Nhìn lại Trung Ðông với sự ra đời của 'Caliphat’...
Chủ Nhật, 29 Tháng Sáu, tổ chức võ trang xưng danh “Quốc gia Hồi Giáo tại Iraq và đất Levant,” (Islamic State in Iraq and the Levant, viết tắt là ISIL, hay ISIS nếu dịch là Islamic State of Iraq and Syria) thông báo bốn chuyện lồng làm một.
Thứ nhất là sự ra đời của “Quốc Gia Hồi Giáo” Islamic State; thứ hai là sự mặc nhiên kết thúc hay cải danh của “Quốc Gia Hồi Giáo tại Iraq và Syria” (ISIS hay ISIL); thứ ba là sự xuất hiện của một “Caliph” sẽ lãnh đạo “Quốc Gia Hồi Giáo” mới, là lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi của lực lượng ISIL; và thứ tư, bất cứ ai theo đạo Hồi đều phải tôn trọng vị Caliph này như người nối dõi đấng Tiên tri Mohammed của Hồi Giáo.
Qua truyền thông quốc tế, ta biết về sự ra đời của một “Caliphate,” một quốc gia hay đế quốc Hồi Giáo, dưới sự lãnh đạo của bậc siêu phàm tự xưng là kế thừa sự nghiệp của Mahommed để lãnh đạo thế giới Hồi Giáo. Hồ Sơ Người Việt xin đi sâu hơn vào chi tiết để chúng ta cùng hiểu ra ý nghĩa hay tầm quan trọng của sự kiện - và suy ngẫm về sự biến thái của khủng bố...
Hậu duệ của Mohammed: Caliphate, Sunni và Shia
Hãy tìm về nguyên thủy, về đấng Tiên tri Mohammed.
Sinh khoảng 570, Abk al-Q sim Mu-ammad ibn 'Abd All h ibn 'Abd al-Mummalib ibn H shim là nhân vật có thật trong lịch sử. Vẫn được gọi là Mohammed hay Muhammad, ông là người thống nhất các thị tộc sinh sống trong khu vực địa dư gọi là Arabia hay bán đảo Á Rập thành một cộng đồng chính trị dưới sự cai trị của Hồi Giáo, và được người theo đạo Hồi tôn là thiên sứ (sứ giả thiêng liêng) hay đấng tiên tri của Thượng Ðế Allah trong đạo Hồi.
Khi ông từ trần, vào khoảng 632, Mohammed không chỉ định ai sẽ kế tục sự nghiệp lãnh đạo. Việc đó là do cộng đồng đề cử. Cũng vì vậy mà sau Mohammed là tranh luận sớm bùng nổ về việc kế thừa. Từ đó thế giới Hồi Giáo có hai phe còn tồn tại đến ngày nay.
Một phe thì thiên về nhân vật thân tín nhất của Mohammed là Abdullah ibn Abi Quhafa, vẫn được gọi là Abu Bakr - ta nên chú ý đến tên của lãnh tụ lực lượng võ trang ISIL thời nay là Abu Bakr al-Baghdadi. Phe kia thì ủng hộ Ali ibn Abi Talibi, em họ và là con rể của Mohammed. Cả hai phe đều nêu lý do chính đáng về sự tin cậy của Mohammed dành cho lãnh tụ của mình. Về sau, phe hậu thuẫn Abu Bakr được gọi là Sunni, phe kia được gọi là Shia (tính từ thì gọi là Sunnite hay Shiite), nhưng thời ấy, cả hai phe đều chưa rõ là nên cai trị vương quốc Hồi Giáo ra sao.
Sau nhiều thế kỷ thì hệ phái Sunni có lập ra vương quốc Hồi Giáo gọi là Caliphate nhưng qua vài nguyên tắc đại lược về chính sách cai trị rồi tùy tình hình mà cải tiến. Còn hệ phái Shia phát triển ra lý luận về quyền lãnh đạo của cộng đồng Hồi Giáo, mà thiên về tín ngưỡng hơn chính trị: lãnh tụ được phong nhậm theo nghi thức tôn giáo trong ý nghĩa là được sự đồng ý và độ trì của đấng thiêng liêng.
Năm 644 (theo Tây lịch) Abu Bakr lập ra Caliphate đầu tiên nhưng từ trần sau có hai năm trị vì và người lên thay là nhân vật cũng thuộc hàng thân tín của Mohammed là Omar. Một chục năm sau, Omar bị ám sát nhưng trước đó đã lập ra một hội đồng sáu người để chỉ định người kế nhiệm. Hội đồng này chọn nhân vật tên là Uthman, là người chứng kiến những phân hóa chính trị dẫn tới việc chính Uthman cũng bị ám sát sau này. Ali ibn Abi Talibi lên thay Uthman nhưng mâu thuẫn quá lớn trong nội tình Caliphate đầu tiên dẫn tới ba cuộc nội chiến. Rồi sau cùng, Ali cũng bị ám sát...
Khi nhớ lại thì giấc mơ xây dựng định chế chính trị và tôn giáo như một Caliphate thường bị gián đoạn và có khi là ác mộng.
Caliphate lâu đời nhất được gọi là Abbasid Caliphate (do Abbas ibn Abn al-Muttalib thành lập tại Baghdad từ năm 750) tồn tại được năm thế kỷ cho đến 1258 nên được coi là thời vàng son. Thật ra, ngay trong giai đoạn này vẫn còn nhiều quốc vương hay tiểu vương giữ thế tự trị hoặc độc lập với chính quyền trung ương tại Baghdad.
Ngoài ra, cũng còn nhiều Caliphate khác, như tại Ai Cập, tại bán đảo Iberia (đất Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha hiện nay) và có khi các Caliphate này xung đột với nhau. Ðế quốc Hồi giáo Ottoman cũng có lúc lập ra Caliphate, mà chỉ tồn tại được trăm năm, từ 1876 đến 1924 là tiêu vong, cách nay 90 năm.
Kết luận ở đây là khái niệm Caliphate chỉ có giá trị tương đối. Và việc thống nhất cộng đồng Hồi giáo vào một quốc gia được cai trị bằng thần quyền, quyền lực của tôn giáo, vẫn chỉ là giấc mơ có nhiều sắt máu...
Hồ Sơ Người Việt trở lại chuyện ngày nay là sắt máu của khủng bố, nổi dậy và giết chóc.
Khủng bố của al-Qaeda và khủng bố của ISIL
Một ngày trước khi lực lượng võ trang ISIL tuyên bố thành lập Caliphate thì họ đóng đinh tám người vì tội tà đạo. Ðây là hành vi khủng bố (giết người để gây sợ hãi làm người khác thay đổi lập trường) khá tiêu biểu và phù hợp với cách gọi thông thường của báo chí quốc tế. Rằng ISIL là lực lượng khủng bố, tương tự như lực lượng al-Qaeda, tác giả của nhiều đòn khủng bố khác, mà nổi bật nhất là vụ 9-11 tại Hoa Kỳ, ngày 11 Tháng Chín năm 2001.
Thật ra, ta nên có một cái nhìn toàn cảnh thì mới thấy hết vấn đề. Và một cách dễ hiểu vì gần gũi thì hãy nhớ tới trường hợp Việt Nam.
Lực lượng cộng sản từng có hoạt động khủng bố tại miền Nam, như đặt bom hay pháo kích vào khu đông dân và giết hại thường dân vô tội, như ở tại Huế trong vụ Mậu Thân 1968. Nhưng, cùng hành vi khủng bố, họ cũng tiến hành chiến tranh du kích và phá hoại nhắm vào mục tiêu nổi dậy hay tổng nổi dậy để cướp chính quyền. Những việc ấy đều không thành, kể cả trong các đợt tổng công kích năm 1968, vì người dân trong Nam không tổng nổi dậy để lật đổ chính quyền như lãnh đạo Hà Nội đã mơ tưởng. Sau cùng, họ dùng tới hình thái trận địa chiến với các đơn vị chính quy ào ạt xâm nhập từ miền Bắc để chiến thắng bằng chiến tranh quy ước sau khi Hoa Kỳ đã triệt thoái từ năm 1973.
Trong chuỗi thời gian hai chục năm từ 1954 đến 1975, ta chứng kiến nhiều hình thái chiến tranh tại miền Nam, từ khủng bố tới du kích, phá hoại, tuyên truyền, nổi dậy rồi trận địa chiến giữa quân đội của hai nước ở hai miền. Ngày nay, ai cũng nói đến chiến thắng của miền Bắc mà ít ai nhớ tới hoạt động khủng bố của cộng sản ở trong Nam. Và nói đến “khủng bố cộng sản” thì nhiều thế hệ trẻ cũng chẳng hề biết. Dĩ nhiên là chế độ cộng sản không cho ai nhắc tới những việc hắc ám đó!
Nhìn ra khỏi Việt Nam, thế giới có biết tới hình thái đấu tranh đa diện khởi đi từ khủng bố của các tổ chức cộng sản, Mác-xít và Mao-ít (Maoist), tại nhiều địa phương khác nhau. Thường thì họ không thành công, như tại Ðông Nam Á, Trung Nam Mỹ và thậm chí cả Phi Châu. Ngoại lệ là Việt Nam, vì những lý do đặc thù khác.
Trở lại chuyện Hồi Giáo, khi một lực lượng cực đoan quá khích muốn cướp chính quyền để xây dựng một quốc gia Hồi Giáo được cai trị bằng Giáo luật hà khắc thì họ cũng khởi đầu bằng khủng bố vì còn quá yếu trong tương quan lực lượng.
Tổ chức Taliban là một lực lượng khủng bố trước khi cướp được chính quyền tại Kabul và thiết lập chế độ Hồi giáo quá khích tại Afghanistan. Mục tiêu của Taliban thu gọn vào Afghanistan. Còn lực lượng al-Qaeda do Osama bin Laden (người Saudi) lập ra cùng Ayman al-Zawahiri (người Ai Cập) cũng là tổ chức khủng bố, nhưng với mục tiêu lâu dài và sâu xa là lập ra một Caliphate. Khi còn non yếu, họ áp dụng phương pháp khủng bố, nhưng chỉ là phương tiện giai đoạn để tiến tới hình thái đấu tranh quy mô và đa diện hơn.
Thật ra việc al-Qaeda tấn công Hoa Kỳ không đơn giản là vì sự thù ghét người Mỹ, hay dân Do Thái tại Hoa Kỳ, mà chỉ để Mỹ e ngại và hết yểm trợ các chế độ Hồi Giáo khác. Khi ấy, họ sẽ tấn công để lật đổ các chính quyền Hồi Giáo này bằng du kích, nổi dậy, bằng chiến tranh phá hoại, v.v...
Hoa Kỳ lại không e ngại mà tung quân vào lật đổ chế độ Taliban tại Kabul và đánh tan đầu não của al-Qaeda tại Afghanistan. Vì mối lo là các chế độ Hồi giáo khác sẽ bị khủng bố làm suy yếu và lật đổ sau vụ 9-11, Hoa Kỳ còn ra quân đánh phủ đầu chế độ hung hãn nhất tại Iraq. Lý do là vì sợ 1) Saddam Hussein có võ khí tàn sát và 2) kết hợp với khủng bố al-Qaeda.
Về lý do thứ nhất, tình báo Hoa Kỳ và nhiều xứ khác đã lầm, kể cả cựu Tổng Thống Bill Clinton, khi ông úy lạo binh lính trước giờ xuất quân, rằng nên coi chừng võ khí hóa học của Saddam. Người ta lầm vì Saddam đã tiêu hủy loại võ khí từng được dùng để tàn sát người Kurd và dân Iraq theo hệ phái Shia.
Về lý do thứ hai thì người ta không lầm. Abu Musab al-Zarqawi (người Jordan) đã sáng lập ra tổ chức Thánh Chiến từ cả chục năm trước, là Jama'at al-Tawhid wal-Jihad, lại được al-Qaeda huấn luyện tại Afghanistan. Năm 2004, al-zarqaxi xâm nhập vào Iraq, lập ra lực lượng xưng danh “Al-Qaeda tại Iraq” (AQI) và nhắm vào việc tiêu diệt người Iraq theo hệ phái Shia và tấn công Hoa Kỳ tại Iraq và nổi tiếng với phương pháp khủng bố tự sát và bắt con tin. Rồi cải danh lực lượng AQI thành ISI, Islamic State in Iraq...
Như vậy, các tổ chức Jama'at al-Tawhid wal-Jihad, AQI hay ISI chính là tiền thân của lực lượng mệnh danh ISIL ngày nay. Y như bin Laden, al-Zarqawi mơ xây dựng một quốc gia Hồi giáo. Al-Zarqawi bị Hoa Kỳ hạ sát năm 2006 nhưng giấc mơ vẫn được nhiều người khác tiếp tục.
Những người này tiếp tục bằng phương pháp khủng bố và bắt cóc để lấy tiền mua võ khí. Khi Mỹ rút hết quân khỏi Iraq vào năm 2010, rồi nội chiến bùng nổ tại Syria từ năm 2011, họ có thêm cơ hội mới, từ khủng bố tiến tới chiến tranh nổi dậy và kết nạp thêm lính để tấn công theo hình thái chiến tranh quy ước nhằm mở rộng địa bàn hoạt động. Tức là mở mang lãnh thổ của một Caliphate Hồi Giáo mới, lần đầu tiên có hy vọng thành hình kể từ năm 1924...
Khi gọi các tổ chức hay lực lượng này là khủng bố, ta mới chỉ nhìn thấy phương tiện hay phương pháp đấu tranh cho một mục tiêu sâu xa lâu dài mà nhiều người cho là không tưởng.
Chi tiết khác nên nhớ là dù thoát thai từ al-Qaeda và theo hệ phái Sunni, lực lượng võ trang ISIL lại tàn sát nhiều người Sunni tại Iraq vì tội đã từng hợp tác với Mỹ sau khi Tổng Thống George W. dồn quân đánh tới vào năm 2007. Cũng chính là sự hiếu sát của lực lượng ISIL khiến lãnh tụ còn lại của al-Qaeda là al-Zawahiri đả kích. ISIL trở thành tổ chức còn cực đoan hơn al-Qaeda....
Kết luận ở đây là gì?
Giới chức hữu trách của Hoa Kỳ hiển nhiên là phải biết về sự hiện hữu của một phong trào và nhiều lực lượng áp dụng kỹ thuật khủng bố để nhắm vào mục tiêu lâu dài là tái thống nhất thế giới Hồi Giáo thành một cộng đồng chính trị được lãnh đạo bởi tôn giáo. Cách ứng phó của Mỹ có phần thành công, mà cũng có thất bại.
Chỉ có công chúng Mỹ thì mới ngạc nhiên chứ lãnh đạo của Hoa Kỳ không thể ngạc nhiên về những gì xảy ra tại Iraq. Họ có góp phần gây ra sự rối loạn này. Nhưng rối loạn lớn nhất lại xuất hiện từ khi chưa có nước Mỹ, xuất hiện ngay trong thế giới Hồi Giáo, do tham vọng thống nhất mọi sắc tộc và hệ phái làm một.
Dự án Caliphate lần này sẽ có trở ngại từ người Hồi Giáo tại Syria, tại Lebanon, Jordan, Iran, Turkey, từ đối sách của Hoa Kỳ và Liên Bang Nga. Phương pháp khủng bố sẽ không khắc phục nổi những trở ngại đó. Còn lại là phương pháp nổi dậy và chiến tranh quy ước...
07-02-2014 2:14:30 PM
Hùng Tâm/Người Việt
No comments:
Post a Comment