Theo BBC- 1 giờ trước
Giáo sư Carl Thayer bình luận về quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ sau Đại hội 12 và đánh giá về khả năng giành chiến thắng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hôm 9/1, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm viết: “Ông Dũng đã ngồi ghế thủ tướng hai nhiệm kỳ và hơn 65 tuổi. Ông là một ứng viên nặng ký cho ghế tổng bí thư. Nếu ông giành chiến thắng, điều này chưa từng có trong tiền lệ.
"Từ trước đến nay, chính trường Việt Nam chưa có trường hợp nào như Vladimir Putin, người từng làm thủ tướng rồi sau đó thành tổng thống," học giả Úc bình luận khi so sánh với chính trường Nga.
Tuy nhiên theo quan sát của BBC tiếng Việt, trong quá khứ đã có tiền lệ lãnh đạo nhà nước chuyển sang làm lãnh đạo Đảng Cộng sản tại Việt Nam.
Ông Đỗ Mười, người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tương đương với ghế thủ tướng vào năm 1988, đã được bầu làm Tổng Bí thư vào năm 1991 và tại vị cho tới cuối năm 1997.
Giáo sư Thayer nhận xét ông Dũng được cho là người thúc đẩy Việt Nam theo hướng "quốc gia hiện đại và công nghiệp hóa" năm 2020. Ông có thể được mô tả như là người có tham vọng muốn phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực kinh tế có đặc thù.
Nhà quan sát người Úc nói ông tin rằng ông Dũng sẽ đặt mục tiêu Việt Nam đáp ứng được những đòi hỏi của TPP.
"Nếu thắng, ông Dũng sẽ là Tổng Bí thư đầu tiên có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, xử lý các vấn đề kinh tế quốc tế và được các nhà lãnh đạo chính phủ khác biết đến.
"Mô hình nhà nước độc đảng của Việt Nam không phải là hệ thống "một người quyết hết".
"Nếu ông Dũng trở thành Tổng Bí thư đảng thì sẽ có thương lượng gay gắt về quyền lực ở các vị trí cấp cao nhất.
"Cuộc đua chủ chốt sẽ là ghế thủ tướng tới và liệu người ngồi ghế đó có phải là đàn em của ông Dũng hay không," ông Thayer viết.
Bất luận ai sẽ trở thành Tổng Bí thư, Giáo sư Thayer cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ‘đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế’ và ‘chủ động hội nhập quốc tế’.
Việt Nam sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các cường quốc Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Liên minh châu Âu.
Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam được dự báo sẽ thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác TPP khác để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế và thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Việt Nam sẽ phát triển quan hệ an ninh gần gũi hơn với Hoa Kỳ để tăng cường khả năng đối phó với áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đã có chỉ dấu tăng cường hợp tác để hình thành lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam mà chỉ nới lỏng một phần.
Có khả năng là năm 2016, Việt Nam muốn tiếp cận công nghệ viễn thông và trinh sát hiện đại để cải thiện năng lực hàng hải ở Biển Đông. Có tin là Việt Nam đang cân nhắc mua một máy bay trinh thám hàng hải như P3 Orion. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục mua vũ khí từ Nga để tăng cường quốc phòng.
Đồng thời, Việt Nam sẽ tìm cách chia tách vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc”.
Giáo sư Thayer nhận định, lâu nay Việt Nam luôn đòi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam cho đây là vấn đề phân biệt đối xử.
'Cách mạng màu'
Những người muốn thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ đều bị phe bảo thủ đặt câu hỏi thách thức: "Hoa Kỳ đã làm cho Việt Nam?". Họ đưa ra dẫn chứng là lệnh cấm vận vũ khí và hệ quả chất da cam và bom mìn sau chiến tranh. Dù Hoa Kỳ đang có thiện chí giải quyết các vấn đề này, phe bảo thủ luôn đòi Hoa Kỳ trợ giúp thêm.
Lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ liên quan đến nhân quyền và tự do tôn giáo. TPP cũng đặt ra yêu cầu công nhân có quyền thành lập công đoàn độc lập.
Nếu Thượng viện Hoa Kỳ thông qua TPP, Việt Nam có thể được Hoa Kỳ giúp triển khai. Mối quan hệ kinh tế Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho các doanh nhân và nhà đầu tư Mỹ đóng góp vào tương lai của Việt Nam.
Nhân quyền và tự do tôn giáo vẫn là vấn đề nóng ở Việt Nam vì phe bảo thủ trong đảng lập luận rằng Hoa Kỳ đang thúc đẩy ‘diễn biến hoà bình’ hoặc một ‘cuộc cách mạng màu’ ở Việt Nam để lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những lo ngại này đã được giải quyết phần nào khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm tại Nhà Trắng năm ngoái. Họ đã đưa ra một tuyên bố cam kết tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.
Từ tháng 5/2014, thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hải phận Việt Nam, 8/14 ủy viên Bộ Chính trị đã đến thăm Hoa Kỳ, kể cả những người được cho là thuộc phe bảo thủ.
Trong quá khứ, mỗi khi Việt Nam muốn nhận được điều gì từ Hoa Kỳ, chẳng hạn như việc trở thành thành viên WTO, họ không ngại đáp ứng yêu cầu về nhân quyền từ phía Hoa Kỳ.
Có dự báo là sau Đại hội Đảng 12, Việt Nam sẽ phải bớt trấn áp các nhà bất đồng chính kiến nếu muốn thành tích nhân quyền của họ được xem là có cải thiện.
No comments:
Post a Comment