Chân Như, phóng viên RFA 2016-01-11
Bán hoa đào vào những ngày giáp Tết ở Hà Nội. AFP photo
Năm 2015 đã khép lại. Tình hình của Việt Nam từ kinh tế cho đến chính trị và xã hội chuyển biến ra sao, Chân Như hỏi chuyện các bạn trẻ Thomas Võ, Khải Tường và Phan Duy.
Tình hình chính trị
Chân Như: Năm 2016 tới đây, Việt Nam sẽ có cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu có hiệu lực, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do tác động tới. Các bạn dự đoán tình hình Việt Nam sẽ ra sao?
Duy Phan: Lúc nào em cũng là người lạc quan cho nên đối với em, năm 2016 tình hình kinh tế Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn và hy vọng Việt Nam có thể chính thức trở thành thành viên của TPP, cũng như sẽ là thành viên tích cực của cộng đồng kinh tế ASEAN. Hiện nay em nghĩ trên thế giới thì mọi việc của mình đã ổn định rồi; Việc Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam nữa hay không thì còn phải lệ thuộc vào chính Việt Nam chứ tác động của Trung Quốc cũng chỉ là một phần từ phía bên ngoài thôi còn những cộng đồng của thế giới khác cũng sẽ đứng ra để bảo vệ Việt Nam. Em luôn lạc quan, luôn mong muốn Việt Nam mình sẽ nhanh chóng không bị ảnh hưởng nhiều từ phía Trung Quốc.
Chân Như: Thế còn về cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm 2016 tới đây thì Duy có dự đoán gì không?
Duy Phan: Theo em thì cuộc tổng tuyển cử ở Việt Nam em cũng không muốn nói nhiều đến và cũng nghĩ việc dự đoán của mình cũng chả có chút gì gọi là bất ngờ hay chút gì gọi là quan trọng đối với Việt Nam, tại vì rõ ràng thường là những cuộc tổng tuyển cử này có kịch bản hết rồi. Vì thế, thôi cứ để cho những gì nó diễn ra như đúng kịch bản của họ đi còn mình có dự đoán hay không thì cũng không có quan trọng.
Khải Tường: Thật ra đây cũng là một câu hỏi rất hay và đây cũng là một đề tài hay. Theo em, về vấn đề chính trị thì khỏi phải bàn cãi cũng giống như bạn Duy nói. Tất cả những gì trong quá khứ đến ngày hôm nay mà chính phủ chúng ta đang làm, họ đã có kịch bản hết rồi; Ai lên ngai gì, chức gì thì cũng đều có định sẵn hết rồi. Mọi việc chẳng qua chỉ là hình thức kiểu như họ hay tuyên truyền là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả đều đã được sắp xếp sẵn.
Riêng em, em có chút dự đoán về cuộc tổng tuyển cử này. Em đang cảm nhận là cái bộ máy chính trị nhà nước mình hiện tại đang ưu ái cho các vị tướng mà đặc biệt là tướng bên ngành công an. Do đó, em nghĩ sắp tới đây những vị tướng có năng lực xuất chúng hay kiểu gì đó trong ngành công an sẽ nắm vào những vị trí quan trọng vì chính những vị tướng này sẽ là những quân cờ lớn nhất để giữ được cái vị trí của đảng Cộng sản Việt Nam.
Như em mới thấy là vừa rồi thành phố Hà Nội có bầu tướng Chung vào làm chức danh bí thư thành ủy hay là chủ tịch ủy ban nhân dân gì đó (em chẳng rõ, nói chung, là một vị trí rất quan trọng).
Cuộc bầu cử rất là nực cười: chỉ có một người nên đó cũng là buổi tấu hài mà em được coi rất là vui. Từ hài kịch đó thì em có thể nói chắc rằng cuộc tổng tuyển cử tiếp theo chắc cũng là buổi hài kịch còn vui hơn nhiều nữa, vì tất cả đã được sắp xếp theo kiểu một trò diễn trên sân khấu.
Còn nói đến vấn đề kinh tế thì em cũng hy vọng là hiệp định TPP sẽ có hiệu lực và sẽ có nhiều triển vọng mới giúp cho đất nước của mình bước ra khỏi những cái gì đó tăm tối hay là thoát Trung. Em hy vọng những nghị định đó sẽ có hiệu ứng tốt đối với nền kinh tế nước nhà.
Còn về phần xã hội em nghĩ là năm 2016 sẽ có nhiều biến động hơn nữa vì cuộc sống của mấy năm gần đây người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ; ra đường lúc nào cũng dè chừng; các bạn trẻ trên facebook hay chia sẻ những kinh nghiệm phòng ngừa khi gặp trộm cướp.... Xã hội của mình đang bất an và em nghĩ rằng trong năm 2016, những vấn đề bất an đó sẽ không ngừng tăng tiến thêm. Em cảm nhận được nỗi sợ hãi của người Việt Nam khi ra đường ngày nay càng nhiều hơn. Thật ra mình cũng nên có hy vọng, nói bi quan không thì cũng sẽ làm cho đề tài của mình xuống thấp nhiều quá. Em cũng hy vọng là vấn đề an ninh trật tự cũng như vấn đề trị an của xã hội Việt Nam sẽ được cải tiến tốt hơn, nhưng em nghĩ chắc là đây là hy vọng của em thôi.
