(Baodatviet) - Báo chí Hong Kong tố cáo thực tế tại đặc khu này khác xa những gì chính quyền Bắc Kinh công bố.
Người Hong Kong ủng hộ?
Sáng 16/9, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang, quan chức cấp cao thứ ba trong hệ thống cấp bậc quan chức của Đại lục, nói rằng những quy định nghiêm ngặt do Bắc Kinh đặt ra cho cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu tiếp theo của Hong Kong "đã giành được sự ủng hộ và tán thành của người dân Hong Kong".
Tại một cuộc họp ở thủ đô Bắc Kinh, ông Trương Đức Giang đã nói với một đoàn đại biểu từ Hội Liên hiệp Công hội Hong Kong, một tổ chức được nhận định là trung thành với Bắc Kinh, rằng: "Quyết định này được đưa ra rất nghiêm túc sau khi lắng nghe những ý kiến từ các khu vực khác nhau ở Hong Kong thông qua các kênh khác nhau, sau khi xem xét sự phát triển hiện nay của Hong Kong và sau các cuộc thảo luận nghiêm túc cùng những nghiên cứu liên tiếp”.
Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang |
Cũng theo quan chức họ Trương, “quyết định này hoàn toàn phù hợp với Luật Cơ bản, tình hình thực tế của Hong Kong và thể hiện đầy đủ sự chân thành của chính quyền Trung ương về việc thúc đẩy dân chủ ở Hong Kong. Do đó, quyết định này, như tôi được biết, đã giành được sự ủng hộ và tán thành của người dân Hong Kong nói chung".
Bình luận của ông Trương Đức Giang là phát biểu đầu tiên của nhà lãnh đạo này kể từ khi Quốc hội Trung Quốc quyết định rằng mặc dù Hong Kong có thể bầu chọn nhà lãnh đạo của Đặc khu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu lần đầu tiên vào năm 2017, nhưng chỉ có 2 hoặc 3 ứng cử viên tham gia tranh cử.
Đáng chú ý trong quy định là những ứng cử viên này phải giành được một nửa số phiếu ủng hộ trong một ủy ban đề cử gồm 1.200 người. Giới phân tích cho rằng, các ứng cử viên tiềm năng, những người mà Bắc Kinh không muốn họ có tên trên lá phiếu bầu, sẽ bị sàng lọc bởi ủy ban này.
Đe dọa dùng sức mạnh
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong, những bình luận của ông Trương Đức Giang đã vẽ ra một bức tranh rất khác với những gì được công bố sau một cuộc thăm dò ý kiến của báo này, trong đó cho thấy có tới gần một nửa người dân Hong Kong muốn các nhà lập pháp địa phương phủ quyết một mô hình bầu cử tuân theo những quy định của Bắc Kinh.
Cuộc thăm dò ý kiến của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng được tiến hành trước đó với khoảng 1.000 người tham dự. Kết quả là khoảng 48% số người được hỏi muốn các nhà lập pháp địa phương bác bỏ kế hoạch bầu cử năm 2017 nếu như nó tuân theo những điều kiện nghiêm ngặt mà Bắc Kinh đã đặt ra.
Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong hiện nay – ông Lương Chấn Anh |
Trong khi đó, gần 40% số người được hỏi nói rằng Hội đồng Lập pháp Hong Kong nên thông qua một kế hoạch như vậy. 84% số người được hỏi cho rằng phong trào "Chiếm Trung tâm" - một phong trào biểu tình nhằm làm tê liệt trung tâm kinh tế tài chính của Hong Kong để đòi dân chủ hơn nữa - có ít hoặc không có cơ hội thay đổi lập trường của chính quyền địa phương hay chính quyền Trung ương về cải cách. Chỉ 5% nói rằng phong trào này chắc chắn sẽ thúc đẩy một sự thay đổi.
Người đồng sáng lập phong trào "Chiếm Trung tâm", ông Đới Diệu Đình, nói rằng những kết quả nói trên đã cho thấy rằng ngày càng có nhiều người Hong Kong coi một mô hình bầu cử có sự giám sát là điều không thể chấp nhận được. Theo ông Đới Diệu Đình, phong trào "Chiếm Trung tâm" có thể không đảo ngược được tình hình ngay lập tức, nhưng nó là phong trào quan trọng bởi vì nó sẽ giúp khuyến khích xã hội dân sự ở Hong Kong.
Cuộc thăm dò ý kiến của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cũng đã có kết quả khác biệt với một cuộc khảo sát do Đại học Hong Kong tiến hành từ ngày 1-6/9 vừa qua. Trong cuộc khảo sát đó, 52% số người được hỏi đã ủng hộ việc chấp nhận nguyên tắc đầu tiên là "một người một phiếu bầu", ngay cả trong trường hợp kế hoạch cải cách loại những người thuộc phe dân chủ ra khỏi tiến trình bầu cử. 30% khác nói rằng họ không muốn cải cách.
Cảnh sát Hong Kong ngăn những người biểu tình |
Ngoài ra, nhiều học giả Hong Kong cũng cho rằng với hành động này, Bắc Kinh đã phớt lờ Luật Cơ bản, một bộ luật được coi là "Tiểu Hiến pháp" của Hong Kong mà chính Bắc Kinh đã giúp Hong Kong soạn thảo.
Lý lẽ được đưa ra là hình thức phổ thông đầu phiếu có nghĩa là mọi người có những sự lựa chọn hợp lý ở tất cả các giai đoạn bầu cử. Nếu tất cả mọi người đều có 1 lá phiếu, nhưng lá phiếu đó chỉ có thể được sử dụng để bầu 1 trong 2 ứng cử viên đã được chính quyền Trung ương Trung Quốc lựa chọn cẩn thận, thì đây sẽ khó có thể là một cuộc bầu cử theo phương thức phổ thông đầu phiếu.
Dù vấp phải không ít sự phản đối, song có nhiều lý do và dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ khó thay đổi lập trường trong vấn đề cải cách chính trị của Hong Kong.
Cuối tháng 6/2014, Trung Quốc công bố Sách Trắng khẳng định quyền kiểm soát của chính quyền trung ương đối với đặc khu này. Gần đây nhất là việc truyền thông chính thức của Trung Quốc phát đi hàng loạt tin bài mang tính răn đe, gồm cả việc ngầm ám chỉ nếu có nhiều người chiếm lĩnh trung tâm tài chính kinh tế Hong Kong, Bắc Kinh sẽ huy động quân đội.
Bảo Minh
No comments:
Post a Comment