Monday, May 9, 2016

Phán quyết cuối cùng

 Châu Bảo Nguyễn

Theo BBC-4 giờ trước 

Image copyrightReuters
Image captionBãi cạn Scarborough bị Trung Quốc kiểm soát
Giới chuyên gia gần như đồng thuận rằng Phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc sẽ có khuynh hướng có lợi cho Philippines. Tuy nhiên tác động thực chất của Phán quyết này đến việc thay đổi hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là không đáng kể.
Dù vậy, phán quyết của Tòa quốc tế có thể sẽ đem lại tiền lệ củng cố nền tảng pháp lý trước giờ vốn mập mờ trong tranh chấp tại Biển Đông.
Dự kiến vào tháng 6/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc tại thành phố La Haye, Hà Lan, sẽ ra phán quyết về vụ việc Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Xem Diễn biến chính trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc tại đây
Bản tranh tụng của Philippines đưa lên Tòa với tư cách là bị đơn nhìn chung liên quan đến ba vấn đề chính: Một là vấn đề pháp lý về tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc; Hai là danh nghĩa pháp lý của loại hình địa lý (đảo đá) trong vùng tranh chấp; Ba là hoạt động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, liên quan đến đánh bắt cá và tác động đến môi trường.
Đáng chú ý là mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia tiến trình xét xử vụ kiện, điều đó không có nghĩa Tòa án quốc tế đương nhiên có thẩm quyền phân xử, chưa nói đến việc Philippines đương nhiên thắng kiện.
Điều được quan tâm hiện nay là ý kiến từ phía các học giả Trung Quốc. Họ phán đoán và bình luận như thế nào về Phán quyết cuối cùng của Tòa án đưa ra vào tháng 6 này?

Ngôn ngữ của luật sư

Trong bài phỏng vấn riêng với BBC, giáo sư Steve Tsang, trưởng khoa Trung Quốc học tại Đại học Nottingham tại Anh Quốc, phán đoán: “Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa án một cách một cách ‘lịch thiệp’, và chắc chắn sẽ tiếp tục các hoạt động của mình tại Biển Đông”.
Giáo sư Tsang nói Phán quyết Tòa án đưa ra là “ngôn ngữ của luật sư”. Tuy nhiên, “với cách nhìn nhận của mình, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục nhắc lại luận cứ lịch sử về chủ quyền trên Biển Đông và tính xác thực của những luận cứ đó”.
Khi được hỏi về lập trường không khoan nhượng theo kiểu “được ăn cả” của Trung Quốc khiến cho việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bế tắc, ông Tsang cho rằng “các quốc gia không nhất thiết phải hành xử một cách máy móc như trong giáo trình về quan hệ quốc tế hay sách luật quy định”.
Trung Quốc từ trước vẫn duy trì quan điểm không tham gia vào vụ kiện, không đệ trình Bản phản biện của bị đơn cũng như tuyên bố không bị ràng buộc bởi Phán quyết cuối cùng của Tòa quốc tế.
“Từ trước đến giờ, giải pháp cho vấn đề Biển Đông vẫn ở trong tình trạng bế tắc, dù phán quyết của Tòa Trọng tài sắp tới như thế nào đi nữa.”
Về khả năng Mỹ và Philippines sửa lại Hiệp định Hợp tác Tăng cường Phòng thủ (EDCA) song phương sau Phán quyết, ông Tsang nói: “Hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines không còn được như những năm 90. Hiệp ước này không đe dọa nước nào và dĩ nhiên là không thể đe dọa được Trung Quốc vì đây là nước có sức mạnh quân sự lớn nhất nằm tại khu vực”.
“Dù không thấy bị đe dọa, Bắc Kinh có thể sẽ phật lòng và hành xử phù hợp theo tình huống”, cũng theo ông Steve Tsang.

Philippines sẽ ăn mừng?

