Monday, January 11, 2016

Trung Quốc im lặng trước việc Mỹ biểu dương sức mạnh tại Triều Tiên


Máy bay ném bom B-52 được chiến đấu cơ của Mỹ và Hàn Quốc bay hộ tống bay ngang căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, ngày 10/1/2016.
Máy bay ném bom B-52 được chiến đấu cơ của Mỹ và Hàn Quốc bay hộ tống bay ngang căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, ngày 10/1/2016.
Brian Padden
Trong khi Trung Quốc vẫn chưa có thái độ dứt khoát về việc đối phó với vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang ra sức tăng cường sự răn đe và các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính phủ của ông Kim Jong Un. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Seoul.
Sau khi Washington phái một máy bay ném bom B-52 có thể mang vũ khí hạt nhân bay tới bán đảo Triều Tiên hồi cuối tuần qua, quân đội hai nước đang cứu xét thêm việc biểu dương sức mạnh và gia tăng sự hiện diện của quân đội hai nước trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok ngày hôm nay phát biểu như sau.
“Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang tiếp tục có những cuộc thảo luận chặt chẽ về việc triển khai thêm những khí tài chiến lược trên bán đảo Triều Tiên.”
Phát biểu này được đưa ra trong lúc giới truyền thông đồn đoán là Washington có thể đưa tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan trú đóng tại Nhật Bản đến vùng biển Triều Tiên và cũng có thể đưa đến vùng này các máy bay ném bom tàng hình B-2 và các máy bay phản lực tàng hình F-22.
Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc ngày hôm nay cũng được đặt trong tình trạng báo động cao.
Quân đội Mỹ có gần 30.000 binh sĩ trú đóng tại Hàn Quốc, nhưng cũng có thể nhanh chóng điều động thêm các lực lượng qui ước và các loại vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân, từ những căn cứ trong vùng tại Nhật Bản và đảo Guam.
Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sử dụng đường dây nóng chung lần đầu tiên sau vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Hai đồng minh quân sự của Hoa Kỳ này đang ra sức để giải toả những sự căng thẳng trong mối quan hệ song phương về hành động của Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai để có thể đối phó tốt hơn với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên.
Chưa có câu trả lời từ Trung Quốc
Người Hàn Quốc đốt hình ảnh lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và cờ Bắc Triều Tiên trong một cuộc biểu tình lên án vụ thử bom hydro của Bình Nhưỡng, ngày 11/1/2016.
Người Hàn Quốc đốt hình ảnh lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và cờ Bắc Triều Tiên trong một cuộc biểu tình lên án vụ thử bom hydro của Bình Nhưỡng, ngày 11/1/2016.
Trái với những tiếp xúc mới đây với Washington và Tokyo, Bộ Quốc phòng Seoul cho tới nay vẫn chưa tiếp xúc được với đối tác tại Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết.
“Vào thời điểm này, bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa điện đàm với bất cứ nước nào. Do đó chúng tôi đã yêu cầu nói chuyện bằng điện thoại và đang chờ trả lời.”
Cuộc thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên đã làm tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc, là nước cung cấp viện trợ và mậu dịch chính cho Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh chỉ trích Bình Nhưỡng một lần nữa vi phạm lệnh cấm của Liên hiệp quốc về việc thử nghiệm hạt nhân, nhưng Trung Quốc cũng do dự trong việc ủng hộ các biện pháp chế tài mạnh mẽ hay các biện pháp quân sự có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột và gây bất ổn cho vùng biên giới của Trung Quốc.
Ông Shin In-kyun, một nhà phân tích về Bắc Triều Tiên thuộc Mạng lưới Quốc phòng Triều Tiên tại Seoul, nói Trung Quốc cảm thấy khó xử vì các hoạt động quân sự Hoa Kỳ-Hàn Quốc đang gia tăng trong vùng.
 “Nếu Trung Quốc phản đối sự ứng phó quân sự có tính chất tự vệ của chúng tôi, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ bị đóng băng. Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc khó lòng chứng tỏ một phản ứng như vậy với chúng tôi.”
Các biện pháp của Hàn Quốc
Hàn Quốc cho thực hiện lại chương trình phát thanh tuyên truyền sang Bắc Triều Tiên qua loa phóng thanh để đáp lại vụ thử hạt nhân.
Hàn Quốc cho thực hiện lại chương trình phát thanh tuyên truyền sang Bắc Triều Tiên qua loa phóng thanh để đáp lại vụ thử hạt nhân.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày hôm nay cũng ban hành các biện pháp hạn chế con số công dân nước này đến đến Khu công nghiệp chung Kaesong, nơi có khoảng 120 công ty Hàn Quốc hoạt động, sử dụng hơn 53.000 công nhân Bắc Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee nói.
“Sự hạn chế này nhằm bảo đảm an toàn cho người Hàn Quốc vào lúc miền Bắc sẽ có phản ứng đối với việc Seoul tái tục chương trình phát thanh qua loa phóng thanh chống Bắc Triều Tiên tại vùng biên giới.
Một hiệp hội kinh doanh đại diện cho các công ty Hàn Quốc tại Khu Kaesong yêu cầu chính phủ Seoul đừng đóng cửa các hoạt động của họ.
Những mối căng thẳng trong vùng biên giới giữa hai miền Triều Tiên tiếp tục nằm ở mức cao vì Hàn Quốc tiếp tục sử dụng loa phóng thanh có cường độ cao đặt bên trong vùng phi quân sự để chỉ trích nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Năm ngoái, hai bên đã pháo kích qua lại vì những loa phóng thanh này trước khi đạt được một thỏa thuận để không khiêu khích nhau, một thỏa thuận mà Seoul nói Bình Nhưỡng đã vi phạm với cuộc thử nghiệm hạt nhân mới đây.
Có tin cho hay Bắc Triều Tiên cũng thiết lập một vài trạm loa phóng thanh cực mạnh tại vùng biên giới để lấn át chương trình phát thanh của Hàn Quốc.
Các giới chức Nhà Xanh, tức Dinh Tổng thống Hàn Quốc, hôm nay cho biết Tổng thống Park Guen-hye ngày mai sẽ đưa ra một tuyên bố và dự kiến sẽ loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ngày hôm nay lập lại tuyên bố là cuộc thử nghiệm hồi tuần trước là vụ thử nghiệm một quả bom hydro thu nhỏ. Tuyên bố này bị hầu hết các chuyên gia bác bỏ vì họ cho rằng nếu là bom nhiệt hạch thì sức nổ không yếu như vậy.
Đài truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA đưa ra hình ảnh nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đứng chung với hàng trăm nhà khoa học, công nhân và các giới chức tham dự cuộc thử nghiệm hạt nhân vừa qua.
KCNA nói ông Kim Jong Un chúc mừng toán này về điều mà ông gọi là “sự thành công trong vụ thử nghiệm bom hydro đầu tiên và đã tạo ra một biến cố lịch sử vĩ đại.”

No comments:

Post a Comment