Wednesday, September 17, 2014

Buồn vui đường mòn Hồ Chí Minh trên Đất Mũi

Đường Hồ Chí Minh - QL14 (Dăk Song)
Đường Hồ Chí Minh - QL14 (Dăk Song)-Photo by Đặng Hà/Panoramio
 Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 2014-09-17
Trước đây 15 năm, công trình đường mòn Hồ Chí Minh Bắc - Nam được khởi công xây dựng dọc theo dãy Trường Sơn, băng qua Tây Nguyên, Miền Đông Đất Đỏ và xuôi về Sài Gòn. Có thể nói đây là con đường tầm cỡ và gây tốn kém nhất trong lịch sử xây dựng hệ thống giao thông của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế cũng như chiến lược quân sự, con đường này không đạt hiệu quả kinh tế và là con đường dẫn rất nhiều người Trung Quốc tiến vào thuê đất làm trang trại ở những điểm chiến lược trên dãy Trường Sơn. Sắp tới đây, đường Hồ Chí Minh sẽ tiến thằng vào Đất Mũi, Cà Mau, điều này được nhân dân đón nhận ra sao?
Một người dân Đất Mũi tên Út Năm, chia sẻ: “Cái đường đó, đường xá mà thông thương thì vận chuyển hàng hóa, bà con đi lại, mua sắm cũng được hơn, đi làm công việc cũng thuận hơn. Mình được cái đường du lịch phát triển cũng thuận lợi hơn.”
Theo ông Út Năm, đường Hồ Chí Minh vào đến Đất Mũi là một điều nằm ngoài khả năng tưởng tượng của người dân nơi đây, bởi quanh năm suốt tháng, phương tiện đi lại bằng xuồng ba lá, ca nô, vỏ lãi và gần đây là tàu cao tốc vốn chiếm vị trí độc tôn ở xứ này. Với địa hình sông ngòi chằng chịt, địa tầng xốp, mềm, thậm chí sình lầy, việc xây dựng một con đường nghiêm túc là chuyện không tưởng. Thế nhưng với công nghệ mới, con đường Hồ Chí Minh đang hiện dần ra trước mắt với không ít hứa hẹn.
Cái đường đó, đường xá mà thông thương thì vận chuyển hàng hóa, bà con đi lại, mua sắm cũng được hơn, đi làm công việc cũng thuận hơn. Mình được cái đường du lịch phát triển cũng thuận lợi hơn
Ông Út Năm
Cũng theo ông Út Năm, điều hứa hẹn đầu tiên sẽ là ngành du lịch phát triển, sau đó sẽ có nước ngoài đến đầu tư làm ăn, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phần đông thanh niên, trai trẻ ở đây. Bởi vì đa phần thanh niên miệt Tây Nam Bộ nói chung và Đất Mũi nói riêng đều chỉ biết làm ruộng, làm đầm tôm, đi đánh cá thuê gần bờ, nếu không có việc, họ chỉ biết uống rượu, hát vọng cổ, say li bì từ ngày này sang ngày khác và kết cục là hôn nhân tan vỡ, con cái mất chỗ dựa. Và hơn nữa, đa phần con gái miệt Tây Nam Bộ chỉ biết lên thành phố để làm các quán bia, quán cà phê, thậm chí nhiều cô công khai nghề làm gái của mình. Sở dĩ có chuyện đau lòng như vậy bởi miền Tây không có nhiều cơ hội làm việc.
Nhà chồ và tàu cao tốc - phương tiện đi lại chính của một số huyện ở Cà Mau. (RFA)
Nhà chồ và tàu cao tốc - phương tiện đi lại chính của một số huyện ở Cà Mau. (RFA)
Nhưng ông Út Năm cũng nói thêm rằng đó chỉ là viễn cảnh mà ông tưởng tượng ra, chứ trên thực tế, ông rất sợ rồi đây sẽ có hàng loạt những thứ dịch vụ tệ hại sẽ mọc lên, phát triển, thậm chí bùng phát khi dịch vụ du lịch phát triển. Những địa danh như Bến Ninh Kiều, khu “rừng lá thấp” Long Xuyên hay gọi khác là khu ăn chơi Ang Giang là một điển hình đau lòng.
Rồi đây, khi con đường Xuyên Việt mang tên Hồ Chí Minh này vào đến Đất Mũi, điều đó cũng có nghĩa là quãng đường để du khách đến thăm nơi này được khai thông, nhưng đồng thời, cơ hội để người Trung Quốc vào tác oai tác quái ở đây sẽ được nâng cao. Bởi theo kinh nghiệm quan sát của ông Út Năm, những điểm tác oai tác quái của người Trung Quốc trên đất Việt Nam đều nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, phần lớn đất rừng, công trình khai thác quặng của họ đều nằm trên trục đường này.
