Người Quan Sát (Danlambao) - Ngày 4/3/2016, Công an tỉnh Thanh Hóa, cơ quan Cảnh sát Điều tra ra thông báo: “Khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn TP.Thanh Hóa” (1)
Trong thông báo trên website chính thức của CA tỉnh có viết: “Mặc dù cơ chế chính sách đã thỏa đáng và phù hợp nhưng vẫn không nhận được sự đồng thuận, nên nhiều người dân tụ tập khiếu kiện đông người trước cổng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và diễu hành qua một số tuyến phố trên địa bàn TP.Thanh Hóa”.
Cơ chế chính sách thỏa đáng và phù hợp là thế nào? Tại sao ngư dân biểu tình?
Trước đó với chủ trương thu hồi không gian biển giao cho tập đoàn FLC kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, đồng thới với dự án mới mang tên “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã dành toàn bộ mặt biển cho Tập đoàn FLC và có chủ trương di dời khoảng 705 phương tiện tàu thuyền xuống xã Quảng Hùng (Quảng Xương) cách đó 10km.
Người dân bất bình vì đường đi quá xa, tàu thuyền nhỏ không thể vào được cảng.
Không đạt được đồng thuận với chính sách nên ngư dân kéo nhau đến trụ sở ủy ban để đề đạt nguyện vọng bám biển giữ nghề của mình.
Ba ngày sau cuộc biểu tình nổ ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp báo công bố quyết định hỗ trợ ngư dân. Theo quyết định trên, nếu bà con nào phá bỏ tàu thuyền và cam kết không đóng mới, mua mới tàu thuyền dưới 20CV sẽ được hỗ trợ với mức 70 triệu đồng/bè và 50 triệu đồng/mủng đồng thời hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống trong 6 tháng, mức hỗ trợ tương đương 30kg gạo tẻ/tháng.
Người dân cần gì?
Để đảm bảo cuộc sống bình yên, ngư dần cần được đảm bảo quyền lợi mưu sinh, giữ nghề biển.
Trước đó rất nhiều gia đình đã gặp phải sự thua thiệt rất nhiều khi đã hiến ruộng, đầm, nhà cửa cho tập đoàn FLC xây dựng khách sạn, resort, sân golf kinh doanh. Nay thỉnh cầu, ước nguyện của bà con ngư dân nơi đây rất đơn giản. Họ chỉ mong chính quyền, tập đoàn để lại cho họ một đoạn bãi biển để đưa tàu bè vào bến. Tuy nhiên đề đạt trên không được đáp ứng, tập đoàn FLC đã cắt cử bảo vệ xua đuổi, ngăn cấm người dân kéo lưới, chài cá trong khu vực dự tính được giao mặc dù chưa có quyết định chính thức trong một thời gian dài.
Vì “đại cục” nên không cần đối thoại với dân?
Với quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” một lần nữa lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định chân lý thuộc về người giàu?
Chủ trương phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa là gì nếu cứ tiếp tục sử dụng uy quyền của nhà nước để cưỡng chế, ép buộc người dân từ bỏ ngư nghề truyền thống của mình?
Lấy đất, giao biển và không gian công cộng cho tập đoàn FLC kinh doanh thu lợi. Đẩy hàng ngàn người dân vào cảnh sống phập phồng lo sợ với số tiền hỗ trợ khó đảm bảo được tương lai. Sử dụng quyền lực để bịt miệng dân khi chưa đạt được đối thoại, Thanh Hóa, thêm một lần nữa khẳng định lợi ích hợp pháp của người dân tùy thuộc vào lợi ích của các tập đoàn, doanh nghiệp đang kinh doanh theo kiểu thực dân mới.
No comments:
Post a Comment