Theo VOA-11.01.2016
Những ngày qua, chuyện tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam một cách dã man khiến dư luận bức xúc. Nhưng nhìn đại cục, mọi chuyện không chỉ thế!
Sự nguy hiểm của gã hàng xóm “to xác”
Chuyện phần lớn Trường Sa và cả quần đảo Hoàng Sa vốn được công nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam theo luật biển quốc tế vốn không phải lạ lẫm. Nhưng kể từ thập niên đầu thế kỷ 21, Bắc Kinh trở chứng mạnh tay và quyết liệt chiếm luôn những gì họ mặc nhiên cho là của cha ông họ để lại. Từ tuyên bố đường chín đoạn, đến việc cho tàu “đi tuần” trong vùng biển mà người Việt xem là ngư trường truyền thống, nuôi sống bao nhiêu thế hệ trong nhiều năm qua.
Những chiếc tàu đánh cá của Bắc Kinh tại các vùng biển tranh chấp, chẳng biết vô tình hay cố ý, được trang bị “đồ chơi” hạng nặng đầy đủ, có cả tàu quân sự phục vụ khi cần. Thế nên ngư dân Trung Quốc không ngại hành động tàn bạo, ức hiếp ngư dân Việt như cái cách mà hàng ngàn năm trước cha ông của họ đã từng làm. Báo chí đăng tin “ngư dân Việt Nam khi ra biển bị tàu lạ tấn công chỉ biết nương nhờ nhau mà sống, mà thoát nạn”. Thậm chí có lúc gặp nguy, muốn kêu cứu, họ cũng bất lực vì phương tiện còn thô sơ và thiếu khả năng chịu đựng trên những chuyến thuyền cũ kĩ, ọp ẹp phải lênh đênh trên biển dài ngày. Phía trong đất liền, mẹ già, vợ khổ, con thơ đôi lúc thức trắng đêm chờ người đi khi có tin đánh về “tàu gặp kẻ lạ”.
Mọi chuyện càng trở nên bi quan hơn cho những ngư dân bôn ba chỉ vì miếng cơm manh áo khi Trung Quốc tiến hành “đảo hóa” nhiều vùng biển, bất chấp thế giới lên án. Vậy là, không chỉ tàu cá hiện đại, mà giờ “biển bị lấp thành đảo”, có cả sân bay, tàu quân sự, máy bay quân sự... Thậm chí phương tiện “đánh nhau” còn nhiều hơn cả của Mỹ tại đây. Trung Quốc ngang ngược cho máy bay thí điểm tại đảo của người Việt, còn lớn tiếng cảnh cáo tàu nào lại gần. Không ít người nghi rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa các đảo nhân tạo; và rồi ngư dân Việt – những người dám bám biển – chẳng biết có còn bao nhiêu ngày có thể tiếp tục mưu sinh tại quần đảo mà cha ông để lại. Ngư dân quyết tâm bám biển, nhưng khi điều kiện vật chất (tàu hiện đại, sự hỗ trợ và giám sát của các tàu đảm bảo an ninh biển của Việt Nam) không theo kịp thì “đưa đầu vào chỗ chết” là một chọn lựa không dễ dàng, càng không phải khôn ngoan với dân nhà mình.
Kinh tế cũng muốn ‘thôn tính’
“Đánh” trên biển chưa hả hê, người Trung Quốc còn đánh luôn trên cạn. Không ít các dự án kinh tế chủ chốt, bao gồm cơ sở hạ tầng, năng lượng... của Việt Nam đều có dấu ấn không tốt lành của người Trung Quốc. Nói không tốt lành có khi còn nhẹ, chứ phải nhấn mạnh rằng nhiều dự án có thể gây hậu quả thảm khốc về chất lượng trung và dài hạn, an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp (vì lao động chui Trung Quốc)... mà báo chí, truyền thông đã nhiều lần đưa tin trong suốt nhiều năm tháng vừa qua, đến độ cứ nhắc đến người Trung Quốc là ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Ngành thương mại hàng hóa cũng bị người Trung Quốc nhòm ngó và gây ảnh hưởng đến cùng cực. Điển hình như ngành nông nghiệp, ngành thế mạnh của người Việt. Nhớ một dạo vài năm trước, có nhóm thương lái về khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng để khảo sát tình hình nông dân Việt trồng lúa. Thấy bà con nhà mình canh tác các giống lúa mới, vốn được khuyến khích vì chất lượng tốt, được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng, các thương lái người Hoa nghĩ ra trò độc để đánh lừa. Họ tuyên bố mua lúa giống cũ, vốn còn rất ít người trồng, với mức giá trên trời. Họ tung tin đồn thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, đang chuộng ăn gạo loại cũ, loại mới “khó ăn” nên mua giá rẻ bèo. Các thương lái sẵn sàng bỏ cọc cho vài ba gia đình để đặt hàng trước, tạo niềm tin cho dư luận vì người ta thấy tiền tươi thóc thật. Thế là kéo nhau trồng lúa cũ, năng suất cao nhưng thế giới ít người dùng.
