VRNs (02.01.2015) – Sài Gòn – Nhân vụ việc tử tù Hồ Duy Hải ở Long An và tử tù Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương kêu oan, trong đó tử tù Hồ Duy Hải được “tạm hoãn” thi hành án tử hình vào phút chót, và Ông Hùng, phó chánh án Tòa án Long An bảo rằng: “chỉ tạm hoãn đến ngày 4/1/2014”! Chúng tôi cùng Quí vị tìm hiểu “án tử hình” được áp dụng như thế nào tại Việt nam và cùng lên tiếng: “Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam bỏ án tử hình”.
Bản án tử hình tại Việt Nam:
Một thống kê cho thấy “vào năm 1977 mới chỉ có 16 quốc gia bỏ án tử hình, nhưng đến đầu tháng 9/2013, 106 nước đã tiến hành xóa bỏ án tử hình. Trong số còn lại, có 39 quốc gia chỉ thi hành một bản án tử hình trong vòng 10 năm tính từ 2003. 52 quốc gia vẫn duy trì án tử hình nhưng không thi hành một bản án nào trong vòng ít nhất hoặc chủ yếu là hơn một thập kỉ, được Liên Hợp Quốc coi là “các quốc gia đã xóa bỏ án tử hình trên thực tế”.
Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình 28.12.2014 tại DCCT Sài Gòn kêu gọi bỏ án tử hình tại Việt Nam
Bộ luật Hình sự Việt Nam (“BLHS”) đầu tiên năm 1985, có 29 Điều luật có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình (chiếm gần 15%). Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung thì số lượng các Điều luật có quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình đã tăng lên tới 44 điều (chiếm 20,5%), trong đó có 7 Điều luật quy định các tội phạm về ma túy có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên đến BLHS năm 1999, sau khi sửa đổi, bổ sung cơ bản toàn diện BLHS năm 1985 thì số lượng này lại trở về con số ban đầu là 29 Điều. Đến lần sửa đổi gần đây nhất (2009), chỉ còn quy định 22/272 Điều luật về các tội phạm có qui định khung hình phạt cao nhất là tử hình (khoảng 8%), giảm khoảng 3% so với trước khi sửa đổi. Và theo đề xuất “sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự” mới đây, sẽ xem xét hướng loại bỏ hình phạt tử hình đối với chín tội danh: hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tham ô tài sản và nhận hối lộ; chống mệnh lệnh và đầu hàng địch. Như vậy, theo đề xuất này, BLHS sửa đổi sẽ chỉ còn giữ lại 13 tội danh còn duy trì hình phạt tử hình, mà trong đó chủ yếu thuộc về nhóm “các tội xâm phạm an ninh quốc gia”.
Cũng từ ngày 1/11/2011, Nghị định 82/2011/NĐ-CP của Chính phủ “Qui định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc” thay vì “xử bắn” có hiệu lực thi hành. Điều 6 Nghị định này qui định : Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình
1. Thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:
a) Thuốc dùng để gây mê: Sodium thiopental;
b) Thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp: Pancuronium bromide;
c) Thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim: Potassium chloride.
2. Một liều gồm 3 loại thuốc quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
4. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật”. Thậm chí, Điều 8 Nghị định này qui định về “Quy trình thực hiện tiêm thuốc” khiến cho người đọc nó lần đầu không khỏi rùng mình; đó là :
“1. Trình tự thi hành án tử hình phải thực hiện đúng theo quy định các khoản 2, 3, 4 Điều 59 Luật Thi hành án hình sự và quy định của Nghị định này. Người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn, uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam.
2. Thuốc đưa ra sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định.
3. Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu.
4. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau:
a) Chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng);
b) Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm: trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch;
c) Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự như sau:
- Bước 1: Tiêm 05 grams Sodium thiopental (Thuốc dùng để gây mê)
Sau mũi tiêm gây mê này, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu chưa bị mê thì tiếp tục thực hiện tiêm gây mê cho đến khi mê.
- Bước 2: Tiêm 100 miligrams Pancuronium bromide (Thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp).
- Bước 3: Tiêm 100 grams Potassium chloride (Thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim).
d) Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện tiêm lần thứ hai.
Trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà người bị thi hành án vẫn chưa chết, thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.
5. Việc thực hiện các bước theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 4 Điều này có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.
6. Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.
7. Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình.
8. Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản theo quy định về việc người bị thi hành án đã chết.
9. Việc giải quyết các thủ tục sau khi người bị thi hành án đã chết thực hiện theo quy định tại các điểm e, g, h, khoản 4 Điều 59 và Điều 60 Luật Thi hành án hình sự”.