Thomas Võ: Về chính trị thì thật ra em và rất là nhiều người nói chung cũng không quan tâm tới. Thậm chí, em cũng không rõ là thời điểm tháng 5, anh nói em mới biết, và rất là nhiều người Việt Nam khác chắc cũng không quan tâm tới vấn đề này. Cũng như hai bạn trước đã nói rồi, thật ra thì bản thân em thì cũng không thích những cách bầu cử ở Việt Nam. Nó có quá nhiều vấn đề và những người bầu lên thì cảm thấy là họ không hoàn thành trách nhiệm của họ và còn rất nhiều những vấn đề tồn đọng. Người ta hay nói là “Hà Nội không vội được đâu” là vậy, không chỉ thủ đô Hà Nội đâu mà cả nước Việt Nam mình đều như vậy. Và các vị trí đó thì giống như các bạn nói, đã có kịch bản dàn dựng sẵn hết và bầu cử chỉ là hình thức, mà ở Việt Nam nói chung những vấn đề này thì không phải là đề tài “hot” của xã hội đâu.
Xã hội đang bất an và em nghĩ rằng trong năm 2016, những vấn đề bất an đó sẽ không ngừng tăng tiến thêm. Em cảm nhận được nỗi sợ hãi của người Việt Nam khi ra đường ngày càng nhiều hơn.
- Khải Tường
Còn về xã hội, nói chung như bạn Khải Tường vừa chia sẻ thì tình hình an ninh trật tự xã hội ở Việt Nam càng ngày càng đi xuống. Trong năm 2015, nổi cộm một loạt những vụ giết người hàng loạt giống trong phim hành động; trước giờ mình chưa bao giờ nghĩ ở Việt Nam sẽ có những kiểu như vậy. Nói chung xã hội bây giờ, theo cảm nhận của em thấy là đang đi xuống, đang bất an.
Còn về kinh tế, theo báo chí dự đoán thì kinh tế sẽ tăng trưởng khởi sắc hơn có thể đạt 6.5%. Nhưng phân tích kỹ tăng trưởng này chủ yếu là do khối doanh nghiệp nước ngoài FDI, còn khối doanh nghiệp Việt Nam do chính người Việt làm chủ thì đang trì trệ và đang đi xuống. Đây là điểm rất yếu và là vấn đề rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Những vấn đề về thâm hụt ngân sách, bội chi ngân sách ở Việt Nam, vấn đề nợ côngđang rất trầm trọng. Việt Nam đang bị lọt vào top 12 nền kinh tế có vấn đề nợ công nguy hiểm nhất trên thế giới: hiện tại mình đã chiếm trên 60% GDP; rồi chi ngân sách không hiệu quả; rồi vấn đề doanh nghiệp nhà nước.
Hiện tại nó là một cái cái nút thắt trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam. Còn những hiệp định thương mại tự do với các nước và các khu vực trên thế giới thì hy vọng rằng sẽ có ít nhiều tác động cho kinh tế Việt Nam phát triển khả quan hơn. Tuy nhiên, về TPP là cái mà được báo chí ở Việt Nam cũng như nhiều nước nhắc đến thì có thể chưa chắc năm sau đã được thông qua, chưa chắc đã được đi vào hoạt động vì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề các nước thông qua, nhất là ở Mỹ.
Tuy nhiên, TPP có thể kích thích những dọc đầu tư từ các quốc gia khác vào Việt Nam để mà đón đầu làn sóng TPP. Hy vọng trong năm tới thì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người dân Việt Nam. Em hy vọng trong năm sau kinh tế xã hội của Việt Nam sẽ khả quan hơn và chính trị sẽ ổn định hơn.
Hy vọng gì cho năm mới
Chân Như: Về phần cá nhân, các bạn có mục tiêu gì cho năm mới 2016 hay không?
Khải Tường: Mục tiêu cá nhân em trong năm 2016 thì, thật ra nãy giờ em nghe các bạn chia sẻ rất nhiều. Đặc biệt, vừa rồi bạn Thomas cũng nói là hy vọng, em cũng đang hy vọng, mọi người Việt Nam đang hy vọng. Câu hỏi nầy mặc dù mang tính cá nhân nhưng em nghĩ không chỉ em mà nhiều người nữa cũng đang hy vọng. Xã hội Việt Nam ngày nay đang như thế nào? Đang rất bất ổn nên em chỉ hy vọng những gì khả quan hơn. Người Việt Nam đang sống tại Việt Nam lúc nào cũng mang cảm giác nơm nớp lo sợ, lúc nào cũng chỉ hy vọng, hy vọng giống như đang dựa vào một đấng thiêng liêng nào đó.
