Quang Nguyên-07.03.2016
(VNTB) - "Tôi lưu ý Quốc Hội, sự giả đò không chăm sóc, sự giả đò quên các quyền căn bản của con người, là nguyên nhân gây ra đau khổ cho Tổ Quốc, cho nhân dân, là nguyên nhân gây ra sự đồi bại của những kẻ làm ông nhà nước"
‘Dân Biểu Ba Không’
Không biết bây giờ còn mấy người nhớ đến chị Lê Thị Thêu vị đại biểu quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975. Riêng tôi, tôi nhớ chị, người phu quét đường làm ở sở vệ sinh Sài gòn đường Hiền Vương, Q1.
Nếu không có tờ Sài Gòn Giải Phóng được bà tổ trưởng cho không, vứt vào nhà mỗi buổi sáng, chúng tôi không biết về chị.
Quen với cách thức bầu cử quốc hội VNCH trước kia, tổ dân phố chúng tôi bỡ ngỡ và lấy làm kỳ cục cái kiểu "đảng cử dân bầu", và cách bỏ phiếu: Sáng tinh mơ ngày Chúa Nhật bầu cử, bà tổ trưởng đã đến gom tất cả phiếu bầu của mọi người trong tổ để đi bầu giùm họ. Không biết quý ngài cán bộ cao cấp từ Hà Nội mới vào đang sống trong các căn biệt thự kín cổng cao tường tịch thu được của bọn mới "tháo chạy tán loạn" có bị bà đi bầu dùm không và nếu có thì không biết họ phản ứng thế nào, bọn dân còn lại trong tổ chúng tôi chẳng ai buồn vì mình bị tước quyền công dân (hạng hai) một cách dễ chịu như thế, vừa tức cười, vừa thoải mái vì không mất thì giờ và nhất là khỏi lo hôm nào công an đến nhà hỏi mình tại sao có lá phiếu bị gạch tất cả tên.
Để có đủ thành phần dân chúng trong quốc hội như người ta thường tuyên truyền, họ đưa chị Lê Thị Thêu vào làm đại biểu Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thế là trong khóa quốc hội VI đó, người dân Sài Gòn nói riêng, dân cả nước nói chung, có được một vị đại biểu là Công nhân Sở vệ sinh thành phố Hồ Chí Minh để làm các công việc quốc gia đại sự:
-Lập hiến, Lập pháp
-Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
-Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
Có lẽ rất ít người biết chị là người hốt rác nếu báo Sài Gòn Giải Phóng không chạy tít hoành tráng vừa ca ngợi đảng, ca ngợi dân chủ, ca ngợi sự sáng suốt của cử tri khi cầm lá phiếu bỏ cho chị, vừa ca ngợi chị như tiêu biểu sự vùng lên của thành phần bị chế độ cũ áp bức, bóc lột vv và vv . Tiểu sử của chị chỉ vỏn vẹn có tên Lê Thị Thêu, ngày sinh 1/1/1937, nghề nghiệp công nhân sở vệ sinh. Người Sài Gòn từ trước vẫn kiêu hãnh có các vị đại diện dân cử sừng sỏ trong hội đồng thành phố, quốc hội, cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, từng làm bốc lửa quốc hội, điên đảo chính phủ, đến nay, dù không mong đợi có những người dám nói, dám làm , dám hy sinh như vậy, cử tri cũng rất bất ngờ, chưng hửng. Cử tri không xấu hổ vì người đại biểu cho họ thất học, lam lũ hốt rác, nhưng họ bực bội vì bị xỏ mũi. Họ ngỡ ngàng nghe lời tuyên truyền lạ tai về dân chủ gấp triệu lần cái gì gì đó của đảng, của nhà nước và của quốc hội VN CHXHCN và thương xót cho chị Thêu .
Mỗi người có giá trị, nhân phẩm riêng của họ. Không ai phủ nhận giá trị và năng lực chị Thêu khi chi cặm cụi quét đường, không ai dám coi thường chị, không ai không thầm cảm ơn công việc chị dãi dầu đêm khuya, mưa nắng giữ cho khu chị lo được sạch sẽ, nhưng từ khu vệ sinh chị trách nhiệm, đến bắt chị ngồi trong phòng máy lạnh, ghế nệm, "chuyên trách" chuyện quốc gia đại sự thì thật lạ lùng và quá sức cho chị, chúng tôi tin lương lâm chị không yên. Có thể chị bị người khác thương hại cho hoàn cảnh chị, một tình cảm chị không cần khi cầm chổi quét đường, trong hoàn cảnh này tình cảm đó có thể làm chị cảm thấy bị xúc phạm. Chúng tôi tin những điều đó vì chúng tôi tin chị là người lương thiện. Đáng trách là những người đã đánh tráo con người thật của chị, biến chị thành một con rối, một con bù nhìn.
Thay máu Quốc hội
Theo ý của đảng, Đại biểu trong QH của nước CHXNCN VN, phải có nhiều thành phần đại diện, như đại diện tôn giáo, sắc tộc, công nhân , nông dân vân vân. Tôi nhận ra trong đó có ba thành phần nổi: Một thành phần kém nhân cách, một thành phần vô nhân cách và một thành phần bị đánh tráo nhân cách; tôi dẫn chứng hai thành phần trên qua bài: “Dân biểu bây giờ thiếu nhất là... bản lĩnh!” của ông Lê Văn Cuông -nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (*), và của đại biểu Đỗ Văn Vẻ - phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình. (**)
Ông Lê Văn Cuông kể ra những loại dân biểu: Đó là loại chỉ lo "lợi ích bản thân, lợi ích cục bộ, không muốn đụng chạm gì để dễ xin xỏ", đó là loại “vận động để được ghế trong Quốc hội. Nhưng sau khi thực hiện được mục đích thì bắt đầu nghĩ đến chuyện toan tính lợi ích, đánh bóng bản thân, tranh thủ các mối quan hệ để kiếm lợi." hay loại coi quốc hội là một cái chợ buôn quan bán tước "[ ] sẽ được nhiều hơn là mất. Do đó, họ có thể bỏ ra một đồng để thu về đồng rưỡi hoặc nhiều hơn thế." Tôi liệt họ vào loại dân biểu vô nhân cách.
Đại biểu đáng liệt vào loại kém nhân cách như lời đại biểu Đỗ Văn Vẻ: "...có những Đại biểu bán chuyên trách, chuyên trách, rất ít phát biểu, hoặc không phát biểu, không tham gia thảo luận, đi họp cũng không đầy đủ, thiếu tinh thần trách nhiệm." hay "Cũng có trường hợp người ta hoạt động ở lĩnh vực chuyên môn thì rất tốt. Tuy nhiên, khi được cử tri bầu vào ghế Đại biểu Quốc hội thì không phát huy được năng lực của mình vì muốn “an toàn” cho bản thân." (Lê Văn Cuông)
Và loại thứ ba là những người bị đánh tráo nhân cách, những người bị điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa, những người bị coi như gia vị cho nồi lẩu mắm quốc hội như chị Lê thị Thêu tôi kể trên.
Ông Lê Văn Cuông và ông Đỗ Văn Vẻ đã nói khá nhiều lý do khiến các dân biểu bây giờ thiếu bản lãnh. Thực ra không phải dân biểu quốc hội nước VN CHXHCN bây giờ mới thiếu bản lãnh, mà phải nói từ trước đến bây giờ họ thiếu nhất là bản lãnh, nhưng hai ông không nêu lên nguyên nhân sâu xa, căn bản khiến họ thiếu bản lãnh, dẫn đến QH có những loại người vừa kể trên, đó là vì chính sách tréo nghoe, phản dân chủ :"Đảng cử dân bầu".
Ai cũng biết, đảng đã cử thì đảng phải cử người có lợi cho đảng, cho “sự đoàn kết của đảng” , cho người trong đảng, người của mình, cánh hẩu với mình, loại dễ bảo, dễ dậy, dễ ngậm miệng, nhắm mắt,bịt tai giơ tay thông qua tất cả điều đảng muốn. Nếu không được đảng cử những người kể trên chắc chắn không dám ra ứng cử và nếu có một cuộc tuyển cử tử tế với nhiều ứng viên tử tế, và người dân có tự do lưa chọn, chắc chắn cử tri sẽ không bỏ phiếu cho đám người sống bám vào tiền thuế của dân như vậy.
Muốn có một quốc hội có sinh khí, năng động, một quốc hội sáng tạo, có IQ cao, bốc lửa, một quốc hội biết mưu cầu dân chủ, tự do hạnh phúc cho dân, biết ngăn chận tham nhũng, sai lầm, lạm quyền của đảng qua cánh tay của họ là chính phủ, biết quyết định sáng suốt các vấn đề liên quan đến quốc gia, đến sự phát triển chung của đất nước, quốc hội cần thay máu. Quốc hội cần phải có mặt những người như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, luật sư Lê Văn Luân, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Bùi Minh Quốc các nhà hoạt động như Đặng Phương Bích, Nguyễn Thúy Hạnh v.v...
Đối với các vị đại biểu này thì:"[ ] cương vị đại biểu Quốc hội không phải là tước vị để hưởng bổng lộc và hư vinh mà là vị trí chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng tiền phong gương mẫu gắn bó máu thịt với Nhân Dân, chiến đấu vì Tổ Quốc và Quyền Dân."(Ứng cử viên Bùi Minh Quốc), là người "thật sự vì dân vì nước, muốn có thêm cơ hội để cống hiến cho Đất nước, cho Dân tộc, hết lòng trung thành với lợi ích của Nhân dân Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam"(UCV Nguyễn Tường Thụy), "thoát khỏi nỗi sợ hãi của bản thân.. khiến xã hội này thay đổi” (UCV Đặng Phương Bích).
Để kết thúc bài này, tôi xin phép viết lại câu nói của cụ Nguyễn Văn Trấn, trong Thư Gửi Mẹ và Quốc Hội: "Tôi lưu ý Quốc Hội, sự giả đò không chăm sóc, sự giả đò quên các quyền căn bản của con người, là nguyên nhân gây ra đau khổ cho Tổ Quốc, cho nhân dân, là nguyên nhân gây ra sự đồi bại của những kẻ làm ông nhà nước".
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment