Friday, August 29, 2014

Trung Quốc kéo dài phi đạo ở Hoàng Sa, trồng cây ở Trường Sa

LONDON (NV) .- Trung Quốc ngang nhiên hút cát mở rộng thêm diện tích đảo và kéo dài phi đạo ở đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa, đồng thời bắt đầu đem cây xanh tới đảo nhân tạo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, đang dần dần lộ diện.


 Hình ảnh chụp từ vệ tinh về đảo Phú Lâm đang được mở rộng từ diện tích tới chiều dài phi đạo (Hình: CNES 2014, Distribution Airbus DS/Spot Image/IHS)

Hình ảnh chụp từ vệ tinh về đảo Phú Lâm đang được mở rộng do công ty Quốc Phòng và Không Gian Airbus phổ biến cho thấy Trung Quốc đang biến đảo này thành một căn cứ lớn hơn từ diện tích tới phi trường, phục vụ nhu cầu khống chế toàn bộ Biển Đông. Hành động của Bắc Kinh cho thấy họ bất chấp những lời phản đối của các nước khác đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ.

Tin tức từ mấy tháng qua dư luận chỉ chú ý đến hành động của Trung Quốc hút cát dưới lòng biển biến một số bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm 1988 tại quần đảo Trường Sa. Nay với những hình ảnh do Airbus Defence and Space công bố, Trung Quốc còn hút cát mở rộng diện tích đảo tại cả quần đảo Hoàng Sa mà họ cướp của Việt Nam năm 1974.

Theo bản tin tuần báo quốc tế IHS Jane's Defence hôm Thứ Sáu 29/8/2014, hình ảnh vệ tinh chụp cho thấy kể từ Tháng 10-2013, Trung Quốc đã bắt đầu hút cát lòng biển để mở rộng đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng đảo). Với diện tích lớn hơn, Trung Quốc kéo dài phi đạo mà họ đã xây dựng từ thập niên 90.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã xây nhiều cơ sở, dinh thự, đường xá, nhà ở và cả nhà bưu điện, ngân hàng, nhà máy lọc nước biển, đài radar, đài viễn thông vệ tinh phục vụ hàng ngàn lính đóng trên đảo Phú Lâm. Nay với những gì đang diễn ra, người ta thấy với hai cảng biển và một phi đạo dài cho các máy bay cỡ lớn đáp xuống, 4 tòa nhà lớn để đậu máy bay, Phú Lâm rõ rệt trở thành căn cứ khống chế cả vùng Biển Đông.

Từ năm 2012, Trung Quốc đã loan báo thành lập thành phố “Tam Sa cấp huyện” trực thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cướp của Việt Nam và quần đảo Trung Sa tranh chấp với Philippines. Đảo Phú Lâm là thành phố chính và chỉ huy sở của các lực lượng Trung Quốc đồn trú.

Hình ảnh vệ tinh cũ mà tổ chức thông tin IHS dựa vào đó so sánh và đối chiếu với những hình ảnh vệ tinh mới chụp cho thấy giữa khoảng các năm từ 2005 đến 2011, Trung Quốc mới chỉ xây dựng có một cầu cảng ở phía tây đảo Phú Lâm. Nhưng từ khoảng Tháng 10-2013, đê chắn sóng ở phía nam đảo đã được phá bỏ và hoạt động hút cát lòng biển tiếp diễn.

Các khu vực được chú trọng hút cát mở rộng là ở hai đầu đảo, phía nam và đông bắc (chiều dài có phi đạo dài 2,400m) và ở phía bắc kéo dài tới một đảo nhỏ bên cạnh gọi là Thạch Đảo (nằm ở phía bắc). Theo nguồn tin, nhờ diện tích mới thêm, phi đạo được kéo dài thành 2,700m đến 2,800m. Chiều dài phi đạo này được coi là an toàn cho những loại phi cơ lớn như máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76.

“Hành động kéo dài phi đạo và cải tạo cảng biển ở phía tây đảo Phú Lâm giúp Trung Quốc tăng cường khả năng sử dụng căn cứ quân sự ở đây để khai triển sức mạnh ở Biển Đông. Vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa ở gần giữa Biển Đông cũng có nghĩa là Trung Quốc có thể sử dụng nó như một căn cứ cho các hoạt động tuần tra, từ kiểm soát và thi hành luật lệ đánh cá mà Bắc Kinh ngang nhiên đặt ra hoặc có thể cấm tàu bè qua lại khu vực khi mà Bắc Kinh muốn trong chiến lược kiểm soát trên biển”, theo sự nhận định của IHS. “Trong đoản kỳ thì chuyện này chưa xảy ra vì hải lộ qua khu vực dẫn đến  các cảng biển từ Hongkong đến Thượng Hải để phục vụ lợi ích Trung Quốc.”

Trong khi đó, theo một bản tin của báo Nhật Sankei, Trung Quốc đã chuyển tới đảo nhân tạo Chi Gua Jiao (Xích Qua Tiêu, Việt Nam gọi là đá Gạc Ma, tên quốc tế là Johnson South Reef) một số cây cọ và bắt đầu xây nhà trên bãi đá ngầm đang hiện dần thành một đảo lớn như những nghi ngờ thời gian gần đây.

Từ Tháng 5 vừa qua, Philippines lên tiếng báo động rồi báo chí quốc tế cho hay Trung Quốc đưa tàu hút cát lòng biển cùng với một số tàu chiến bảo vệ tới một số bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa để biến những nơi này thành các đảo nhân tạo. Chúng sẽ là những căn cứ quân sự cỡ lớn mà riêng đảo nhân tạo tại Gạc Ma còn có cả phi trường, cảng biển và các cơ sở phục vụ du lịch, đánh cá.

Từ những hành động ở cả Hoàng Sa và Trường Sa bất kể sự phản đối và tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và Philippines, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiến hành kế hoạch lấn chiếm của mình. Một số nhà bình luận thời sự cho rằng khi đã có các căn cứ quân sự lớn tại Trường Sa, Trung Quốc có thể tuyên bố vùng phòng không trên Biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông hồi năm ngoái. (TN)
08-29-2014 4:17:28 PM
Theo Người Việt.

No comments:

Post a Comment