(Baodatviet) - Mặc dù nhận thức về việc cần bảo hộ, có chủ trương và mong muốn nhưng chính sách thì ... không có.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nêu quan điểm về chính sách "bảo hộ" của Việt Nam đối với ngành bán lẻ trong nước thời gian qua để chuẩn bị cho các cuộc hội nhập
Không có chính sách bảo hộ
Trả lời trên tờ TBKTSG, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, Việt Nam có nhận thức về việc cần bảo hộ, có chủ trương và có mong muốn thiết tha nhưng chiến lược và chính sách thì... không có.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo bà Vũ Kim Hạnh, do trước đây, trong nền kinh tế bao cấp, ta chỉ coi trọng sản xuất còn phân phối chỉ là buôn đầu chợ, bán cuối chợ, buôn nước bọt, không tạo ra giá trị. Từ quan điểm này, các chính sách hỗ trợ hay chăm lo chỉ “tất cả cho sản xuất” chứ không quan tâm khâu phân phối (không hề có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế...).
"Khi vào WTO, ta lại rơi vào một cực đoan khác, có khi do không hiểu sâu, có khi do... lợi ích. Ví dụ, những điều mà quy định WTO không cấm (những quy định đèn xanh) như hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, tiếp thị thương hiệu chung (tức tập thể)... thì mình không làm; quy định ENT (địa phương phải xem xét nhu cầu kinh tế, khi nhà đầu tư mở tiếp siêu thị, cửa hàng thứ hai) có thể thực thi để bảo vệ các nhà bán lẻ Việt Nam thì mình lại... cho thả cửa tự do!
Trong những điều định hướng sai, có sự ưu ái, ưu tiên cho doanh nghiệp phân phối nước ngoài hơn trong nước, vì coi đây là thành tích thu hút đầu tư nước ngoài", bà Vũ Kim Hạnh nói.
Đặc biệt, theo bà Vũ Kinh Hạnh nguyên nhân nguy hiểm hơn hết là Việt Nam đã không đảm bảo được một môi trường kinh doanh và cạnh tranh công bằng, lành mạnh để người làm ăn chân chính không bị... đánh úp, gặp rủi ro cao vì “thua” hàng giả, hàng nhái, hàng không xuất xứ, thậm chí hàng độc hại vẫn hoành hành, tràn lan.
Ngoài ra, bà Vũ Kim Hạnh cũng thông tin, mặc dù mối quan tâm của doanh nghiệp đến thị trường bán lẻ đã được bày tỏ mạnh mẽ từ lâu, thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO tuy nhiên, những dự án "Hỗ trợ phát triển mạng lưới bán lẻ Việt Nam năm 2006-2007" chỉ thực hiện trong thời gian đó.
Doanh nghiệp nội co cụm trước sức ép của doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ |
"Sau này, năm 2009, cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có định hướng rõ hơn để tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn nhưng làm tốt đến đâu cũng chủ yếu là... vận động, là phong trào", bà Vũ Kim Hạnh nói.
Bà Vũ Kim Hạnh cũng thông tin, trong kế hoạch tiếp tục phát triển hàng Việt Nam mà Bộ Công Thương trình và Thủ tướng đã phê duyệt, có hẳn một chương trình giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bản đồ mạng lưới phân phối 63 tỉnh thành. Kế hoạch được trình từ tháng 10 năm ngoái, đã được duyệt mà đến nay chưa thấy thông báo chừng nào triển khai.
Thông tin về cuộc chạy đua thâm nhập thị trường Việt Nam của các hệ thống phân phối nước ngoài đang triển khai mở rộng nhanh để tận dụng AEC đang được công bố hàng tuần, hàng ngày mà bước triển khai các giải pháp hỗ trợ hàng Việt (có sẵn) của chúng ta đang đi theo nhịp hàng tháng hay... hàng năm.
Đồng quan điểm với bà Vũ Kim Hạnh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho biết, các chính sách bảo hộ ngành bán lẻ trong nước thời gian qua "không thật thiêng".
Cụ thể, theo bà Phạm Chi Lan, mặc dù được WTO chấp nhận cho áp dụng chính sách “xem xét nhu cầu kinh tế”- ENT trước khi cho phép các chuỗi siêu thị nước ngoài được mở cửa hàng thứ hai trở đi ở Việt Nam, nhưng từ khi ta gia nhập WTO, hệ thống siêu thị của nước ngoài đã liên tục phát triển, với những cái tên nổi tiếng như Metro, Big C và gần đây là cuộc đổ bộ của các nhà phân phối lớn khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...
Không chỉ đi những bước lớn, các nhà phân phối nước ngoài còn khôn ngoan phát triển hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện ích, thực sự “tiện ích” cho họ bởi các cửa hàng này tuy quy mô nhỏ nhưng có thể mở rộng nhanh và dễ dàng tỏa ra nhiều địa bàn khác nhau, tạo nên doanh thu và thị phần không hề nhỏ.
