Người Philippines biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại khu tài chính Makati, phía đông thành phố Manila.
VOA-17.09.2014
MANILA —Trong tuần này, một cuộc triển lãm thương mại khổng lồ khai mạc ở Nam Ninh, Trung Quốc, tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với đối tác thương mại lớn nhất của họ là Trung Quốc. Tuy nhiên, trong hai năm liên tiếp, Tổng thống Philippines đã không đến dự, sau một năm căng thẳng nữa ở Biển Đông. Vụ tranh chấp lãnh hải này sẽ định hình lại mối quan hệ lớn hơn giữa hai nước ra sao? Từ Manila thông tín viên Simone Orendain gửi về bài tường thuật sau đây.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết một thoả thuận năm 2011 giữa Tổng thống Benigno Aquino và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là văn kiện hướng dẫn bang giao của Manila với Bắc Kinh.
“Cả hai nước đều không nên để cho vụ tranh chấp lãnh hải này ảnh hưởng đến bang giao toàn diện. Về phía Philippines, chúng tôi sẵn sàng gạt ra và cô lập vụ tranh chấp lãnh hải và đối phó với vấn đề này một cách riêng rẽ, song đồng thời, chúng tôi cũng tìm cách thúc đẩy và củng cố các lãnh vực khác trong công cuộc hợp tác với Trung Quốc.”
Cách đây 3 năm, không có vụ giằng co về bãi cạn Scarbourough và không có vụ kiện nào chờ được giải quyết tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye. Khi đó, Philippines chỉ nộp một loạt các kháng thư ngoại giao phản đối Trung Quốc, nước đòi “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Năm 2012, Trung Quốc thực thụ nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough sau một cuộc giằng co căng thẳng kéo dài nhiều tháng giữa tàu thuyền của hai nước trong vùng biển ngay khu đặc quyền kinh tế của Philippines.
Một năm sau, Manila đã đệ một vụ kiện trọng tài nêu thắc mắc về những khẳng định chủ quyền ầm ĩ của Trung Quốc trong vùng biển giàu tài nguyên này. Bắc Kinh bác bỏ việc trọng tài và chưa đáp lại vụ này.
Năm ngoái, Philippines được chỉ định là “nước danh dự” tại cuộc triển lãm Trung Quốc ASEAN ở Nam Ninh, nhưng các giới chức Philippines nói Tổng thống Aquino không được mời vì vụ đệ đơn đòi trọng tài này.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đã khước từ yêu cầu phỏng vấn chính thức của VOA để thảo luận về mối bang giao.
Ông Rommel Banlaoi là giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Hoà bình, Bạo lực và Khủng bố của Philippines có trụ sở ở Manila. Ông nói vụ tranh chấp biển đang gây trở ngại cho mối bang giao.
“Nó vẫn còn ở trong tình trạng chính trị rất xấu. Mối bang giao còn đang ở điểm thấp nhất.”
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói thương mại và du lịch giữa hai nước vẫn còn mạnh.
Các số liệu chính thức của Philippines cho thấy trong 3 năm vừa qua, số du khách từ Trung Quốc gia tăng 70% từ năm 2012 đến năm 2013. Năm ngoái có 426.000 trong số 4,6 triệu du khách đến từ Trung Quốc.
Số hàng Philippines xuất sang Trung Quốc cao hơn đôi chút so với số hàng nhập từ Trung Quốc trong năm 2011 và 2013. Nhưng Philippines chịu thiệt hại vào năm 2012 sau khi Trung Quốc áp đặt các yêu cầu về chuối nhập vào nước này. Các quan sát viên nói điều này có thể có liên hệ với vụ giằng co.
Ông Banlaoi gọi sự gia tăng về du lịch là “không đáng kể” và nói Manila đã thất thế trước khả năng ráo riết quảng bá du lịch quốc tế của Bắc Kinh.
“Philippines lẽ ra có thể là một trong những điểm đến chính trong công cuộc đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trung Quốc có một chính sách về Con đường Lụa Hàng hải …Con đường Lụa Hàng hải này nhắm mục đích tăng cường bang giao kinh tế giữa Trung Quốc và Đông Nam Á thông qua đầu tư và thông qua các mối quan hệ mậu dịch và thương mại. Philippines không dự phần vào chính sách này.”
Ông Banlaoi nêu ra trường hợp các nước láng giềng Singapore, Indonesia và Malaysia đang tham gia.
Hồi đầu tháng này, bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo công dân tránh đi thăm Philippines, tiếp theo một âm mưu đánh bom bất thành bị tố cáo là nhắm mục tiêu vào Đại sứ quán Trung Quốc và các doanh nghiệp do người Philippines gốc Hoa làm chủ.
Ông Banlaoi gọi tiềm năng xảy ra những sự cố bạo động như âm mưu đánh bom là một “mối quan ngại chính” bởi vì chúng có thể dung dưỡng tình cảm dân tộc và làm áp lực đòi các chính phủ phải có lập trường cứng rắn hơn.
Phát ngôn viên Jose của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết bộ đã trấn an chính phủ Trung Quốc rằng Philippines đang tiến hành các biện pháp để bảo đảm an toàn cho nhân viên sứ quán.
Trong khi tàu thuyền của hai nước đua nhau chiếm vị trí ở các hòn đảo hẻo lánh trong vùng Biển Đông, và các giới chức ở thủ đô các nước tiếp tục lập luận sôi nổi, một số chuyên gia cho rằng tình hình chủ yếu sẽ vẫn tiếp tục đứng yên phần lớn vì cuộc vận động của chính quyền Aquino để mở rộng mối quan hệ quân sự với Washington.
Ông Renato De Castro của trường Đại học De La Salle ở Manila nói mối quan hệ đó được nhìn một cách hoài nghi ở Bắc Kinh.
“Đối với họ, Tổng thống Aquino và Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario cơ bản là thân Mỹ. Đó là cách nhìn của họ …các nhân vật này chỉ là những con rối. Họ bị Hoa Kỳ thao túng. Nếu bị bãi chức, nếu họ ra đi thì mọi sự sẽ tốt đẹp.”
Ông De Castro nói Trung Quốc chỉ chờ đợi nhiệm kỳ của ông Aquino kết thúc vào năm 2016 với hy vọng trở lại quan hệ bình thường với Philippines. Nhưng theo ông ngay lúc này, Manila làm rất kém công tác quân bình quan hệ với cả hai siêu cường.
No comments:
Post a Comment