Theo kinh nghiệm quan sát của ông Út Năm, những điểm tác oai tác quái của người Trung Quốc trên đất Việt Nam đều nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, phần lớn đất rừng, công trình khai thác quặng của họ đều nằm trên trục đường này
Những mối lo…
Một người dân Đất Mũi khác tên Trí chia sẻ thêm:“Đa số giờ người ta đi bằng xe cộ, ở thôn quê cũng vậy, họ đi xe nhiều hơn đi tàu. Mấy bến tàu dưới này họ dẹp gần hết rồi, tỷ lệ xe cộ tăng lên cao vọt, xe cộ gần như trăm phần trăm rồi đó, tàu thì còn có 2 – 3% thôi à. Đi xe thì nó lợi hơn, ít hao nhiên liệu hơn tàu, giờ lộ xá thông xuốt rồi, đi xe dễ hơn với lại xe giờ cũng dễ sắm, hai ba chỉ vàng là sắm được rồi, mấy ai đi tàu nữa đâu.”
Theo ông Trí, việc mở đường vào Đất Mũi là một kì tích vĩ đại của nhà nước. Bởi suốt nhiều thập kỉ nay, miệt Tây Nam Bộ đã quen với lối giao thông đường thủy, hầu như đời sống của người dân chỉ quanh quẩn cùng con sống, cái chợ nổi, mảnh vườn và tấm lưới chài. Càng về sau này, lớp trẻ miệt Tây Nam Bộ càng tiến dần ra thành phố để làm đủ thứ nghề, mưu cầu một cuộc sống khấm khá hơn.
Và đây cũng là giai đoạn mà các loại dịch vụ trá hình thâm nhập vào lớp trẻ miền Tây, không dừng lại ở thành phố mà các cô gái từng một thời lẫy lừng với nghề gái gọi nơi thành phố, đến lúc hết thời xuân sắc, quay về quê và kiến tạo những khu ăn chơi phục vụ cho giới có tiền, giới quan chức. Chính sự trở về của nhiều cô gái điếm hết thời này đã làm cho bộ mặt của xứ sở vốn chân chất làm ăn, thật thà và giàu tình cảm này bị biến dạng thành một vùng đất chuyên cung cấp các loại dịch vụ tình dục. Càng về sau, miệt Tây Nam Bộ càng trở thành cái ổ của ăn chơi và trụy lạc.
Một khi có con đường, người ta sẽ nghĩ đến chiếc xe để chạy trên đường, và với trình độ hiểu biết hạn hẹp, vốn tự có chỉ là nhan sắc và cơ bắp, sẽ có hai hướng để người ta nỗ lực một cách bùng phát là đàn ông nai lưng làm thuê, đàn bà gắng sức bán mình
Cũng theo ông Trí, cho đến thời điểm hiện nay, vấn đề mở rộng các cơ hội phát triển kinh tế miền Tây Nam Bộ nghe ra đã quá trễ tràng. Bởi vì một khi mũi nhọn kinh tế là dịch vụ ăn chơi, cung cấp tình dục, thì một khi cơ hội mở ra, mũi nhọn này sẽ phát triển đầu tiên và rất có thể bùng phát trở thành cơ hội, thành chất bôi trơn cho mọi thứ mũi nhọn kinh tế, văn hóa khác.
Cũng giống như một số người bạn của mình, ông Trí cảm thấy lo ngại hai vấn đề, đó là yếu tố văn hóa sông nước và sự xuất hiện của người Trung Quốc. Ông Trí khẳng định là một khi có thêm một con đường xuyên Việt đi qua miền Tây Nam Bộ, chắc chắn đời sống của người dân sẽ mở rộng tầm mắt, không còn bị đóng hẹp trong không gian miệt vườn và đò dọc của mình nữa. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề mua một chiếc xe gắn máy của mỗi gia đình ở đây vẫn là vấn đề nan giải, đời sống kinh tế vốn làm không đủ ăn như vậy thì lấy đâu để mua xe gắn máy. Một khi có con đường, người ta sẽ nghĩ đến chiếc xe để chạy trên đường, và với trình độ hiểu biết hạn hẹp, vốn tự có chỉ là nhan sắc và cơ bắp, sẽ có hai hướng để người ta nỗ lực một cách bùng phát là đàn ông nai lưng làm thuê, đàn bà gắng sức bán mình.
Trong khi đó, người Trung Quốc vẫn đang thẳng tiến trên trục đường Hồ Chí Minh, họ đã gầy dựng không ít cơ sở kính tế, biệt khu, mật khu trên trục đường này, và họ cũng để lại không ít con rơi trên trục đường này. Không biết rồi đây chuyện gì sẽ xãy ra với người dân miệt Tây Nam Bộ khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, người Trung Quốc xuất hiện?!

No comments:

Post a Comment