Theo VNTB -12.1.16
Trần Thế Kỷ (VNTB) Bà Aung San Suu Kyi từng nói một câu đáng suy ngẫm: “ Hài hước là phẩm chất tốt cho sự sinh tồn”. Thật chí lý. Không có tính hài hước, cuộc đời sẽ trở nên khô khan, nhàm chán. Điều đó gần như đồng nghĩa với chết dần, chết mòn. Và biếm họa chính là một phần, và là một phần đặc biệt thú vị, của tính hài hước vốn không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Ai đó đã nói rất hay rằng: “Biếm họa không thể thay đổi được thế giới, nhưng biếm họa có thể mang đến tiếng cười trí tuệ để con người tự hoàn thiện bản thân mình”.
Trong tiếng Pháp, biếm họa gọi là caricature, xuất phát từ tiếng Ý là caricare do anh em họa sĩ Carracci sử dụng đầu tiên cuối thế kỷ 16.
Trước năm 1975, báo chí Sài Gòn gọi tranh đả kích, tranh châm biếm, tranh vui… là hí họa. Từ biếm họa mới xuất hiện cách đây mấy thập niên.
Ảnh biếm họa. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử báo chí, các bức biếm họa đầu tiên xuất hiện trên báo khoảng đầu thế kỷ 19. Lý do là vì độc giả thích xem những tranh biếm họa có tính thời sự. Sự tiến bộ của kỹ thuật in ấn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của biếm họa. Ngày nay người đọc báo hầu như không còn thấy những bức biếm họa đơn thuần vẽ bẳng tay vốn không “mát mắt” cho lắm. Những bức vẽ tay sẽ hấp dẫn hơn nhờ kỹ thuật vi tính, chủ yếu ở khâu tô màu. Các họa sĩ biếm họa lớn tuổi không quen sử dụng vi tính sẽ nhờ cậy đến những bạn có tay nghề về kỹ thuật đồ họa. Những người hỗ trợ phần vi tính này như thế đã thành cộng tác viên gián tiếp cho tờ báo.
Như vậy từ hàng trăm năm qua, biếm họa đã là một thể loại báo chí có vai trò đáng kể. Một tờ báo được xem là chưa hoàn chỉnh nếu thiếu mảng biếm họa. Biếm họa được chia làm nhiều thể loại như biếm họa chính trị, biếm họa chân dung, biếm họa hài…
David Levine người Anh được xem là bậc thầy về biếm họa chân dung với những nét vẽ mạnh và đơn giản. Ông nói về tranh biếm của mình như sau: “Mục đích của tôi không phải là thù địch, mà là hướng tới sự thuyết phục”. Và ông đã thuyết phục được nguời xem. Qua những bức vẽ chân dung của ông, người xem biết được đặc điểm của các chính khách hàng đầu. Tổng thống Mỹ Nixon, thủ tướng Anh Thatcher… là những người từng được ông vẽ. David Levine được sách với André Daumier, họa sĩ lớn của Pháp thế kỷ 19, chuyên vẽ tranh biếm và minh họa. Ở Việt Nam, họa sĩ Chóe (Lê Hải Chí ) là bậc thầy về vẽ chân dung biếm.
Nhạy cảm nhất là thể loại biếm họa chính trị vốn thường đề cấp đến những khiếm khuyết, sai trái cua các chế độ, các chính khách. Họa sĩ biếm họa Anh nổi tiếng Ronald Searle nói: “Họa sĩ vẽ biếm họa chính trị là những người thông minh và can đảm, dám đương đầu với sự xuẩn ngốc của thời đại, thể chế, sự độc tài”. Hẳn vì thế mà biếm họa chính trị được xem là một nghề nguy hiểm. Từng có không ít họa sĩ biếm họa chính trị phải ngồi tù vì tranh biếm của họ. Có người phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Vụ thảm sát ở Charlie Hebdo là một minh chứng hùng hồn.
Không rõ ai là họa sĩ biếm tiền phong trong lịch sử báo chí Việt Nam. Có người cho rằng đó là Nguyễn Ái Quốc với các bức vẽ của ông trên tờ Le Paria, cụ thể như các bức vẽ một ông quan Tây ngồi trên xe tay được kéo bởi một phu xe An Nam, hoặc một ông quan Tây cầm roi quất một người dân thuộc địa … Theo quan điểm của người viết bài này, nhận định đó là không đúng. Bởi một điều đơn giản, đó là các bức vẽ của Nguyễn Ái Quốc thiếu hẳn nét gây cười, vốn là yếu tố bắt buộc phải có trong biếm họa. Những bức vẽ đó nên gọi là tranh minh họa thì đúng hơn. Không ít người lầm lẫn tranh minh họa với tranh biếm họa. Đây là hai thể loại khác nhau. Mặt khác, các họa sĩ biếm còn non tay thường có tật dùng lời lẽ dài dòng trong tranh của họ. Đây là điều tối kỵ. Đã gọi là biếm họa thì phải kiệm lời. Nếu phải dùng nhiều lời lẽ dài dòng người xem mới hiểu thì không thể gọi là biếm họa mà gọi là minh họa (cho những lời lẽ dài dòng đó).
Ở Việt Nam hiện nay có hai tờ báo chuyên về trào phúng là Tuổi Trẻ Cười và Làng Cười. Trên các báo này, bên cạnh các bài viết đả kích thói quan liêu, trì trệ trong xã hội, là khá nhiều biếm họa. Một điều đáng tiếc là biếm họa (và cả bài viết) của các báo này nếu phê phán quốc nạn tham nhũng thì cũng chỉ là phê phán từ vai trở xuống.
Một điều còn đáng tiếc hơn rất nhiều là trong khi tình hình Biển Đông đang ngày càng nóng, thì các báo Tuổi Trẻ Cười và Làng Cười lại hầu như thiếu vắng những bức biếm họa đả kích chủ nghĩa bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Hẳn là vì ly do cấm đoán. Như vậy, do thiếu tự do báo chí, các họa sĩ biếm của báo Lề Đảng đã không thể thể hiện hết lòng yêu nước của mình qua nét vẽ.
Việc VNTB ra chuyên mục Biếm Họa Cuối Tuần là rất đáng hoan nghênh. Điều này chứng tỏ VNTB luôn không ngừng đổi mới để trở thành một tờ báo mang dáng dấp hiện đại.
No comments:
Post a Comment