Sau khi Nghị định này có hiệu lực, việc thi hành án tử hình bị “chững” lại, bởi các lý do :
Thứ nhất: Điều 6 Nghị định này, như trên đã trích dẫn, quy định rõ ba loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình, nhưng đều là thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Các nước phương Tây lại từ chối bán thuốc độc cho Việt Nam khi biết mục đích là để thi hành án tử hình. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã phải thẩm định dự thảo sửa đổi để có cơ sở pháp lý cho việc Việt Nam tự sản xuất thuốc độc. Dẫn đến tình cảnh “sốt ruột” của ngành công an. Tại một kỳ họp Quốc hội , Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã đề nghị cho áp dụng song song hai biện pháp tử hình xử bắn và tiêm thuốc. Tuy nhiên, những đề nghị này không được Quốc hội chấp thuận.
Thứ hai: Hai là, khi thực thi, vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các y tá, Bác sĩ “bị lừa” tiêm thuốc độc cho tử tù, với lập luận : “Bác sĩ được đào tạo để cứu người, chứ không phải để giết người, cho dù đó là tử tù”, khiến cho phải có thời gian “thuyết phục”, hoặc “đào tạo” mới cho “cán bộ tiêm thuốc độc”.
Câu chuyện hai bác sỹ ở Phú Yên đã phản đối vì bị ép làm “đao phủ” thay công an. Theo đó, các bác sĩ tại BV Đa khoa Phú Yên đã kịch liệt phản đối việc một bác sĩ và một điều dưỡng đã bị ép tiêm thuốc độc cho tử tù. Một Bác sĩ kể: “Chiều 9/12, tôi và điều dưỡng N.N.T nhận lệnh từ Phòng Tổ chức BV Đa khoa Phú Yên đi Đăk Lăk để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn công tác thi hành án. Bệnh viện chuẩn bị sẵn dụng cụ cấp cứu, thuốc men để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ. Đến Đăk Lăk, một số cán bộ trong Hội đồng thi hành án cho biết nhiệm vụ của tôi là xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người tử tù.
Trong giấy công tác cũng như suốt quá trình đi trên đường, không ai nói nhiệm vụ của chúng tôi là gì nên tôi chỉ nghĩ mình làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho đoàn. Khi nghe họ phân công nhiệm vụ đưa kim vào tĩnh mạch tử tù, tôi không chấp nhận. Tuy nhiên, họ nói nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm như vậy”.
Còn theo bác sĩ L.C.L (vừa tốt nghiệp 4 tháng): “Sáng 11/12, khi tiến hành thi hành án tử hình đối với phạm nhân, tôi tiếp tục từ chối việc xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm. Sau đó Hội đồng thi hành án yêu cầu nên tôi hỗ trợ cho điều dưỡng đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù. Từ lúc đó đến giờ, tôi và điều dưỡng T. bị sốc rất nặng, lúc nào khuôn mặt tử tù cũng ám ảnh trong đầu tôi. Tôi làm nghề y để cứu người chứ sao lại ép tôi làm trái với chức năng nghề nghiệp. Nếu biết trước phải làm như vậy, chắc chắn tôi sẽ không đi”.
Trước thông tin này, một Đại biểu Quốc hội đã khẳng định: “Các bác sĩ, điều dưỡng ở BV Đa khoa tỉnh Phú Yên có quyền khởi kiện, đưa vụ việc này ra tòa, bởi hai điều: Thứ nhất, ép bác sĩ đi tiêm thuốc độc là trái với luân thường đạo lý, kể cả khi người bị tiêm là tử tù. Thứ hai, chức năng nhiệm vụ của bác sĩ là cứu người chứ không phải tiêm thuốc làm chết người, đây là nguyên tắc bất di bất dịch với ngành y, không có gì phải bàn cãi. Theo tôi, ngay cả khi các bác sĩ không đưa vụ việc này ra tòa thì các cơ quan chức năng ở tuyến trung ương cũng phải lập tức có quan điểm và chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc này”. Và rằng : “việc thi hành án tử hình thuộc về cơ quan chuyên trách, danh tính người thực hiện và quy trình phải được bảo mật chứ không thể có chuyện sử dụng bất kỳ ai cũng được”.
