Sunday, September 21, 2014

Nhiều xí nghiệp có thể sập vì bị nhà nước thiếu nợ

BẠC LIÊU 21-09 (NV) - Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình “xây dựng nông thôn mới” tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, kêu cứu vì bị chính quyền địa phương nợ cả tỉ đồng mà không thanh toán.

Sau khi xây dựng những con đường như trong ảnh, công ty Kiến Phát Hưng bị nhà cầm quyền huyện Phước Long nợ 10 tỉ đồng. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đại diện công ty Kiến Phát Hưng, có trụ sở ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cho biết, họ tham gia chương trình “xây dựng nông thôn mới” tại một số xã của huyện Phước Long từ năm 2011. Tính đến 2013, nhà cầm quyền huyện Phước Long thiếu họ 10 tỉ đồng và từ đó đến nay không trả đồng nào.

Ông Lê Văn Kiệt, chủ doanh nghiệp tư nhân Lê Văn Kiệt ở thành phố Bạc Liêu, cáo giác trên tờ Tuổi Trẻ, nhà cầm quyền huyện Phước Long đang nợ ông 2.5 tỉ đồng. Bà Phạm Thị Thanh Thảo, giám đốc công ty Phúc Thịnh ở Sài Gòn, tiết lộ, chính quyền huyện Phước Long đang thiếu nợ công ty của bà vài trăm triệu…

Đại diện những doanh nghiệp đang là chủ nợ của nhà cầm quyền huyện Phước Long cho biết, họ chỉ được huyện này thanh toán từ 50% đến 60% giá trị công trình rồi ì ra không trả nợ. Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp lao đao.

Ông Lâm Thành Sáo, phó chủ tịch huyện Phước Long, thừa nhận, chính quyền huyện này đang nợ nhiều nhà thầu một khoản tiền lớn. Lý do là vì trong ba năm qua, “Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới” chì cấp cho huyện Phước Long gần 20 tỉ, trong khi muốn 7/7 xã đạt tiêu chí “nông thôn mới” thì “phải huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện”.

Tháng trước, sau một một đợt kiểm tra về thu chi ngân sách của tỉnh Bạc Liêu, Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam loan báo, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã hết tiền từ năm 2013, trong khi có 1,350 tỉ đồng đến hạn phải trả và vì vậy, ngay cả chuyện trả lương cũng sẽ trở ngại.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tuy khó khăn về tài chính nhưng chính quyền tỉnh này vẫn phê duyệt để chi 1,370 tỉ đồng, đầu tư cho nhiều công trình không hề có trong kế hoạch.

Để đầu tư cho những công trình ngoài kế hoạch này, tỉnh Bạc Liêu đã rút tiền từ các khoản chi, lẽ ra chỉ được phép dùng cho giáo dục, y tế, kiên cố hóa kênh mương, cải cách tiền lương và trả các khoản nợ đang còn thiếu nhiều doanh nghiệp. Cuối cùng ngoài khoản nợ 1,350 tỉ đồng tới hạn phải trả, tại Bạc Liêu hiện có rất nhiều công trình đang dở dang, muốn hoàn tất phải chi 4,644 tỉ đồng nữa.

Đặc biệt đáng chú ý là trong tình thế như vậy, hồi Tháng Năm vừa qua, tỉnh Bạc Liêu vẫn chi 2,000 tỉ đồng để tổ chức Lễ Hội Đờn Ca Tài Tử lần thứ nhất, bất chấp tại Bạc Liêu, bệnh viện quá tải, bệnh nhân không có giường để nằm, cần 767 tỉ để mở rộng. Họ bất chấp còn 13 trong tổng số 50 xã thiếu đường giao thông nên khi đi lại, dân chúng vẫn phải dùng xuồng, cần 800 tỉ để mở đường. Họ bất chấp cả tỉnh còn 371 khu dân cư đến nay vẫn chưa có điện nên cần đầu tư 203 tỉ đồng.

Dù chính quyền tỉnh Bạc Liêu dùng công qũy như phá nhưng không có bất kỳ viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm. Bạc Liêu không phải là trường hợp cá biệt mà chỉ là ví dụ minh họa cho một thực trạng đã phổ biến trên toàn Việt Nam trong nhiều năm qua.

Hồi cuối năm ngoái, tại một buổi thảo luận với Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Lai Châu, ông Bùi Quang Vinh, người đang giữ vai trò bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, cảnh báo: “Kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn đào củ mài để ăn”. 

Lúc đó, ông Vinh tỏ ra hết sức bi quan về khả năng đầu tư cho phát triển của năm 2014. Tuy giới lãnh đạo đảng, quốc hội, chính phủ đã “nhất trí chi cho đầu tư phát triển là 163 ngàn tỷ” nhưng bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư nhận định, dẫu con số này quá thấp so với nhu cầu đầu tư để phát triển, song chính quyền sẽ không kiếm đủ tiền để chi. Trong 163 ngàn tỷ dự kiến sẽ chi, có 30 ngàn tỷ dự kiến sẽ thu từ đất nhưng thị trường bất động sản vẫn đóng băng, thành ra dự thu như thế là ảo tưởng.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Đất nước này vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan”. Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, nhà chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

Thực trạng đó là lý do khiến chi cho đầu tư phát triển giảm chưa từng thấy trong lịch sử, nhiều công trình dở dang, trong khi không đầu tư cho phát triển thì không thể phát triển và chế độ Hà Nội đang loanh quanh trong vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra. (G.Đ.)
09-21- 2014 10:20:52 AM 
Theo Người Việt 

1 comment:

  1. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Hộp thư spam nay đã có 3711 số lần xem trang.

    ReplyDelete