Thanh Trúc, phóng viên RFA 2015-01-01
Đồng hồ đón chào Năm Mới 2015 ở Times Square, New York, Hoa Kỳ hôm 1/1/2015.AFP PHOTO/JEWEL SAMAD
Ngày đầu của năm 2015 Thanh Trúc kính chúc quí thính giả khắp nơi một ngày mới vui vẻ bình an để cả năm được hanh thông, suông sẻ.
Hôm nay, người Việt Nam năm châu đón mừng Tết Tây theo truyền thống và tập tục của đất nước mà họ cư trú. Mọi người có lúc như dừng lại, lắng đọng tâm tư trong phút giây, để nhớ để ước mơ điều gì đó cho 365 ngày trước mặt.
Sydney - Australia
Từ thủ đô Sydney của Australia, nơi đón giao thừa 2015 sớm nhất, nghĩa là chỉ sau New Zealand, nhà báo Nguyễn Đình Khánh mơ một thay đổi cho người Việt Nam:
Ước mơ của mình, và của bất cứ ai cũng vậy, thường thì nó cao xa lắm. Bây giờ mình thu nhỏ bớt lại đi. Mình là người đã xa quê hướng khá lâu, đang mơ ước trở về quê hướng sống trong tự do dân chủ.
-Nguyễn Đình Khánh
“Ước mơ của mình, và của bất cứ ai cũng vậy, thường thì nó cao xa lắm. Bây giờ mình thu nhỏ bớt lại đi. Mình là người đã xa quê hướng khá lâu, đang mơ ước trở về quê hướng sống trong tự do dân chủ. Khi mình đã về trong tự do dân chủ rồi thì người dân của mình cũng sẽ sống trong tự do dân chủ cùng với mình, tức là cuộc sống của họ sẽ thay đổi.”
Không có gì to tát đâu,là giấc mơ 2015 của bạn Ngọc Sơn, thành viên nhóm Happy To Share Hạnh Phúc Sẻ Chia ở Hà Nội:
“Nếu mà to tát quá thì em cũng chẳng muốn nói gì, có điều là bước sang một năm mới thì em cùng các bạn trong nhóm có thể làm nhiều việc hơn nữa để giúp đỡ từ trẻ em vùng sâu vùng xa hay đến bà con miền Trung lũ lụt các thứ dù là lực mình rất bé. Chỉ muốn cứ mỗi một năm đi qua thì mình làm nhiều hơn nữa, giúp đỡ nhiều hơn nữa, có thể mình tận lực bước sang năm mới có thể mình tận lực mình làm hết sức. Cả một năm vừa rồi bọn em làm được rất nhiều chương trình nhưng vẫn thấy là nó ít quá, càng làm càng thấy nhiều người cần mình hơn, lên đến vùng này lại thấy một vùng khác, đâm ra rất là khó.Cũng mong sang năm này kinh tế phát triển hơn, doanh nghiệp người ta làm được hơn thì mình có thể đến mình xin và họ xuất được nhiều hơn để mình có được nguồn kinh tế dồi dào hơn, đưa đến giúp nhiều đồng bào hơn. Em chỉ nghĩ đơn giản như vậy.”
Trên đường dây viễn liên từ Huế, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc công ty sách Thái Hà , trình bày ước mơ của ông:
“Năm 2015 sẽ có rất nhiều biến động trong mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, không những chỉ Việt Nam mà đối với cả thế giới, không chỉ các bạn trẻ mà tất cả người dân mọi thế hệ.
Con số dân Việt Nam trong nước hiện đã lên 90 triệu theo thống kê mới nhất. Nước Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tức là tỷ lệ bạn trẻ đang trong tuổi lao động là lớn nhất. Năm 2015 tới thì Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Tôi chỉ mong muốn sao không chỉ thống nhất về mặt lãnh thổ mà còn thống nhất về mặt tư duy. Trong những giờ phút cuối cùng của 2014 chuyển sang 2015, có lẽ chúng ta hãy dành ít phút để nhìn lại năm vừa rồi, để đưa ra kế hoạch của chình mình, để mỗi chúng ta, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp biết đúng biết sai. Đólà mong muốn của tôi.”
Texas - Hoa Kỳ
Còn giấc mơ của tiến sĩ Phan Minh Liêm, một nghiên cứu sinh từ Việt Nam sang Hoa Kỳ mà nay trở thành khoa học gia trong Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư MD Anderson, đại học Texas, cũng là một giấc mộng lớn:
“Trong năm 2015 này Liêm mong ước nhân loại tìm ra được những phương pháp mới để điều trị và phòng ngừa ung thư hiệu quả hơn.Ung thư là một căn bệnh phức tạp, có nhiều điều mình chưa biết về căn bệnh này cho nên những phương pháp điều trị tới giờ này vẫn chưa hiệu quả.
