Thảo Vy-07.03.2016
(VNTB) - Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM) từng là một thẩm phán, ông nói rằng biết rõ cảm giác ấm ức của các thẩm phán khi phải tuân thủ quy chế báo cáo án trước khi xét xử. “Thẩm phán có cảm giác mình chỉ là tay sai của lãnh đạo, trong khi bản thân họ mang sứ mệnh cao cả như một vị thần công lý”. Ls Phạm Công Út chua chát nhận xét.
Thế nhưng, việc chỉ đạo án trước khi xử không hề bằng văn bản mà chỉ bằng mồm, đường lối xét xử do lãnh đạo chỉ đạo thì thẩm phán tự ghi vào sổ tay bằng bút tích của chính mình chứ không hề có một dấu vết nào của sự chỉ đạo của lãnh đạo. Gần đây, mỗi lần báo cáo án và nhận chỉ đạo của lãnh đạo, một số thẩm phán đã phải... lén lút ghi âm lời chỉ đạo của lãnh đạo để làm chứng cứ khi bản án chỉ đạo đó sau này được xác định là án oan. “Những hoạt động bí mật đó không phải là phi pháp và lén lút thì đó là cái gì?”. Cựu thẩm phán Phạm Công Út đặt câu hỏi.
Thâu tóm quyền lực?
Ông Nguyễn Đức Bình, Trợ lý Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Giám đốc Học viện Tòa án, lúc còn ngồi ghế Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nổi đình nổi đám chốn pháp đình khi ông ký quyết định số 13/QĐ-CA ngày 23/1/2013 ban hành quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính… Gọi nôm na là “báo cáo án”.
Tại Điều 3 của quyết định số 13 liệt kê nhiều nội dung phải báo cáo với Chánh án TAND TP Hà Nội gồm: Các vụ án thuộc diện quản lý theo Chỉ thị 15-CT/TU ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị; Các vụ án đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử mà chưa đưa ra xét xử hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng bị kéo dài thời gian mở phiên tòa. Các vụ án thuộc các tính chất: Hình sự sơ thẩm dự kiến xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; Các vụ án dân sự về thừa kế có kỷ phần được hưởng bằng giá trị; Các vụ án liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật; Các vụ án mà thời hạn tiến hành tố tụng bị kéo dài, dư luận quan tâm, đã bị Tòa án nhân dân tối cao xử hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử lại vụ án còn băn khoăn về hướng giải quyết; Các vụ án mà đường lối xét xử lại không giống với đường lối của quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm;…
Đặc biệt, tại quyết định này còn thòng thêm một câu yêu cầu báo cáo nghiệp vụ, đó là: “Các vụ án khác mà Chánh án TAND TP Hà Nội thấy cần thiết”.
Quyết định này của ông Nguyễn Đức Bình không chỉ gây bất bình trong giới thẩm phán, mà giới luật sư cũng nản lòng, cảm thấy buồn vì trong nhiều vụ việc người dân vẫn bảo có luật sư tham gia phiên tòa nhìn cho đẹp đội hình vậy thôi chứ chẳng có tác dụng gì. “Họ nói không sai nếu vẫn còn tồn tại lệ “báo án”, “thỉnh thị án”, vì tòa cấp dưới đã xin chỉ đạo của tòa cấp trên rồi thì kết quả tranh tụng tại tòa không còn ý nghĩa gì”. Luật sư Trần Thành cười buồn.
“Án bỏ túi” là có thật
Luật gia Phạm Thái Quý nói rằng trước đây, việc Nhà nước quản lý xã hội chủ yếu bằng kế hoạch, hệ thống pháp luật còn quá đơn giản, việc xét xử chủ yếu theo chủ trương, đường lối cần đến việc bàn bạc tập thể nên đã hình thành cơ chế báo cáo án, duyệt án và tồn tại đến nay.
“Hiện nay vẫn còn nhiều thẩm phán muốn duy trì cơ chế này vì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của họ còn hạn chế nên chưa đủ tự tin để độc lập phán quyết. Họ muốn tranh thủ kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ của các đồng nghiệp, sau nữa là một khi việc xét xử đúng pháp luật thì thành tích sẽ thuộc về họ nhưng khi có sai sót lại đổ lỗi cho tập thể” - Luật gia Quý biện giải và nhìn nhận phía lãnh đạo tòa án cũng muốn điều này, vì với việc báo cáo án, duyệt án sẽ làm tăng thêm quyền lực và việc can thiệp, áp đặt ý chí của họ đối với thẩm phán được hợp thức bằng một cơ chế, chứ không phải bằng những mệnh lệnh cụ thể, đơn lẻ.
Với đường lối giải quyết đã được bàn bạc thống nhất từ trước nên thẩm phán (thậm chí là giao cho thư ký tòa án) cứ thế mà viết hoàn chỉnh bản án trước, dẫn đến tình trạng “án bỏ túi”, phiên tòa sau đó chỉ mang tính hình thức. Hậu quả sau cùng là sẽ làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Tạo ra tâm lý ỷ lại của các thẩm phán, không chịu học hỏi, nghiên cứu để nâng cao trình độ.
Đó là chưa kể khi thẩm phán muốn chạy án cho một bên nào đó. Một khi đã cố tình trục lợi thì khi báo cáo án thẩm phán chỉ trình bày một phía, chỉ nêu những vấn đề có lợi cho người mà họ cố tình bảo vệ. Và như vậy hướng xét xử vụ án mà tập thể thống nhất, lãnh đạo duyệt đôi khi trở thành “lá bùa hộ mệnh” để thẩm phán an tâm xử trái pháp luật.
Cần chấm dứt “chỉ đạo án”
Cựu thẩm phán Phạm Công Út nhìn nhận cái đau nhất với một luật sư từng có 20 năm ngồi ghế thẩm phán như ông, là cho đến nay hoạt động tư pháp vẫn như thời kỳ cách mạng “Cải cách ruộng đất”. Đó là việc lãnh đạo ba cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án thường có sự phối hợp liên ngành để họp bàn đưa ra các vụ án điểm, nhất là việc phải bàn bạc thống nhất về các vụ án cần phải “xét xử lưu động” hay xét xử tại trụ sở tòa án.
Trong đó, từ hồ sơ của những vụ án trọng tâm tại địa phương được đưa ra để thống nhất về tội danh, khung hình phạt. Nhưng dù các cơ quan này có thống nhất gì đi nữa thì không thể tránh được việc xử oan đối với những vụ án mang tính trọng điểm đó. Do đó, “cá nhân tôi mong muốn, tương lai sau này hoạt động xét xử ở nước ta sẽ không còn những cuộc họp liên ngành, chỉ đạo án”. Luật sư Phạm Công Út chia sẻ.
No comments:
Post a Comment