"Tất nhiên, ta chỉ có thể tự trách mình về việc để mất dần “sân nhà”. Năng lực cạnh tranh của phần doanh nghiệp cả trong ngành bán lẻ và các ngành sản xuất rõ ràng là quá chậm cải thiện; những doanh nghiệp khá hơn thì mải miết lao vào xuất khẩu hoặc các lĩnh vực bong bóng một thời mà ít để ý đến việc giữ “gôn” nhà.
Về quản lý nhà nước cũng khối điều đáng nói. Nào là quá quan tâm đến sản xuất mà coi nhẹ việc tiêu thụ, quá hào hứng với xuất khẩu mà xem thường thị trường trong nước, quá ưu ái FDI mà xem nhẹ doanh nghiệp nhỏ và vừa của chính mình", bà Phạm Chi Lan nói.
Cái chết đã dự báo trước
Thống kê mới đây cho thấy hiện Việt Nam có khoảng 8.500 chợ, hàng chục vạn cửa hàng bán lẻ, khoảng 650 siêu thị, 125 trung tâm thương mại. Trong đó hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp nước ngoài bao gồm Metro, BigC, LotteMart, Parkson…với hệ thống phân phối lớn trong khi đó, doanh nghiệp trong nước là SaiGon Co.op, CityMart, Hapro, Fivi Mart, Intemex…
Đặc biệt trong 2 năm gần đây, cuộc xâm lấn của các hệ thống siêu thị ngoại 100% vốn đầu tư nước ngoài thật sự ồ ạt. Theo số liệu thống kê, năm 2012, doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã chiếm tới 40% thị phần (so với 25% của các doanh nghiệp trong nước).
Doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã chiếm tới 40% thị phần (so với 25% của các doanh nghiệp trong nước) - Ảnh: TTO |
Theo PGS TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương, việc này thực chất không phải là điều quá bất ngờ mà đã được Việt Nam tính toán từ trước. Điều này thể hiện rõ trong các bản cảm kết WTO, các Hiệp định thương mại tự do với một số nước.
"Từ khi tham gia WTO năm 2007-2008, thị trường bán lẻ VN luôn được đánh giá là thị trường tiềm năng, thị trường đắt nhất hành tinh đối với các nhà phân phối. Xếp hạng này sau đó đã bị tụt xuống và có thời gian chững lại.
Khoảng 2 năm trở lại đây, các nhà phân phối thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn, Thái Lan đã nhìn nhận lại và họ đã tìm thấy những tiềm năng lâu dài ở thị trường VN.
Nhất là đứng trước bối cảnh năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập, năm 2017, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn theo cam kết gia nhập WTO, tận dụng mốc thời gian này các nhà phân phối ngoại đã đổ bộ vào nhiều hơn", PGS TS Phạm Tất Thắng.
Cũng theo PGS TS Phạm Tất Thắng, doanh nghiệp Việt chưa thực sự tận dụng tốt những thế mạnh để vươn lên. Thời gian hiện nay còn rất, đây là nhược điểm lớn nhất của doanh nghiệp Việt tức là "nước đến chân mới nhảy", doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn chưa có chiến lược, chưa có đường đi nước bước.
"Dù với sức ép của doanh nghiệp ngoại trong bán lẻ và phân phối, nhiều doanh nghiệp nội đã bừng tỉnh và bắt đầu chạy đua nước rút. Nhưng cuộc chạy đua này có đi đến đâu không thì "hạ hồi phân giải". Điều này cho thấy tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết, không có một quy hoạch sản xuất cụ thể của doanh nghiệp Việt", PGS TS Phạm Tất Thắng nói.
Xóa bỏ chợ, nâng cấp thành siêu thị
Là nội dung bản Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại và 595 chợ dân sinh...
Đặc biệt, TP Hà Nội cũng yêu cầu không xây mới các chợ ở khu vực nội đô, nâng cấp cải tạo chợ hiện có diện tích trên 3.000m2 thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm; chuyển hóa chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích đất chợ dưới 1.000m2 thành siêu thị hạng 2.
Tổng vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch này là khoảng 521.000 tỷ đồng, chủ yếu được huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước. Trong khi, một thực tế hiện nay là các siêu thị, trung tâm thương mại của doanh nghiệp trong nước đang phải co cụm để chống đỡ làn sóng đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Lotte, Big C, E-Mart Co, Aeon, Auchan, B'mart (BJC)... với lượng hàng hóa từ doanh nghiệp Việt sản xuất cũng chiếm số lượng nhỏ.
Ý kiến của một số chuyên gia lĩnh vực thương mại cho biết, với tiềm lực tài chính lớn mạnh hơn doanh nghiệp trong nước cùng với những ưu tiên, ưu đãi điều này sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp nước ngoài ngày có điều kiện mở rộng quy mô, người Hà Nội mua sắm trên đất Hà Nội nhưng là mua từ những ông chủ nước ngoài.
|
Hà Anh
No comments:
Post a Comment