Và Liêm hy vọng năm 2015 này sẽ có thêm nhiều bạn trẻ ở Việt Nam quyết định dấn thân vào con đường khoa học để nghiên cứu những căn bệnh nguy hiểm. Đường đi thì rất khó khăn và chông gai, nhưng thành quả đạt được thì rất có ý nghĩa.”
Làm sao để dân tộc mình phú cường, mọi người có công ăn việc làm, có đủ phương tiện sống hàng ngày, sống đời nhân bản là mơ ước của ông Lê Hữu Đào, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt tại Liege, Belgium:
Niềm mong ước của tôi là dù có tiến bộ vượt bực bao nhiêu đi nữa thì cái lòng người, cái nhân bản vẫn phải giữ, đừng có quên, tức là vẫn biết phải yêu thương nhân loại, vẫn biết lo lắng cho đồng bào cho láng giềng, cho đất nước và cho xã hội.
-Lê Hữu Đào
“Mơ ước đó thực sự rất sâu xa từ đáy lòng. Mình sẽ qua năm 2015, mình sẽ sống trong một thế giới biến chuyển rất mau từ truyền thông cho đến tin học. Niềm mong ước của tôi là dù có tiến bộ vượt bực bao nhiêu đi nữa thì cái lòng người, cái nhân bản vẫn phải giữ, đừng có quên, tức là vẫn biết phải yêu thương nhân loại, vẫn biết lo lắng cho đồng bào cho láng giềng, cho đất nước và cho xã hội. Đừng vì những thu hút của sự tiến triển đó mà quên đi giá trị nhân bản của nhân loại.”
Thụy Sĩ
Làm người thì phải biết mơ cao mơ xa dù đang ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, là lời nhà ngoại giao đối kháng Đặng Xương Hùng, đang tị nạn trong lúc công tác tại Thụy Sĩ:
“Trong tình hình đất nước như thế này thì cũng rất mong muốn có những biến đổi thuận lợi cho công cuộc dân chủ để cho đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam có được tự do và nhân quyền, có thể tham gia quyết định sứ mệnh chính trị của đất nước, đưa đất nước đi theo con đường văn minh của nhân loại.
Trong năm 2015 tôi cũng mong muốn có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa. Nhất là trong hoàn cảnh tôi đang xin tị nạn thì rất mong hồ sơ sớm hoàn thành để mình có giấy tờ đủ để đi sang các nước khác, cùng phối hợp với các lực lượng khác để tạo một sức mạnh lớn hơn.”
Cư ngụ tại Paris, bà Hồ Quì, người sáng lập tổ chức Avenir Măng Non tại Pháp hơn 20 năm qua, đối tượng phục vụ là người nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, kể về giấc mơ nối tiếp năm này sang năm khác:
“Năm 2015 ước mơ của tôi là mong sao cho người Việt hải ngoại được sức khỏe thôi. Còn ở bên Việt Nam là cần nhất, mọi người được cuộc sống hạnh phúc ấm no. Đó là ước nguyện của tôi năm 2015. Công việc của Avenir Măng Non là giúp trẻ em có cuộc sống tươi đẹp hơn, tất cả mọi em đều được đến trường và học hành tốt đẹp, em nào cũng phải tốt nghiệp đại học.
Tổ chức của chúng tôi vẫn cố gắng không những tiếp tục trong 2015 mà còn tiến triển mạnh hơn. Không dám nói là khắp nước Việt Nam nhưng càng ngày số trẻ em được giúp càng đông hơn, tất nhiên là sẽ nhiều trẻ em được cắp sách đến trường và được tốt nghiệp đại học.”
Từ Montreal, Canada, giáo sư đại học Bùi Tiến Rũng, từng được vị toàn quyền Quebec trao giải nghiên cứu khoa học năm 2012, nói rằng mơ ước 2015 của ông là Việt Nam có một nền kinh tế và một bối cảnh chính trị sáng sủa hơn:
“Thứ hai nữa là nhà cầm quyền Việt Nam sáng con mắt hơn. Tôi xin nhấn mạnh “ sáng con mắt hơn” là bởi vì đang lâm vào nhiều trường hợp khó khăn với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Họ đưa vào những cái tròng rất khó ra. Nếu những nhà lãnh đạo của mình nhìn không thấy thì để càng lâu càng khó.