Được biết, sau khi vụ việc này xẩy ra, Bộ Y tế đã ngay lập tức lên tiếng phản đối cách làm này. Trao đổi với báo chí, một đại diện Bộ Y tế cho biết, theo quy định tại điều 19 của Nghị định Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, nhân viên y tế chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình, còn ép bác sĩ trực tiếp bơm thuốc độc vào tĩnh mạch là không chấp nhận được. Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu BV Đa khoa tỉnh Phú Yên báo cáo bằng văn bản về vụ việc trên.
Theo Ông Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ : “Nói cho đúng thì tiêm thuốc độc với phạm nhân lĩnh án tử hình là nhân văn, chính vì vậy quy trình tiêm thuốc cũng nhân văn, không giống như nhiều người lầm tưởng là tiêm một mũi thuốc thì phạm nhân dãy lên đau đớn rồi lăn ra chết, làm như vậy thì đâu còn tính nhân văn nữa. Ngay cả việc thi hành án tử hình bằng xử bắn cũng có quy trình của nó, chứ có phải cứ nhằm vào phạm nhân bắn thế nào thì bắn đâu. Chính vì quy trình ngặt ngèo như vậy cho nên các cơ quan chức năng có trách nhiệm cần phải sớm thống nhất một cách làm và áp dụng chung cho cả nước, không thể tiếp tục để xảy ra sự việc đáng tiếc như ở Phú Yên”.
Một vấn đề khác, được nhà cầm quyền này xem là “nhân đạo”, đó là cho gia đình tử tù được “nhận tử thi” sau khi bị tiêm thuốc độc. Chính qui định này dẫn đến sự “may mắn” cho gia đình tử tù Hồ Duy Hải. Ngay sau khi được thông báo : “có muốn nhận tử thi của Hải sau khi bị tiêm thuốc độc hay không?” mà bằng linh cảm, tình yêu của người mẹ, gia đình Hồ Duy Hải- với sự hỗ trợ của truyền thông đã dấy lên yêu cầu “xem xét lại bản án oan sai của Hồ Duy Hải” buộc nhà cầm quyền phải dừng thi hành án vào phút chót. Điều 60 Luật Thi hành án Hình sự qui định:
1. Việc giải quyết nhận tử thi được thực hiện như sau:
a) Trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người chấp hành án được làm đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú gửi Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi của người chấp hành án để an táng; trường hợp người chấp hành án là người nước ngoài thì đơn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người chấp hành án mang quốc tịch và phải được dịch ra tiếng Việt. Đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận tử thi, quan hệ với người chấp hành án; cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí;
b) Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị về việc cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi khi có căn cứ cho rằng việc nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Trường hợp người chấp hành án là người nước ngoài, thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người đó mang quốc tịch;
c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo cho người có đơn đề nghị ngay sau khi thi hành án để đến nhận tử thi về an táng. Việc giao nhận tử thi phải được thực hiện trong thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo và phải lập biên bản, có chữ ký của các bên giao, nhận; hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận tử thi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm an táng.
2. Trường hợp không được nhận tử thi hoặc thân nhân của người bị thi hành án không có đơn đề nghị được nhận tử thi về an táng thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu tổ chức việc an táng. Sau 03 năm kể từ ngày thi hành án, thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án được làm đơn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đã thi hành án cho nhận hài cốt. Đơn đề nghị phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận hài cốt, quan hệ với người bị thi hành án; cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
Tranh cãi bỏ hay không bỏ án tử hình:
Có thể nói, để bảo vệ cho ý kiến “tiếp tục duy trì án tử hính”, tập trung cao nhất vẫn là “nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm”.
Một luật sư tại Hà Nội, Ông La Văn Thái, bày tỏ quan điểm đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự sửa đổi tới đây. Luật sư Thái phân tích: “Việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình ở một số loại tội phạm là cần thiết với hoàn cảnh cụ thể của nước ta, khi nền kinh tế đang phát triển, nhiều loại tội phạm gia tăng và ngày càng phức tạp, yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh tội phạm cần đặt lên hàng đầu. Hình phạt tử hình loại bỏ sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, thiếu tính răn đe và giáo dục. Quan trọng hơn cả là làm giảm niềm tin của người dân vào Nhà nước hay tội phạm ma túy gieo rắc cái chết trắng cho nhiều thế hệ trẻ, tội phạm giết người”…Ông còn mạnh mẽ phát biểu : “Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, tôi cho rằng chưa nên tiếp tục giảm tội tử hình, chứ đừng nói đến chuyện bỏ hay áp dụng án chung thân suốt đời, để thay thế cho án tử hình. Chưa nói đến việc án chung thân vô thời hạn, cũng gây sức ép rất lớn với các trại giam, tạo thêm sức ép đến ngân sách của Nhà nước. Thì lý do quan trọng nhất, số lượng tội phạm, mức độ gây án nghiêm trọng ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều, cần phải duy trì mức hình phạt cao nhất là tử hình để đảm bảo tính răn đe phòng ngừa chung. Nếu không, dễ dẫn đến việc coi thường pháp luật, không sợ bị trừng phạt nghiêm khắc, gây án với mức độ tàn bạo hơn”. Qua đó cho thấy, ngoài lý do chính, ông luật sư này còn nhấn mạnh đến “tốn kém” cho ngân sách nhà nước khi phải nuôi tù nhân!