Thay vì như vậy, em nghĩ đây là điều em đang nói đến chính cá nhân em: mỗi cá nhân nhất là những người trẻ như mình không ít thì nhiều chúng ta nên có những hành động thiết thực hơn, những tiếng nói của chúng ta phải trở nên sắc bén hơn. Con đường đấu tranh của chúng ta cũng càng ngày phải thể hiện rõ hơn chứ không phải là anh hùng bàn phím.
Mục đích cá nhân của em năm tới: em nghĩ là việc đấu tranh nào cũng phải có sự hy sinh; Em không dám nói đao to búa lớn gì nhưng em cũng sẽ đấu tranh với tinh thần là không ngừng nghỉ và không bao giờ mệt mỏi đối với những gì nổi cộm của xã hội của chính trị hiện nay. Còn riêng về cá nhân, những gì thâm sâu trong tâm hồn, những gì liên quan đến bản thân của mình thì em vẫn cố gắng (chắc là cũng phải quay cuồng cơm áo gạo tiền) vì người Việt Nam, không riêng em, mà nhiều người nữa cũng đang như vậy.
Mục đích cá nhân thì cũng cố gắng trong những năm tới 2016 thì trau dồi thêm những cảm nhận, những kinh nghiệm, cũng như những nhận xét, cũng như những vấn đề nổi cộm trong xã hội nhiều hơn để góp phần tiếng nói mình vào cộng đồng nhiều hơn. Và đây là hy vọng của riêng em rồi đó. Hy vọng tất cả những gì mà chúng ta hy vọng, của em và nhiều người Việt Nam nữa, đều sẽ trở nên khả quan hơn.
Duy Phan: Duy cũng có dự định cho năm 2016 nhưng chắc sẽ là giữ riêng không có chia sẻ với mọi người. Hy vọng khi gặp lại các bạn trong chương trình năm 2016 thì Duy có thể sẽ chia sẻ dần dần, nếu dự định đó được thành sự thật.
Thomas Võ: Vẫn như mục tiêu đang vạch ra đó là hiện tại Thomas đang tiếp tục luyện tiếng Anh. Thomas chuẩn bị học khóa thạc sĩ kinh doanh NBA và dự định mình sẽ học ở Mỹ; Còn nếu không được thì phương án tiếp theo mình có thể học ở Anh hoặc ở Úc; Và xa xôi hơn mình sẽ học bên đó và mình sẽ định cư ở đất nước mà mình yêu thích. Chắc là mình phải đi tìm giấc mơ Mỹ thôi.
Chân Như: Thomas vừa nói đi tìm giấc mơ Mỹ, tại sao vậy? Phải chăng Việt Nam không còn là nơi đất lành chim đậu?
Không biết là đến bao giờ Việt Nam mình mới khá hơn với cách quản lý hiện tại với văn hóa con người hiện tại nữa.
- Thomas Võ
Thomas Võ: Câu này rất nhiều người Việt Nam đã từng hỏi. Anh biết em là nhân viên kinh doanh nên em gặp rất nhiều người nước ngoài. Có một lần có người hỏi em tại sao ngày xưa Việt Nam đánh Mỹ mà bây giờ mình lại đi theo giấc mơ Mỹ. Có phải là mình sai lầm hay không thì mình cũng không biết trả lời như thế nào nữa. Mình nghĩ đó là vấn đề lịch sử thôi mà.
Nói chung, mình phải hướng tới tương lai thôi. Bản thân Thomas và rất nhiều bạn trẻ Việt Nam thì đều mang trong mình giấc mơ Mỹ và hy vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn bên kia. Thật ra thì mình muốn tới Mỹ bằng con đường trí thức. Đó là ước mơ từ nhỏ của mình rồi chứ không phải là mình chạy theo xu hướng. Mình nghĩ là ở Mỹ thì mình sẽ có nhiều điều kiện phát triển về bản thân nhiều hơn và mình có điều kiện để thể hiện khả năng, năng lực hơn của mình hơn.
Ở Việt Nam, mình không có lạc quan lắm, nói chung, nhân tài ở Việt Nam thì khó mà phát huy. Đó là vấn đề không phải mình nghĩ đâu mà rất là nhiều báo chí đã đề cập đến. Không biết là đến bao giờ Việt Nam mình mới khá hơn với cách quản lý hiện tại với văn hóa con người hiện tại nữa.
Chân Như: Xin cám ơn ba bạn Duy Phan, Khải Tường và Thomas Võ đã dành thời gian để chia sẻ với diễn đàn tuần này. Chúc mừng năm 2016 đến với tất cả các bạn và mong sao những mục tiêu mà các bạn dự tính sẽ thành công.
No comments:
Post a Comment