Sunday, September 21, 2014

Thưa các đại gia và các doanh nhân!

(PetroTimes) - Có những đại gia, do giàu có nhờ làm ăn kiểu “bá đạo”, và nhờ may mắn thì lại nhảy vào làm chính trị, thuê mướn báo chí đánh bóng tên tuổi cho mình, và vung tiền ra mua giải thưởng…?
Nước ta bây giờ có hằng hà sa số các “đại gia” và “doanh nhân”.
Trong số này, có những người là đại gia theo đúng nghĩa đẹp của từ này. Bởi họ đã làm giàu bằng chính tài năng, công sức, mồ hôi nước mắt của mình. Họ đóng góp lớn cho xã hội và trên hết, là họ có khát vọng làm giàu vì trách nhiệm với đất nước và với người lao động.
Trong số doanh nhân, cũng có nhiều người xứng đáng với nghĩa đẹp của từ này. Không ít doanh nhân đã và đang có những đóng góp cực kỳ to lớn vào nền kinh tế nước nhà. Và cũng rất nhiều người có tấm lòng Bồ Tát, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, hoặc tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
Đảng, Chính phủ luôn trân trọng, và khuyến khích các doanh nhân và là đại gia như thế.
Nhưng cũng có không hiếm người mà chỉ do cưỡi xe xịn, xách cặp sang, có thư ký “chân dài như kiếm Nhật” đi theo, kèm cái cạc-vi-dit… là được coi là “đại gia”… Không ai có thể biết được các đại gia kiểu này, đang nợ nần chồng chất thế nào? Không ai có thể biết đám “đại gia đểu” này đang nợ bảo hiểm, quỵt lương, trốn thuế bao nhiêu? Thậm chí không thể biết được họ đang làm cái quái gì.
Thưa các đại gia và các doanh nhân?
Lâu đài Tổng Hải Sơn của một đại gia ở Phủ Lý, Hà Nam.
Rồi các doanh nhân nữa.
Nước ta bây giờ hình như đang quá lạm dụng từ “doanh nhân” - Ai mà làm kinh doanh, sản xuất, có tý chức sắc, là được gọi là “doanh nhân”.
Doanh nhân là gì? Là ai? Và ai đáng được gọi là doanh nhân?
Thật ra, từ “doanh nhân” mới xuất hiện từ sau những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước – nghĩa là từ sau khi Đảng ta bắt đầu công cuộc đổi mới xây dựng kinh tế đất nước và công nhận nền kinh tế tư nhân. Trước đó, từ “doanh nhân” vốn có rất lâu, đã bị xóa bỏ bởi chúng ta không công nhận nền kinh tế thị trường.
Doanh nhân, nghĩa là người làm chủ, người điều hành hoặc là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên ban điều hành… một đơn vị kinh tế, mà đó phải là kinh tế tư nhân.
Còn người được Nhà nước thuê quản lý một doanh nghiệp Nhà nước thì không nên gọi “doanh nhân”. Vì người đó có phải bỏ vốn liếng của mình ra đâu? Họ được thừa hưởng tiền bạc, cơ sở vật chất, và cơ chế do Nhà nước giao cho…
Gần đây, chúng ta cứ lộn sòng khái niệm này. Và thế là các giải thưởng cho doanh nhân cứ trao bạt mạng, đánh đồng tư nhân và Nhà nước? Đã đến lúc cần phải tách bạch hai loại “doanh nhân” này.
Nên chăng, danh hiệu tôn vinh các doanh nhân thì chỉ nên trao cho thành phần kinh tế tư nhân. Còn tôn vinh những nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp Nhà nước thì là “Giám đốc giỏi”; “Giám đốc trong lòng dân”… Đại khái là thế.
Nhưng thôi, chuyện cái tên gọi, không nên bàn quá kỹ và “chẻ sợi tóc làm tư”, mà quan trọng ta nên suy ngẫm về thực chất của đội ngũ “doanh nhân Việt”.
Sòng phẳng mà nói, thì trong đội ngũ những người được gọi là “đại gia” và “doanh nhân” của nước ta, có rất, rất nhiều người mà họ làm giàu được là từ mánh mung, làm ăn chộp giật, từ các kiểu làm ăn bá đạo, và vô vàn các mưu mô, chước quỷ khác. Và khi có đồng tiền, thì không ít kẻ lại lao vào làm chính trị… Một loạt các vụ án mới được phanh phui trong vài năm trở lại đây cho thấy rất rõ điều này. Thậm chí, có doanh nghiệp khá tiếng tăm, nhưng thực chất lại là một tổ chức mafia. Vụ án Minh “sâm” ở Bắc Ninh mới bị triệt phá gần đây là minh chứng cho điều này.
