do thì bây giờ vẫn theo cái nếp là xây dựng cái luật quản lý nhà nước mặc dù sự quản lý của nhà nước là cần thiết bởi nó đảm bảo quyền tự do cho toàn bộ xã hội.
"Tuy nhiên nó rất dễ rơi vào cái tình huống là luật chỉ đứng về phía lợi ích của nhà nước thôi", ông Dương Trung Quốc nói với BBC trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 1/2016 tại Hà Nội.

'Để Quốc hội khóa sau?'


Hồi tháng Năm 2015, Quốc hội Việt Nam được đề nghị cho lùi việc xem xét, góp ý dự luật biểu tình và để lùi lại cho thành công việc của Quốc hội khóa sau.
Lý do khiến Chính phủ đề xuất việc tạm lui thảo luận về hai dự luật trên là gì không được tường thuật.
Lý do, theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý, thì đây là các dự luật cần sớm được ban hành nhằm diễn giải, thực thi Điều 25 Hiến pháp một cách hiệu quả và tạo cơ sở pháp lý cho nhà nước quản lý các hoạt động biểu tình, lập hội.
Điều 25 Hiến pháp 2013 của Việt Nam nói rằng "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Từ trước tới nay, việc lập hội và biểu tình, nếu không phải là các hoạt động do nhà nước chính thức tổ chức, đều bị coi là bất hợp pháp.

No comments:

Post a Comment