Thursday, January 1, 2015

Lãnh đạo Việt Nam có thực hiện các cam kết hồi năm ngoái?

Trong thông điệp đầu năm ngoái 2014, nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam cam kết sẽ dồn nỗ lực xây dựng một nhà nước pháp quyền, “phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.
Trong thông điệp đầu năm ngoái 2014, nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam cam kết sẽ dồn nỗ lực xây dựng một nhà nước pháp quyền, “phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.
Cách đây đúng một năm, ngày đầu năm 2014, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã phổ biến một thông điệp đầu năm, trong đó ông vẽ ra một bức tranh lạc quan về tình hình kinh tế, và hứa sẽ “phát huy quyền làm chủ của nhân dân” và "tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững" cho đất nước. Một nhà báo sống lưu vong, ông Trần Quang Thành điểm qua một số sự kiện khiến ông quan tâm trong năm 2014, để tìm một giải đáp cho câu hỏi liệu Thủ Tướng Việt Nam có thực hiện được những lời cam kết năm ngoái? Mời quý vị theo dõi nội dung cuộc trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành sau đây.    
Trong thông điệp đầu năm ngoái, nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam cam kết sẽ dồn nỗ lực xây dựng một nhà nước pháp quyền, “phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Nhưng trong năm 2014, ít nhất 3 blogger nổi tiếng của Việt Nam lần lượt bị bắt giữ, giữa lúc các quan chức cao cấp trong guồng máy nhà nước tuyên bố quyết đánh bại mọi âm mưu nhằm hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước. Mới đây nhất, vào ngày 27 tháng 12, lại có thêm một blogger khác bị bắt, đó là ông Nguyễn Đình Ngọc, tức  blogger Nguyễn Ngọc Già. Những vụ bắt bớ đó dường như không đi đôi với những lời cam kết mà Thủ Tướng Việt Nam đã đưa ra. Báo điện tử của chính phủ Việt Nam trong mấy ngày qua tường thuật rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu lực lượng công an “phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá; và tuyệt đối bảo vệ an ninh trong nước.”
Nhìn lại tình hình một năm qua, nhà báo Trần Quang Thành nhận định:
“Tôi thấy rằng trong năm 2014, những gì mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa trong thông điệp năm 2014, tôi thấy hầu như là ông đã không làm được. Thí dụ ông hứa sẽ dân chủ hơn cho dân, thì trong năm qua, dân chủ đã bị siết chặt lại. Những người dân nói lên tiếng nói của mình đã bị cấm đoán triệt để, nhất là những người đấu tranh cho dân chủ, các blogger nói lên tiếng nói của dân như là blogger Nguyễn Quang Lập, blogger Hồng Lê Thọ, blogger Nguyễn Hữu Vinh, đều lần lượt bị bắt vào trại giam. Đấy là sự kiện mà tôi thấy đau lòng nhất.Hai là ông hứa cho nông dân một cuộc sống tươi đẹp hơn, quan tâm hơn đến nông thôn, nông nghiệp và nông dân, thì trong năm qua, dân oan nổi lên từ khắp nơi,chỗ nào cũng thấy dân oan, cũng thấy người dân đau thương kêu gào, ruộng đất bị cướp giật, nông dân làm ra thóc gạo nhưng lại đang bị đói nghèo. Đấy là điểm thứ 2 mà tôi thấy đau xót. Ông Thủ Tướng cũng rất là ca ngợi kinh tế phát triển, lạm phát giảm, nhưng thực tế đời sống công nhân đang bần cùng hoá, điều đó cũng là một chuyện xót xa cho đất nước Việt Nam của chúng ta.”
Ngoài ra trong năm 2014, có 2 vụ án đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận, ngay cả một số quan chức chính phủ cũng bày tỏ quan tâm và hoài nghi về khả năng có thể xảy ra trường hợp người vô tội bị kết án tử oan, đó là các vụ án liên quan tới Hồ duy Hải và Nguyễn văn Chưởng. Nhà báo Trần Quang Thành cho rằng sở dĩ những vụ án oan sai xảy ra tại Việt Nam là bởi vì mạng sống con người bị coi rẻ, ông nói :
“Mạng sống con người bị coi rẻ như vậy làm sao đảm bảo quyền con người, quyền công dân? Người dân phải được tôn trọng quyền con người và quyền làm người như các công ước quốc tế đã quy định, chứ thực tế thì bây giờ quyền công dân và quyền con người chỉ là bánh vẽ mà thôi.”
Nhìn về tương lai, năm 2015 có thể là một bước ngoặt, nếu Việt Nam được gia nhập các khối tự do mậu dịch quan trọng, như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Các chuyên gia cho rằng nếu nắm bắt cơ hội ngàn vàng này, Việt Nam sẽ có chỗ dựa vững chắc để phát triển lâu bền và thay đổi vận mệnh đất nước, tuy nhiên muốn trở thành thành viên thực thụ của các tổ chức thương mại quốc tế đó, Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp cải cách.
Nhà báo Trần Quang Thành bày tỏ hoài nghi về sự thành tâm của Hà Nội khi thực hiện các biện pháp cải cách theo quy định của các hiệp định thương mại này, ông lưu ý rằng Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều hứa hẹn trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới.
“Khi ký WTO để vào Tổ chức Thương Mại Thế giới, thì họ cũng đã nới lỏng ra, khi nới lỏng ra họ vào được rồi thì họ lại siết chặt lại.”
Theo số liệu của Tổng cục Thống Kê đăng trên báo điện tử của chính phủ Việt Nam, thì Tổng GDP của Việt Nam năm 2014 lên đến 322 tỉ đôla , và thu nhập bình quân đầu người là 1.960 đôla. Trả lời câu hỏi ông sẽ trả lời như thế nào đối với  những người cho rằng kinh tế phát triển, dân có kế sinh nhai, là đã có nhân quyền, nhà báo Trần Quang Thành nói có phát triển kinh tế không nhất thiết đi đôi với nhân quyền.
Nhưng năm 2014 cũng chứng kiến một số diễn biến tích cực, nhiều nhân vật bất đồng chính kiến đã được phóng thích, trong đó có Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, và blogger Điếu Cày.  Bên cạnh đó, một số nhà bất đồng khác được ra khỏi tù ở trong nước, như trường hợp nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Ngay sau khi ông mãn án tù 6 năm, ông cho biết sẽ tiếp tục hoạt động, tiếp tục viết lách, ông nói:
“Tôi nghĩ thế này, viết văn mà không viết thì anh ta không phải là nhà văn, người viết văn mà không nói đúng sự thực thì lại càng không phải là một nhà văn, cho nên trách nhiệm của tôi trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục viết và tiếp tục nói đúng sự thật.”

No comments:

Post a Comment