Đã thế, không ít đại gia, doanh nhân đua nhau sắm xe thật oách, xây dựng nhà cửa thật hoành tráng; rồi lại còn đua nhau dựng tượng Phật cho rõ to và cái quái gì cũng muốn “ngang tầm thế giới”.
Chúng ta cứ khoe khoang có lắm “doanh nhân giỏi”, rồi nào là “trí tuệ Việt Nam” thế nọ, thế kia; nào là người Việt “cần cù, chịu khó, tiết kiệm”… Nhưng cả một nền công nghiệp nước nhà đến con vít, sợi dây cáp máy tính… cũng không làm nổi. Rồi đến cái tăm, sợi chỉ, đôi đũa… cũng phải đi nhập khẩu?
Vậy đã bao giờ các “doanh nhân”, các “đại gia” xấu hổ cho việc này chưa?
Vậy thì doanh nhân Việt, đại gia Việt làm cái quái gì? Trong khi đó, cứ hoắng lên lo chuyện đâu đâu.
Xâu chuỗi lại tất cả những gì mà các doanh nhân và đại gia Việt đã làm được, ta có thể khái quát được đặc tính chung của họ, cơ bản là như thế này: Không có tầm nhìn xa, không dám đi vào những lĩnh vực cơ bản như sản xuất, chế tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, không dám mạo hiểm trong sản xuất; quen “đếm cua trong lỗ”, quen “bóc ngắn, cắn dài”; không biết tiết kiệm, hay khoe khoang, háo danh và đặc biệt là sĩ diện hão.
Người viết bài này từng được chứng kiến rất nhiều đại gia khi có chút tiền là hợm hĩnh, và “mục hạ vô nhân” - dưới con mắt mình là không có ai.
Rồi lại có những đại gia, do giàu có nhờ làm ăn kiểu “bá đạo”, và nhờ may mắn thì lại nhảy vào làm chính trị, thuê mướn báo chí đánh bóng tên tuổi cho mình, và vung tiền ra mua giải thưởng…?
Người ta nói rất nhiều về thói huênh hoang, tiêu tiền bạt mạng, ăn chơi xa xỉ của không ít đại gia. Những tưởng mấy năm suy thoái kinh tế vừa qua đã khiến cho nhiều đại gia sáng mắt ra, nhưng xem ra, không phải… Năm 2014, nền kinh tế bắt đầu phục hồi, vậy mà xe nhập khẩu đã tăng 35%, doanh số bán xe ô tô trong nước cũng tăng “ngoạn mục”.
Vậy điều này thể hiện cái gì? Đó chính là người Việt chúng ta quen làm ăn kiểu láu cá vặt, hay nói cách khác là mang đầu óc, tư duy tiểu nông vào làm công nghiệp.
Mặt khác, cũng phải thấy là chính sách nhằm động viên, khuyến khích các doanh nhân đầu tư vào sản xuất, đi từ nhỏ đến lớn, đi từ thấp đến cao… và có tính cơ bản, nghĩa là muốn phát huy nội lực, muốn cạnh tranh với bên ngoài, thì nội lực phải là từ những… cái kim sợi chỉ?
Gần đây, chúng ta mở rộng đầu tư nước ngoài, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp ngoài nước vào làm ăn ở Việt Nam. Và các doanh nghiệp ngoại thỏa sức “tung hoành”, và cạnh tranh tàn bạo với doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi nội lực của chúng ta yếu mà lại bắt phải “ra gió” với doanh nghiệp nước ngoài, thì rõ ràng sẽ là tự mình “cầm dao tay phải chặt tay trái”. Đó là cách “giết” doanh nghiệp Việt một cách nhanh nhất - đặc biệt là khi bắt doanh nghiệp Nhà nước phải cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.
Nếu các doanh nhân, các đại gia không cúi xuống để nhìn kỹ xem dưới chân mình là gì và có khát vọng vươn lên; nếu Nhà nước không có những chính sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam thì chúng ta sẽ bị tụt hậu rất nhanh.
Chúng ta đang tụt hậu so với Lào, Campuchia và Myanmar rồi đấy!
06:45 | 21/09/2014
Như Thổ

No comments:

Post a Comment