Cái vụ Viện Khổng Tử chẳng hạn là một trong những cái bẫy của người ta. Những đại học bên Mỹ, Canada, Châu Âu người ta nhìn thấy và người ta giải quyết vấn đề rất nhẹ nhàng, còn nếu để càng lâu thì càng khó. Điểm thứ ba, bây giờ thế hệ chúng tôi càng ngày càng xa cõi trần này, vậy thế hệ sau lớn lên phải xứng đángđể giữ lại tiếng tăm cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.”
Kiev - Ukraina
Nhập gia tùy tục, sống đâu quen đó, ước muốn 2015 của chị Đồng Thị Hường, một doanh nhân thành đạt tại Kiev, Ukraina, là cuộc chiến ở đất nước này sớm dứt cho dân nhờ:
“Làm sao mà đất nước Ukraina thanh bình chấm dứt chiến tranh kiểu khủng hoảng chính trị, để cho mọi người yên tâm làm ăn và đón được cái Tết vui vẻ. Cũng mong cho đất nước mình sánh vai được cùng các nước trên thế giới ….Cũng là sánh vai rồi nhưng chưa thể bằng nhiều c nước bởi vì chưa thấy có đổi mới nhiều trong công cuộc xây dựng. Vừa rồi là có Trung Quốc, biển Đông của mình như thế thì cũng mong cho có sự yên ổn trở lại.”
Cũng có những người mẹ Việt ở hải ngoại mà giấc mơ quá đỗi bình thường, vậy mà cứ mơ mỗi lần năm mới về. Chị Nhâm ở Warsaw, Ba Lan:
“Năm cũ đi sang năm mới thì muốn mọi sự tốt, làm ăn thuận lợi, sức khỏe tốt thế thôi. Về phía Việt Nam thì nói chung ai cũng muốn ngày Tết là ngày về quê hương nhưng bên này nhiều khi điều kiện không cho phép. Hy vọng thì ai chẳng có, con cái học hành tốt, công việc có thu nhập để mình về Việt Nam làm ăn hay đầu tư chẳng hạn thế. Mình cũng muốn về mình làm công việc gì đó cho thuận lợi. Ai chẳng muốn quay trở về nước của mình chứ, còn đi làm ăn chả biết đâu mà tính.”
Sau cùng là Thái Lan, đất nước mỗi lần ghé qua thì người xa xứ cảm thấy mình gần với quê nhà của mình biết chừng nào. Mời quí vị gặp gỡ vị linh mục vốn là một cựu quân nhân Hoa Kỳ, trở thành tu sĩ Công giáo khi sang tham chiến tại Việt Nam hơn 40 năm trước. Ông cũng là tu sĩ nước ngoài duy nhất ở lại Đà Nẵng sau ngày 30 tháng Tư 1975.Đến tháng Mười 1975 thì bị trục xuất sang Thái Lan. Linh mục đặt mơ ước của người vào lời khấn mỗi ngày của mình, ông nói:
“Cha là John Thabor, tên Việt Nam là Dương Tấn Bằng, đang làm việc ở Udonthani mạn Đông Bắc nước Thái. Đầu năm mới tây, cũng mong ước cho những người Việt Nam đến đây làm việc kiếm tiền để giúp những người ở quê Việt Nam, xin Chúa ban ơn cho họ được phát đạt trong đời sống . Tại vì họ hy sinh nhiều lắm, làm việc vất vả khổ sở, ntự do trong việc sống và hành đạo. hiều người cũng phục người Việt Nam vì họ cần cù, làm việc hết sức mình, hơn cả những người Thái ở đây. Cầu xin Chúa tiếp tục giúp người Việt Nam chịu khó làm việc để làm cho người ta luôn luôn mến phục người Việt Nam.
Cha cũng mơ ước cho người Việt Nam được tự do trong việc sống và hành đạo vì nghe đâu ở ngoài Bắc không được tự do như ở trong miền Nam, mà nhiều khi cũng có những sự va chạm đụng độ với chính quyền. Bây giờ Cha cũng cầu xin cho họ được sống đạo một cách bình an để tiến tới trong nhân đức.”
Lời khấn của linh mục Dương Tấn Bằng đã kết thúc mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi ở đây. Chân thành cầu chúc quí thính giả một năm 2015 ước gì được nấy.
Thanh Trúc hẹn lại quí vị thứ Năm tuần tới.
No comments:
Post a Comment