Tuy vậy, Một Luật sư khác. Ông Nguyễn Bá Ngọc- người từng là Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Văn Luyện- phản biện : “Phạm tội là do tính giác ngộ, nhận thức của mỗi con người. Ví dụ như tội ma túy, nếu vận chuyển buôn bán 600 gram heroin trở lên sẽ có thể xử tử hình, ai cũng biết điều đó, và người ta biết chết mà vẫn phạm tội. Điều này chứng tỏ là án tử hình có còn đó, nhưng vẫn không hạn chế được”. Ông cho rằng: “Để việc tội phạm không gia tăng, thì khâu phòng chống sẽ quan trọng hơn khâu xử lý, ví dụ như các hình thức giáo dục phát triển con người phải được đẩy mạnh, để con người ta hướng thiện, hiểu biết, không phạm tội nữa. Và trong đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội là điều tối quan trọng”.
Ý kiến của Luật sư Ngọc còn được khẳng định mạnh mẽ hơn bởi Ông Raphaël Chenuil-Hazan- Giám đốcHiệp hội Cùng nhau bãi bỏ án tử hình (ECPM), khi trả lời câu hỏi của Phóng viên VietnamNet : “Nếu không có án tử hình, làm thế nào để trừng phạt những tội phạm nguy hiểm như giết người, cưỡng hiếp…?’. Ông khẳng định : “Tới nay, có 2/3 các quốc gia đã bãi bỏ án tử hình. Những nước ấy không có tỉ lệ tội phạm cao hơn các nước khác, thậm chí là ngược lại. Thật vậy, cái vòng luẩn quẩn của bạo lực là bạo lực. Làm sao bạn có thể cho thấy giết người là sai trái bằng cách giết một người khác?
Tử hình không bao giờ ngăn chặn được tội ác. Vì vậy, nếu chúng ta duy trì án tử hình để chống lại tội phạm nguy hiểm thì đó không phải là vấn đề ngăn chặn tội phạm, mà chỉ là cách trả thù. Chúng ta muốn giết kẻ giết người. Trải nghiệm của 2/3 nhân loại cho thấy hoàn toàn có thể ngăn chặn vòng luẩn quẩn này”
Cùng nhau bãi bỏ án tử hình :
Án tử hình – theo trên nói- nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên cái “nhân văn” lớn nhất mà Ông Raphaël Chenuil-Hazan nói là : “Làm sao bạn có thể cho thấy giết người là sai trái bằng cách giết một người khác?
Chúng tôi cũng tìm kiếm được những ý tưởng rât hay của nhiều người khác đòi “bãi bỏ án tử hình” như là: trái luật tự nhiên: “ xã hội không phải là “đấng quyền lực tối cao sinh ra con người, và chẳng có giây phút nào nuôi dưỡng con người” nên không thể có quyền tước bỏ mạng sống ấy. Hay nói một cách chuẩn xác nhất là không ai có quyền lấy đi mạng sống thiêng liêng của con người do tạo hóa đã ban tặng ngoại trừ thiên nhiên mới có quyền tước bỏ. Nếu chúng ta làm trái quy luật ấy sẽ là mâu thuẫn với đời sống tự nhiên, vi phạm quyền cơ bản của con người”.
Cũng liên quan đến tình trạng án oan tại Việt Nam, mà dư luận quan tâm từ sau vụ án 10 năm tù oan của Ông Nguyễn Thanh Chấn, việc bãi bỏ án tử hình cũng được xem là một trong những biện pháp “tránh chết oan người vô tội”. Bài học “minh oan cho người thanh niên bị thi hành án tử hình oan” sau 18 năm thi hành án tử của Trung Quốc luôn nóng hổi. Thi hành án tử rồi sẽ “không còn cơ hội sửa sai” !
Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng “yêu cầu nhà cầm quyền Việt nam bãi bỏ án tử hình”.
Pv.VRNs
No comments:
Post a Comment