Sunday, September 21, 2014

Giao thông Hà Nội được báo Tây xướng danh

(Baodatviet) - Tạp chí The Diplomat đã cố gắng 'bắt bệnh" của giao thông Việt Nam từ phương tiện chính: xe máy.
Đó là nội dung bài viết của ông Arve Hansen, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển và Môi trường- Đại học Oslo (Na Uy), về thực trạng giao thông đáng lo ngại của Hà Nội.

Ông cho rằng xe máy vẫn là phương tiện giao thông quan trọng tại một đô thị có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội. Tuy nhiên, so với những chiếc xe hơi mới cứng thì xe máy đang trở nên lỗi thời và nguy hiểm. Đường phố Hà Nội thực sự trở thành một cơn ác mộng kinh hoàng vào mỗi lần kẹt xe, The Diplomat mô tả.

Sự phát triển kinh tế kéo theo số lượng xe máy tại Việt Nam gia tăng với tốc độ đáng kinh ngạc. Số liệu thống kê chính thức cho thấy 4 triệu xe máy đang tham gia giao thông tại Hà Nội, tương đương với số lượng xe máy cả nước vào năm 1996.
Giao thông Việt Nam được lên nhiều trang báo quốc tế
Giao thông Việt Nam được lên nhiều trang báo quốc tế

Những du khách từng đến thăm Hà Nội sẽ nhận thấy “biển xe máy” thật sự là thách thức, đặc biệt khi họ muốn đi bộ để khám phá các con phố. Dẫu vậy, xe máy không còn là vấn đề duy nhất của giao thông thủ đô. Dù chính phủ áp thuế cao cùng rất nhiều khoản phí nhưng số người sắm ô tô riêng đang tăng dần.

Những người trung lưu sống tại Hà Nội mơ ước sở hữu ô tô để khẳng định địa vị, mong có được sự thoải mái, an toàn khi ra đường. Ngồi trong ô tô, tài xế có thể tránh nắng mặt trời gay gắt hay mưa to, không lo hít bụi hoặc không khí ô nhiễm. Xe hơi hiển nhiên là biểu tượng về sự thành đạt kinh tế.

Tuy nhiên, xe hơi ngày càng nhiều là một thách thức tiềm tàng đối với đô thị vốn thiết kế dành cho xe đạp và xe máy như Hà Nội. Ngân hàng Thế giới từng dự đoán nếu xu hướng sở hữu ô tô riêng tiếp tục tăng thì giao thông tại Hà Nội sẽ dừng lại hoàn toàn.

Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng giao thông hỗn loạn của Hà Nội "được" lên báo nước ngoài. Trước đó, tờ The Diplomat này cũng đã đăng tải một bài viết có tiêu đề “Sát thủ thầm lặng ở Việt Nam”, đề cập đến những nguyên nhân khiến việc tham gia giao thông ở Việt Nam trở nên rất nguy hiểm.

Bài viết chỉ rõ, tại Việt Nam, những căn bệnh có thể dẫn đến tử vong như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết hay tay chân miệng là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tuy vậy, còn một “kẻ giết người thầm lặng” khác ghê gớm hơn gấp bội, đó chính là tai nạn giao thông. Có thể gọi là "đại dịch ẩn", đây là một vấn đề nghiêm trọng gây thiệt hại to lớn về nhân mạng mỗi năm.

Tại Việt Nam, khoảng 95% phương tiện có đăng ký là xe gắn máy hoặc xe tay ga. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua khiến cho mạng lưới đường giao thông và lực lượng cảnh sát giao thông đáp ứng kịp số lượng ngày càng tăng của xe lưu thông trên đường.

Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam là rất cao, mặc dù khó có thể đưa ra số liệu chính xác. Theo báo cáo của Bộ Công an báo, có hơn 11.000 ca tử vong trong năm 2010, nhưng Bộ Y tế thông qua hệ thống bệnh viện liệt kê được 15.464 trường hợp tử vong. Những con số này hoàn toàn có thể thấp hơn so với thực tế.

Ông Jonathan Passmore, cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới tại Hà Nội, người đã làm việc nhiều năm về các vấn đề an toàn giao thông tại Việt Nam ước tính rằng 80% mũ bảo hiểm đang được sử dụng không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.

Mặt khác, quy định đội mũ bảo hiểm chỉ tác động được đến một phần trong các vấn đề giao thông của Việt Nam. Còn nhiều vấn đề nhức nhối khác chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Chị Maile Arvin, một sinh viên người Mỹ, sau 1 tuần đi thăm Hà Nội cho biết: "Đường phố nước bạn thật ồn ào. Mọi người lúc nào cũng bấm còi inh ỏi. Ở nước tôi, hầu như chỉ có cảnh sát mới dùng đến còi".

Dòng giao thông tấp nập, đông đúc tại các khu trung tâm cũng là điều đáng sợ với nhiều du khách. Một du khách Hàn Quốc đứng rụt rè, không dám sang đường trên phố Hàng Bài: "Việc qua đường ở đây thật khủng khiếp. Nó chẳng khác nào việc lao vào 1 ván bạc với tính mạng mình là thứ được đem ra đánh cược. Dòng phương tiện, chủ yếu là xe máy, nối tiếp nhau không dừng, không ngớt làm tôi chóng mặt. Nếu không có người giúp đỡ, không biết đến bao giờ tôi mới sang được bên kia đường".

Williams Greg, một du khách người Úc, nói về giao thông tại Hà Nội với vẻ hài hước: "Tôi nghĩ việc qua đường là một việc đòi hỏi bản lĩnh đàn ông đấy. Ở đây mọi người có vẻ không ý thức nhường đường. Có lần tôi đã phải nhảy tót lên vỉa hè để tránh những thanh niên trẻ đi những chiếc xe be bé nhưng rất nhanh đấy!".

Giải thích cho thực trạng giao thông ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa giao thông nước ta là thứ "văn hóa xe đạp" mới chuyển lên "văn hóa xe máy, xe hơi". Do đó, người dân chưa có đủ thời gian thích ứng và thay đổi hành vi, ứng xử trong giao thông.

Tổng kết về giao thông ở Việt Nam, anh Mark Wallace nói: "Giao thông như vậy, không nhiều tai nạn mới là lạ".

Thái Linh (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment