Wednesday, September 17, 2014

Lạng Sơn: Người dân khốn khổ vì cách làm việc bất nhất của chính quyền

(Dân trí) - Gia đình bà Lã Thị Mai có thửa đất số 83 tại Đình Lập - Lạng Sơn, đã được nhà nước bàn giao. Khi gia đình bà Mai chuẩn bị trồng rừng thì UBND xã đã có công văn đình chỉ khiến cho người dân lâm vào cảnh khốn cùng.

Theo đơn kêu cứu của gia đình bà Lã Thị Mai và ông Hoàng Văn Châu (đã mất) trú tại thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập - Lạng Sơn: Gia đình bà Mai có 4 thửa đất số 83, 88, 90, 986. Trước đó, các thửa đất trên đã được khoanh nuôi, bảo vệ và sử dụng từ khi nhà nước giao sổ xanh. Năm 1996, gia đình bà Lã Thị Mai đã trồng những loại cây như cây trám, bạch đàn... trên các thửa đất đó. Thực tế trên thửa đất số 83 đã có diện tích trồng keo khá lớn. Năm 2006, nhà nước đã chính thức giao đất cho hộ gia đình bà tại biên bản Giao nhận đất lâm nghiệp ngày 26/9/2006. Kể từ khi được giao đất, gia đình bà đã tiếp tục đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để khoanh nuôi, bảo vệ.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục, gia đình đã sơ xuất chưa kê thửa đất số 83 vào Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, thôn, xã đã có ý định để thửa đất đó làm khu khoanh nuôi. “Thực chất là chưa có quyết định thu hồi của cơ quan chức năng nào, cũng không có buổi họp đầy đủ thành viên trong thôn để thống nhất ý kiến lấy thửa đất số 83 làm đất khoanh nuôi của thôn.”, bà Mai nói.
Lạng Sơn: Người dân khốn khổ vì cách làm việc bất nhất của chính quyền
Biên bản bàn giao thửa đất số 83 của chính quyền địa phương cho gia đình bà Mai không hề ghi có rừng tự nhiên.
Sau đó, UBND xã đã có công văn số 68/UBND về việc “Đình chỉ phát và đốt rừng tự nhiên tại thửa đất số 83, tiểu khu I, Khe Ma, thôn Nà Phai”. Lý do đình chỉ vì “Ngày 12/6/2014, UBND xã có nhận được đơn đề nghị của tập thể thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn về việc bà Lã Thị Mai (cư trú tại địa chỉ trên) đã thuê người từ nơi khác đến khai thác, chặt tre và các loại cây gỗ mọc tự nhiên tại thửa đất số 83, tiểu khu I, tờ bản đồ giao đất lâm nghiệp năm 2007, mục đích là phá hết cây tự nhiên để trồng cây”.
Tuy nhiên, gia đình bà Mai đã giấy tờ chứng minh thửa đất số 83 không phải đất “vô chủ”. Ngày 25/8/2006, bà Mai có viết Đơn xin giao đất Nông nghiệp (dùng cho hộ gia đình, cá nhân), bà Mai đã xin 281.500 mđất bao gồm 4 thửa, trong đó có thửa đất số 83 để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp và đã được chính quyền địa phương giao đất tại Biên bản giao, nhận đất lâm nghiệp tại thực địa ngày 26/9/2006. UBND xã đã xác nhận thửa đất số 83 là loại đất lâm nghiệp có ranh giới, diện tích đúng như trong bản đồ giao đất lâm nghiệp và bản đồ địa chính. Đại diện bên giao đất gồm ông Lý Văn Tuấn (CT UBND xã Bắc Lãng), Nông Vĩnh Bảo (PCT UBND xã - Ban GĐLN), Trần Mạnh Sáng (Cán bộ địa chính xây dựng), Lại Ngọc Tân (Trưởng thôn Nà Phai), Hồ Viết Lệ (CB tư vấn) đã xác nhận.
Có công văn đình chỉ mới biết có rừng tự nhiên
Theo hồ sơ, trong biên bản giao nhận đất không có ghi là có rừng tự nhiên nên bà Mai không biết có rừng tự nhiên. “Đến khi xã có công văn đình chỉ thì tôi mới biết có rừng tự nhiên trên thửa đất số 83”, bà Mai nói.
Theo phản ánh của bà Mai, một số cán bộ thôn vu cho gia đình bà phá rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích không xin phép. “Nội dung công văn của xã nói rằng, gia đình tôi phá hết cây tự nhiên để trồng cây là hết sức phi lý. Thực chất gia đình đang thực hiện quyền và nghĩ vụ trên mảnh đất được giao: chuẩn bị trồng cây, chăm sóc và bảo vệ rừng”, bà Mai nói.
Được biết, tại thửa đất số 83, gia đình bà Mai đã đầu tư nhiều lần và đã nhiều lần khai thác. Trước khi khai thác, gia đình đều viết đơn Đăng ký khai thác lâm sản có Bảng dự kiến sản phẩm khai thác do ông Đàm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã xác nhận và kèm theo Biên lai thu thuế tài nguyên xác nhận bà Mai có nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.
Lạng Sơn: Người dân khốn khổ vì cách làm việc bất nhất của chính quyền
Lạng Sơn: Người dân khốn khổ vì cách làm việc bất nhất của chính quyền
Khi gia đình bà Mai chuẩn bị trồng rừng thì UBND xã đã có công văn đình chỉ khiến cho người dân lâm vào cảnh khốn cùng.
Hiện, công văn đình chỉ việc Phát và đốt rừng tự nhiên tại thửa đất số 83, tiểu khu 1, Khe Ma, thôn Nà Phai đã khiến cho bà không thể tiếp tục công tác trồng và chăm sóc rừng. Hơn nữa, trong thời gian chờ các cơ quan chức năng giải quyết, gia đình bà đang phải hứng chịu rất nhiều khó khăn.
Gia đình đã vay mượn tiền ngân hàng và trả lãi hàng tháng. Gia đình bà Mai còn đầu tư mua cây giống về ươm, nay giống cây đã hư hỏng, không trồng được nữa. Ngoài ra, gia đình bà Mai đã đầu tư gần trăm triệu để mở đường vào rừng. Tính ra, gia đình bà Mai đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để trồng rừng. Chỉ vì công văn đình chỉ của xã đã khiến cho gia đình bà Mai phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Ngày 18/06/2014, xã đã ra công văn “Đình chỉ phát và đốt rừng tự nhiên tại thửa đất số 83, tiểu khu I, Khe Ma, thôn Nà Phai”. Tuy nhiên, đã mấy tháng nay, vụ việc vẫn chưa giải quyết xong, trong khi đó, số giống cây trồng đã hư hỏng gần hết, cỏ phát xong lại mọc um tùm khiến người dân hết xức búc xúc. “Thửa đất số 83 đã được nhà nước bàn giao đã được gia đình tôi khoanh nuôi, đầu tư nhiều công sức, tiền của vào rừng và bảo vệ lâu dài, liên tục, không tranh chấp. Vì vậy, không có lý do gì để ngăn cản tôi thực hiện nghĩa vụ trên mảnh đất đã được nhà nước bàn giao”, bà Mai bức xúc nói.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc công ty luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo trình bày, gia đình bà Mai đã được giao đất có biên bản và từ đó, gia đình bà sử dụng ổn định, liên tục, không vi phạm các quy định của luật đất đai. Xét theo luật đất đai thì gia đình bà Lã Thị Mai đủ điều kiện để cấp GCNSDĐ. Tuy nhiên, do sơ xuất khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu thửa đất số 83. Do đó, một số cán bộ thôn, xã đã lợi dụng sự thiếu xót trên để nhằm mục đích lấy lô đất đó về làm rừng khoanh nuôi chung của thôn là trái pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Mai.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc
Anh Thế


No comments:

Post a Comment