(Dân trí) - Theo một báo cáo vừa công bố hôm nay 17/9, gần 1/3 trong tổng số 350.000 công nhân làm việc trong ngành sản xuất điện tử của Malaysia, trong đó có người Việt Nam, Myanmar, Indonesia, đang làm việc trong điều kiện lao động giống như “nô lệ hiện đại”.
Ước tính có khoảng 2-4 triệu lao động nước ngoài ở Malaysia.
Công nhân nghèo đến từ Việt Nam, Myanmar, Indonesia, Bangladesh…
Đây là kết quả nghiên cứu của tổ chức lao động công bằng có trụ sở tại Mỹ, Verite, tiến hành. Theo nghiên cứu, ít nhất 28% công nhân làm ở trong các nhà máy điện tử Malaysia, đặc biệt là lao động nhập cư nước ngoài ở các nước lân cận kém phát triển hơn, bị mắc kẹt trong vòng xoáy ràng buộc hợp đồng, không thể trả được các loại phí tuyển dụng quá lớn.
Verite cho biết nghiên cứu được thực hiện theo đặt hàng của chính phủ Mỹ, nước cấm nhập khẩu hàng hóa được làm từ lao động bị ép buộc.
Lao động ép buộc được phát hiện “với số lượng lớn ở khắp các khu vực sản xuất lớn, sản xuất điện tử, công nhân nước ngoài, ở cả phụ nữ và nam giới”, báo cáo của Vertie cho biết, dựa vào các cuộc phỏng vấn đối với 501 lao động sản xuất điện tử khắp Malaysia.
“Kết quả này cho thấy lao động ép buộc có trong ngành công nghiệp điện tử Malaysia không phải là những vụ việc riêng rẽ và thực tế có thể thấy là rộng khắp”, báo cáo cho hay.
Verite còn cho biết đánh giá của họ chắc chắn là “dè dặt” và “nên được hiểu là ước tính tối thiểu”.
Ngành sản xuất điện tử của Malaysia là mũi nhọn của nền kinh tế và là nhà cung cấp lớn của toàn cầu, sản xuất thiết bị bán dẫn, đồ điện tử, thiết bị thông tin và một loạt các sản phẩm, phụ tùng khác.
Malaysia cung cấp cho các nhãn hàng lớn toàn cầu như Apples, Samsung, Sony cùng các nhãn hàng khác. Báo cáo của Verite không loại trừ bất kỳ công ty nào.
Tuy nhiên, Verite cho biết, thành công của ngành này lại phụ thuộc vào nhân công nước ngoài nghèo khó, đến từ các nước như Indonesia, Nepal, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Myanmar.
Phí tuyển dụng quá lớn, bị lừa về mức lương, bị thu hộ chiếu, hạn chế đi lại
Verite nhận định nhân tố bóc lột chính là phí tuyển dụng các công nhân phải trả. Họ thường phải vay nợ để trả khoản phí này.
Phí, bị đánh ở cả nước quê nhà của công nhân và cả ở Malaysia, “thường vượt quá tiêu chuẩn công nghiệp và pháp lý - tương đương với một tháng lương”, Verite cho hay.
Những người được tuyển dụng thường bị lừa về điều kiện làm việc, mức lương, điều khoản để thôi việc. Họ thường phải chật vật tìm cách trả nợ và đối mặt với khoản phạt mới vì bỏ việc sớm.
Nhiều công nhân cho biết họ cảm thấy áp lực khi làm thêm giờ và 38% công nhân nước ngoài được biết bị ép ngủ trong các căn phòng chật chội, với hơn 8 người/phòng trong khi việc đi lại của họ cũng bị hạn chế.
94% công nhân nước ngoài cho biết họ phải nộp hộ chiếu của mình và 71% nói họ không thể lấy lại được hộ chiếu.
“Giữ hộ chiếu là điều không khác gì nô lệ hiện đại”, báo cáo dẫn lời một phụ nữ Myanmar được phỏng vấn cho biết.
Giới chức chính phủ Malaysia cùng liên đoàn sản xuất nước này hiện chưa có bình luận về báo cáo.
Malaysia thịnh vượng hơn so với các nước láng giềng nhưng thường bị các nhóm lao động chỉ trích vì không đảm bảo phúc lợi đúng mức cho ước tính khoảng 2 đến 4 triệu lao động nước ngoài.
Trung Anh
Theo AFP
Theo AFP
No comments:
Post a Comment