Sunday, September 21, 2014

Đồng Tháp:Bảo vệ môi trường, trách nhiệm không của riêng ai

Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đã được tỉnh quan tâm thực hiện và bước đầu đạt được kết quả nhất định, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác này vẫn còn hạn chế, một bộ phận dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn xem nhẹ và chưa quan tâm, tập trung vào các nhóm hành vi như: vi phạm các thủ tục hành chính, chế độ báo cáo và thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, cam kết BVMT đã được xác nhận; vi phạm quản lý chất thải,...

 Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng

Năm 2013, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 203 trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT với số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp đã được nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của nhiều người dân sống ở khu vực lân cận. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ngọc Dung, chuyên sản xuất bột cá, mỡ cá ở ấp Tân Bình, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động (năm 2010), Công ty đã 3 lần bị xử phạt hành chính vì xả nước thải, khí thải, bụi vượt chuẩn quy định.

Gần đây (đầu năm 2014), nhiều người dân ở ấp Long Thành A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung phản ánh cơ sở xay xát, ép củi trấu Thế Hiển, do trong quá trình sản xuất, cơ sở này không có biện pháp che chắn hợp lý gây bụi và tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhiều hộ dân lân cận, mặc dù trước đó cơ sở đã bị xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng do chưa thực hiện chương trình giám sát môi trường theo nội dung cam kết BVMT.

Ngoài các hành vi nêu trên, vi phạm pháp luật về BVMT còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội bao gồm việc xử lý chưa tốt mùi, nước thải ở các bãi rác, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, tình trạng đổ rác thải bừa bãi tại các khu dân cư, đặc biệt là dân cư hai bên bờ sông ở vùng nông thôn, vùng sâu, hay việc sử dụng các phương tiện, máy móc trong sản xuất, phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn về BVMT.

Thực tế trên cho thấy, việc áp dụng các hình thức xử lý vi phạm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với một số vi phạm chế tài còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Các quy định về trách nhiệm xác định, giám định, đền bù thiệt hại còn chưa rõ ràng và không khả thi. Vì vậy, nhiều cơ sở, doanh nghiệp thay vì đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải lại chấp nhận các hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Môi trường suy thoái, ô nhiễm sẽ gây ra hậu quả to lớn cho con người và sự sống trên trái đất. BVMT là bảo vệ sự sống cho chính mình, do đó, BVMT không là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mỗi người, của cộng đồng, của toàn xã hội. Cần xem việc thi hành pháp luật về BVMT là việc làm sống còn, thường xuyên, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Bích Liễu (Báo Đồng Tháp)

No comments:

Post a Comment