Thursday, January 1, 2015

Thế giới 2014: Nga-Mỹ so găng, Trung Quốc đắc lợi

(Baodatviet) - Năm 2014 là đỉnh điểm của sự đối đầu Nga-Mỹ, khi họ chuyển từ thế giới đơn cực dưới sự dẫn dất của Mỹ thành chiến tranh lạnh lần thứ hai

Chấm dứt đơn cực, mở ra... chiến tranh lạnh
Bước vào năm 2015, thế giới vẫn dồn dập các sự kiện bất chấp có đang là kỳ nghỉ lễ hay không. Và những sự kiện đó, chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn tồn tại trong năm 2014. Và như mọi năm, những điểm nóng trên thế giới đều xuất hiện dấu ấn Mỹ, hoặc cụ thể hơn là cuộc đối đầu giữa Mỹ và những thế lực đối lập.
Trong năm 2014, cuộc đối đầu Mỹ-Nga hiện diện trên tất cả các điểm nóng, gần đây nhất là ở Syria của Trung Đông, và Ukraine của Đông Âu. Và vấn đề Ukraine - quốc gia nắm giữ quyền lợi sát sườn của Nga - đã như giọt nước làm tràn ly trong sự đối đầu này.
Tháng 3/2014, Điện Kremlin nhanh chóng ra quyết sách biến bán đảo Crimea trở thành một phần của lãnh thổ nước Nga.
Cuộc sáp nhập đầy ngoạn mục này đã khiến Moscow nhận được không ít những chỉ trích được cho là "cướp đất, ngoại xâm...". Tuy nhiên, kẻ nắm được thời cơ là kẻ thắng, Putin đã ghi một bàn dẫn trước Mỹ trong điểm nóng này. Và tất nhiên, bàn thua này chỉ khiến người Mỹ lao lên quyết ăn thua.
Khi sáp nhập xong xuôi bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3/2014, phát biểu trước Quốc hội Nga, Tổng thống Putin đã tự tin tuyên bố rằng nước Mỹ cần phải biết mình biết ta, biết họ đang ở vị trí nào trên thế giới, và sức mạnh của các đối trọng khác ra sao... Và Nga tuyên bố chấm dứt thế đơn cực, dẫn dắt thế giới của Mỹ từ thời điểm đó.
Người dân bán đảo Crimea vui vẻ bên những tay súng bí ẩn được cho là lính Nga được cử đến làm nhiệm vụ bảo vệ bán đảo khỏi tay quân đội Ukraine
Người dân bán đảo Crimea vui vẻ bên những tay súng bí ẩn được cho là lính Nga được cử đến làm nhiệm vụ bảo vệ bán đảo khỏi tay quân đội Ukraine
Theo như những gì ông Putin phát biểu, thì sự đơn cực, tự tung tự tác của Mỹ chỉ mang lại cho thế giới những điều bất hạnh, các bài học của Trung Đông như Iraq, Afghanishtan, Libya, Syria... và nay là Đông Âu với Ukraine đã đủ chứng minh tất cả.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra hắn đã không như người Nga mong đợi. Cho tới thởi điểm hiện tại, Moscow vẫn đang oằn mình chống đỡ những đòn hiểm từ phía Mỹ.
Mỹ cùng các đồng minh EU áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga, nó đồng nghĩa với việc Mỹ đã áp đặt cấm vận vào nền kinh tế của một cường quốc. Để đảm bảo đủ sức mạnh đối chọi với Mỹ và phương Tây, tất nhiên nước Nga cũng sốt sắng tìm cho mình những đồng minh chiến lược, chí ít về mặt trận kinh tế. Và họ cũng có được khối BRICS.
Và như vậy, thế giới năm 2014, thế giới đơn cực đã thực sự khép lại, nhưng nó không mở ra điều gì tốt đẹp. Tất cả đều xuất phát từ mâu thuẫn của Nga và Mỹ. Những từ khóa rất nóng như tên lửa chiến lược, vũ khí hạt nhân... đã được cả hai bên nhắc đến trong những ngôn ngữ họ dành cho nhau.
Đâu là võ đài
Có thể xác định được trong cục diện đó, có hai đấu sỹ là Nga và Mỹ, nhưng võ đài để họ tỉ thí là nơi nào? Có thể chỉ ngay ra những điểm nóng trên toàn thế giới đang là hiện thân của các cuộc chiến tranh cục bộ cho cuộc đối đầu kiểu chiến tranh lạnh như thế kỷ 20.
Trước hết là Ukraine, chính quyền Kiev thân Mỹ và lực lượng ly khai Donbass thân Nga vẫn nã pháo vào nhau, bất chấp họ có những thỏa thuận ngừng bắn. Và cả Nga và Mỹ đều nỗ lực gia tăng sức mạnh cho "gà" của mình. Chuyến xe viện trợ thứ 11 cho Donbass của Nga đã lên đường, trong khi Kiev cũng bắt đầu nhận được vũ khí sát thương từ Mỹ.
Bạo loạn ở Ukraine
Bạo loạn ở Ukraine
Cuộc nội chiến không thể tránh khỏi đó là minh chứng rõ ràng cho việc kết quả trên chiến trường Ukraine sẽ là kết quả của cuộc so găng giữa hai võ sỹ Nga và Mỹ.
Chưa dừng ở đó, những hành động can dự vào Syria, Iraq, cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo IS... đều đang là sân chơi mà Mỹ bày ra để đem lại một khu vực Trung Đông hỗn loạn, bất ổn. Mỹ không kiểm soát được khu vực này, và tất nhiên, Nga hay bất kỳ quốc gia nào cũng không thể vào đó mà tranh phần của Mỹ. Đây cũng là một võ đài cho cuộc so găng giữa hai bên.
Và ngoài ra, còn rất nhiều những mặt trận khác, tiêu biểu như cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây. Mỹ hô hào trừng phạt kinh tế Nga, và Moscow đã bắt đầu ngấm đòn trong cục diện này. Mỹ còn tự tin cho rằng "chiến lược kiên nhẫn" của họ sẽ khiến kinh tế Nga nhanh chóng sụp đổ.
Tuy nhiên, để Nga sụp đổ thì EU cũng nhận những tổn thất tương tự. Châu Âu và Nga có quá nhiều hợp tác kinh tế, sự bất ổn của đồng ruble của Nga thời gian qua cũng khiến EU thiệt hại hàng chục tỉ USD.
Không thể nói rằng cả hai nền kinh tế EU, Nga sẽ đều tử vong nếu cuộc chiến kinh tế này phần thắng thuộc về Mỹ, nhưng chắc chắn, EU sẽ bị thương nghiêm trọng trong cuộc đối đầu này. Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn điềm tĩnh tăng trưởng và họ không nhận được những thiệt hại nào đáng kể.
Điều này để thấy, Mỹ đang thi đấu với Nga trên mọi mặt trận, từ kinh tế, chính trị, quân sự... nhưng mặt trận nào, Mỹ cũng không để ảnh hưởng đến đất nước, người dân của mình. Và Washington đang đem những người Trung Đông, Đông Âu, châu Âu làm lính tiên phong cho cuộc chiến của chính họ, lợi ích của chính họ.
Trung Quốc ranh mãnh
Khi Mỹ và Nga đang tử chiến, vẫn còn đó một con cáo ranh mãnh, làm nhiệm vụ của kẻ "ngồi núi xem hổ đánh nhau", đó chính là Trung Quốc. Từ cuộc đối đầu Nga - Mỹ, Bắc Kinh ung dung dùng đồng tiền của mình để thu lợi. Biết thế khó của Moscow là cần vốn đầu tư, nhanh chóng Bắc Kinh dùng sức hút của tờ Nhân dân tệ mà có được bản hợp đồng dầu khí 400 tỷ USD với đơn giá rất hời, và một loạt những hợp đồng quân sự khác.
Tổng thống Mỹ tuyên bố gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga
Tổng thống Mỹ tuyên bố gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga
Với cuộc chiến kinh tế mà Mỹ đang áp đặt với Nga. Tất nhiên, Nga sống dựa vào giá dầu, bởi họ là quốc gia bán dầu hàng đầu thế giới. Nhưng Mỹ đã sử dụng việc giá dầu giảm sâu để gia tăng sự tàn khốc của các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nga quả thực đứng trước nguy cơ suy thoái với giá dầu dao động trên 50USD/thùng hiện nay.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại là kẻ khát dầu, và sẵn tiền mặt. Đòn trừng phạt Nga của Mỹ lại là cơ hội trời cho của Trung Quốc. Và số lượng tàu chở dầu cập cảng Trung Quốc từ tất cả các nơi trên thế giới đã tăng nhiều lần. Bắc Kinh dễ dàng gia tăng kho dự trữ dầu mỏ từ mâu thuẫn của Mỹ, Nga.
Trong cuộc đối đầu đó, dù bên nào thua, thì Trung Quốc với sự ranh mãnh của mình vẫn đã, đang, và sẽ hưởng lợi rất lớn.
  • Đỗ Phong

No comments:

Post a Comment