Image copyrightAP
Image captionÁp lực từ dư luận Philippines về Trung Quốc liệu có tiếp tục sau phán quyết?
Trong khi đó, ông Châu Khắc Uyên (Keyuan Zou), Giáo sư người Trung Quốc thuộc Đại học Central Lancashire tại Anh Quốc nói: “Tôi nghĩ Philippines sẽ vui mừng hơn so với Trung Quốc, kể cả nếu như một số phán quyết Tòa án đưa ra có lợi cho Trung Quốc”.
Sau phiên điều trần của Philippines, Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra “Phán quyết về quyền tài phán và thừa nhận” hồi tháng 10/2015 trong đó không từ chối quyền tài phán cho bất cứ điều nào trong số 15 đệ trình của Philippines.
Dư luận nhìn chung nhận định đây đã là một thắng lợi mang tính biểu tượng cho phía Philippines vì đưa ra được hình ảnh Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế.
“Điều kiện tiên quyết trong việc thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài phụ thuộc vào cả hai bên tranh chấp đưa ra tòa để phân xử. Trong trường hợp này, Philippines rõ ràng đơn phương khởi động vụ kiện và Trung Quốc từ chối không tham gia”.
“Tuy nhiên hình ảnh Trung Quốc bị ảnh hưởng sau phán quyết của Tòa Trọng tài là một điều rõ ràng”, vị giáo sư Luật quốc tế thừa nhận.
Bình luận về cáo buộc của Philippines rằng Trung Quốc phá hủy môi trường ở Biển Đông, ông Châu Khắc Uyên nói: “Kể cả nếu như Tòa Trọng tài ủng hộ cáo buộc trên; thì cũng không thể nói vi phạm này xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines".
“Lý do là bởi Tòa Trọng tài không có quyền tài phán về vấn đề chủ quyền và phân định biển nên không thể công nhận hành động của Trung Quốc ở vùng đang tranh chấp là thuộc vùng EEZ của Philippines”.
“Việc phân định sẽ làm leo thang căng thẳng, thậm chí là xung đột vũ trang tại Biển Đông thay vì đưa ra một giải pháp. Điều này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần và làm lung lay nền tảng UNCLOS”, giáo sư này nói tiếp.
Hồi tháng 3/2016, rất gần với thời điểm Tòa ra phán quyết, Đài Loan đưa ra Amicus curiae (Tuyên bố Thân hữu của bên không liên quan trực tiếp) trình bày Quan điểm về chủ quyền của Đài Loan tại đảo Itu Aba (Việt Nam gọi là đảo Ba Bình). Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng đưa phóng viên từ 10 hãng truyền thông quốc tế như CNN, Al-Jazeera TV, Financial Times đến Itu Aba nhằm chứng minh địa hình địa lý ở đây là một hòn đảo.
Theo tuyên bố của Đài Loan thì đảo này có vùng biển 200 hải lý, bao trọn gần như toàn bộ các đảo khác trong Biển Đông. Như vậy, một nửa trong số những tuyên bố của Philippines sẽ bị loại khỏi thẩm quyền của tòa vì tòa không có quyền tài phán về chủ quyền và phân định biển.
Image copyrightReuters
Image captionBiển Đông đang trở thành điểm nóng
Bình luận về động thái này của Đài Loan, ông Châu Khắc Uyên nói: “Tòa án có quyền không trả lời về việc tán thành hoặc từ chối xem xét một phần hay toàn bộ những bản báo cáo bên ngoài gửi đến toà án".
“Khác với các bằng chứng của nguyên đơn và bị đơn, những tuyên bố Amicus curiae chỉ mang tính tham khảo.”

Philippines 'làm tình huống xấu đi'

Trong khi đó ông Mark Valencia, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc gia Nam Hải tại Hải Nam, Trung Quốc, nói: “Philippines và những bên ủng hộ bao gồm Hoa Kỳ đang làm cho một tình huống xấu trở nên tồi tệ hơn”.
“Lợi ích quốc gia của Trung Quốc không bao gồm xung đột khu vực, trừ trường hợp nước này bị Mỹ bao vây”, ông Valencia đánh giá.
Philippines đang sắp có tổng thống mới và ông Valencia cho rằng tổng thống tương lai của Philippines cần rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Benigno Aquino trong vấn đề giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Ông này nói tiếp: “Chính quyền của ông Aquino đã đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc mà không tham khảo ý kiến của Asean.
“Sau đó Philippines lại công khai gây sức ép Asean đòi ủng hộ hành động của mình. Như vậy Philippines vi phạm nguyên tắc của Asean về đồng thuận và đoàn kết”.
Theo ông Valencia, hình ảnh Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng sau phán quyết nhưng tác động này không kéo dài do sức mạnh lớn về mặt kinh tế của nước này.
“Dù Philippines thắng một phần trong vụ kiện, điều này ít có sức mạnh đòn bảy trong thương lượng với Trung Quốc sau này. Philippines sẽ phải chịu sự ghẻ lạnh của Trung Quốc về mặt kinh tế”.
Ông Valencia cũng lấy các ví dụ trong lịch sử pháp lý, các cường quốc thế giới như Mỹ và Nga đều đã từ chối bị ràng buộc bởi phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa Quốc tế về Luật biển.
“Trung Quốc coi việc sứt mẻ danh tiếng không quan trọng bằng chủ quyền quốc gia.”
“Sớm hay muộn thì Philippines cũng sẽ phải xuống nước trong thương thảo với Trung Quốc. Kết quả có thể là một hiệp định phát triển chung hoặc ít nhất là đánh bắt cá chung trong khu vực tranh chấp”, vẫn theo ông Valencia.
Về việc danh nghĩa pháp lý của đảo Ba Bình có thể phức tạp hóa kết quả phán quyết, ông Valencia nói: “Tòa án có đồng ý xem xét danh nghĩa đảo này hay không còn phụ thuộc vào các đảo đá xung quanh”.

No comments:

Post a Comment