Sáng 17-9, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983), Hoàng Ngọc Thức (SN 1988, đều nguyên là công an viên xã Kim Nỗ) về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958, trú tại thôn Đoài, xã Kim Nỗ).
Dùng dùi cui đánh nghi can tử vong
Theo cáo trạng, ngày 30-8-2012, Công an xã Kim Nỗ nhận được đơn trình báo về việc ông Thuận dùng gạch đánh người gây thương tích. Sau đó, ông Nguyễn Đức Vọng, Trưởng Công an xã Kim Nỗ, chỉ đạo lực lượng công an xã đưa ông Thuận lên trụ sở làm việc.
Người nhà đến tòa mang theo di ảnh nạn nhân Nguyễn Mậu Thuận
Tại trụ sở công an, ông Thuận chửi bới, lăng mạ ông Vọng và lực lượng công an xã. Ông Vọng yêu cầu các công an viên dùng còng số 8 cưỡng chế đưa ông Thuận vào phòng làm việc. Khi Hoàng Ngọc Tuyên đến trụ sở, ông Vọng giao Tuyên xác minh, giải quyết vụ việc.
Do ông Thuận liên tục chửi bới, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ, Tuyên đã tát ông Thuận, đồng thời dùng dùi cui cao su do Nguyễn Trọng Kiên đưa vụt vào đùi. Ông Thuận vẫn không ngừng chửi bới, Tuyên tiếp tục dùng dùi cui đánh mạnh vào đùi.
Khoảng 15 giờ cùng ngày, sau khi ghi nhận lời khai nạn nhân bị ông Thuận đánh và xác minh thương tích, 2 công an viên Hoàng Ngọc Thức và Đoàn Văn Tuyến đi thẳng vào phòng nơi ông Thuận bị khóa ngồi trên ghế. Ông Thuận tiếp tục chửi bới, Kiên dùng dùi cui thúc mạnh vào ngực làm ông Thuận ngã ngửa ra sau, chiếc ghế gỗ bị gãy vai ghế. Tuyên kêu Tuyến, Kiên, Thức khóa cả hai chân, tay ông Thuận vào chiếc ghế khác rồi phân công Thức đứng canh gác, có người đi qua thì báo, còn Kiên vừa hỏi vừa dùng dùi cui đánh ông Thuận, dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay của ông Thuận bóp mạnh.
Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, Tuyên gọi điện cho trưởng công an xã thông báo ông Thuận say rượu không làm việc được. Khi ông Vọng về phòng làm việc thì ông Thuận đã tử vong.
Ngày 31-8-2012, Công an huyện Đông Anh quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” đối với 4 bị can. Sau khi xem xét vụ án, ngày 27-3-2013, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án từ “Cố ý gây thương tích” sang tội “Giết người”.
Không phải muốn khai thế nào cũng được
Tại tòa, bị cáo Tuyên thừa nhận đánh 5 cái vào đùi ông Thuận, sau đó hướng dẫn Kiên kẹp bút bi vào đầu ngón tay nạn nhân. Trả lời HĐXX, Tuyên khai lý do đánh ông Thuận vì “bức xúc ông Thuận đánh đập bà Đoàn Thị Bút gây thương tích phải nhập viện”. Tuyên cũng thừa nhận nhân viên của mình dùng gậy bằng cao su đánh vào đùi ông Thuận.
“Khi ông Thuận có biểu hiện bất thường, bị cáo kêu anh em đỡ ông Thuận lên giường và làm hô hấp nhân tạo. Bị cáo biết mình có rất nhiều lỗi, không làm tròn trách nhiệm của người chỉ huy dẫn đến hậu quả chết người nghiêm trọng. Bị cáo rất ăn năn hối hận...” - Tuyên nói.
Trong khi đó, bị cáo Kiên, Tuyến cho rằng một số tình tiết trong cáo trạng chưa đúng sự thật. Cả hai nói không dùng dùi cui thúc vào ngực mà chỉ đánh vào đùi nạn nhân. Bị cáo Kiên còn khai bị mớm cung, được CQĐT cho xem lời khai của Tuyến và Thức để khai lại; bị cáo Tuyến khẳng định các điều tra viên lấy lời khai của Kiên để bị cáo khai theo.
Riêng bị cáo Thức kêu oan, nói không chứng kiến cảnh Kiên thúc dùi cui vào người nạn nhân, bản thân không mâu thuẫn, xích mích với ông Thuận, không xâm hại đến sức khỏe nạn nhân.
Trước những lời khai này, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa bức xúc: “Các bị cáo từng là công an xã nên phải thấy rõ trách nhiệm khi khai báo tại tòa. Nếu lời khai tại tòa của bị cáo là đúng, vậy thì trước đây bị cáo đã đánh lừa CQĐT? Bị cáo là người hiểu biết pháp luật, không phải muốn khai thế nào cũng được”.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.
Trả hồ sơ vì vi phạm tố tụng
Ngày 8-5, TAND TP Hà Nội đưa vụ án này ra xét xử. Tại phiên tòa, cả 4 bị cáo khẳng định bị điều tra viên ép cung; đồng thời trong quá trình lấy lời khai, không có luật sư tham gia. Hồ sơ vụ án cho thấy có chữ ký của luật sư nhưng các bị cáo vẫn nhất mực khẳng định ngoài điều tra viên, không có sự xuất hiện của luật sư bào chữa. Do các bị cáo bị truy tố tội “Giết người”, đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình, bắt buộc trong quá trình lấy lời khai tại CQĐT phải có mặt của luật sư. Sau 2 lần hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra lại do có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự.
Thứ Tư, 23:11 17/09/2014
Bài và ảnh: Nguyễn Quyết
No comments:
Post a Comment