Tới khi các cánh đồng lúa chín vàng, mùi lúa thơm ngào ngạt, bà con phấn khởi gọi điện cho thương lái tới gom hàng thì chẳng thấy các vị ấy đâu. Mọi người chạy tới chạy lui hỏi nhau thì hóa ra các thương lái đã biến mất dạng, để những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt chẳng ai mua vì xuất khẩu rất khó khăn. Bấy giờ các tay thương lái Trung Quốc cho người sang gom hàng với số lượng khủng nhưng giá rẻ như bèo, rồi ung dung chở về nước kiếm lời tiền tỷ.
Chiêu trò này cũng khiến người nuôi tôm chết dở sống dở. Thấy tôm vừa lớn, thương lái Trung Quốc tìm mua tôm cỡ lớn với giá cao chót vót, tung tin đồn thị trường Trung Quốc chuộng tôm lớn. Sự thật là họ có chuộng, nhưng khi bà con nông dân nuôi thêm để tôm lớn hơn bán có giá, thì họ bảo “tôm lớn khó bán” nên bỏ về. Thị trường tôm vốn phụ thuộc những gã thương lái người Trung Quốc nên đành ngậm đắng nuốt cay mà bán đổ bán tháo chỉ mong lấy vốn hay bớt lỗ lã.
Đó là chưa kể đến thương lái Trung Quốc dùng các chiêu trò lừa dân bằng cách tuyên bố mua đỉa, phân trâu, lá điều, rễ sim, rễ hồ tiêu...Họ mua giá cao cửa trước rồi bất ngờ đẩy giá chót vót trên trời để tuồng hàng cửa sau bán lại cho các đầu nậu Việt Nam, vốn đang chạy tứ phía gom hàng để hưởng chênh lệch. Tới khi hàng chất đầy kho đầu nậu Việt thì thương lái Trung Quốc ôm tiền chạy mất tăm, để lại núi hàng lạ hỗn độn mà dân chỉ biết khóc chứ chẳng biết làm gì.
Thị trường tiêu dùng cũng gặp nạn
Hàng tiêu dùng của Việt Nam cũng bị Trung Quốc tấn công ồ ạt vì giá rẻ đến không thể nào ngờ. Đi đâu mua hàng, từ rau củ quả, trái cây, trứng, thịt, sữa,...đến mì chính, đường, hương liệu, gia vị, phụ gia... đều tràn ngập hàng Trung Quốc. Báo Tuổi Trẻ đưa tin chiều ngày 6-1, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã gửi công văn và mẫu thực phẩm chức năng Omega-3 có khả năng ăn mòn thùng xốp ra Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để đơn vị này kiểm tra làm rõ. Theo đó, khi đổ dầu cá Omega-3 Trung Quốc lên tấm xốp, chỉ ít phút tấm xốp bị ăn thủng trong khi làm tương tự với loại dầu cá khác thì không có hiện tượng này. Hàng Trung Quốc giờ không chỉ là sự ám ảnh với người dân, mà còn là sự bất an vì đi đâu cũng gặp, thậm chí gặp nhưng dân không biết vì nhiều bất cập của ngành chức trách nên họ cứ “ăn đồ tàu, dùng hàng tàu” mà không hay. Có người thốt lên “chỉ có vài năm mà ông Trung Quốc ghê gớm quá. Đi đâu, làm gì cũng phải canh chừng ông ấy, vì hàng hóa của ổng tràn lan, toàn hàng kém chất lượng, sử dụng không chết ngay nhưng... chết từ từ không hay không biết”.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment