Wednesday, July 2, 2014

Mỹ cảnh báo: Trung Quốc ồ ạt tăng chiến đấu cơ

(BáoĐấtViệt) - Quân đội Trung Quốc sẽ vận hành 1.500 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 vào năm 2020.
Tạp chí quốc phòng Jane's tại London, Anh trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất các máy bay chiến đấu để phục vụ tham vọng quân sự.
Bản báo cáo được trình lên Quốc hội Mỹ ngày 5/6 đã đưa ra những thông tin mang tính báo động về lực lượng không quân Trung Quốc, trong đó cho rằng lực lượng không quân Trung Quốc "đang theo đuổi quá trình hiện đại hóa với quy mô chưa từng có trong lịch sử và sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các lực lượng không quân phương Tây trên một loạt các khía cạnh, bao gồm máy bay, khả năng chỉ huy và kiểm soát, khí tài gây nhiễu, tác chiến điện tử và kết nối dữ liệu".
Một máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc
Một máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc
Theo thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi năm 2013, Trung Quốc đã sở hữu 1.900 máy bay chiến đấu, mặc dù chỉ 600 trong số đó là các chiến đấu cơ thế hệ 4 tiên tiến.
Hầu hết các máy bay chiến đấu của không quân và hải quân Trung Quốc hiện là những chiến đấu cơ thế hệ 2 và 3 đã lỗi thời và sẽ sớm bị thay thế trong tương lai gần khi nhiều “chim sắt” thế hệ 4 bắt đầu được đưa vào sử dụng.
Trích dẫn một nguồn tin giấu tên, tạp chí quốc phòng Jane’s cho hay Trung Quốc hiện có 946 máy bay chiến đấu thế hệ 4 - nhiều hơn 300 chiếc so với nước tính của Mỹ hồi năm ngoái. Nguồn tin cho biết, con số đó sẽ tiếp tục gia tăng hàng năm và sẽ đạt 1.562 chiếc trong 6 năm tới.
Bên cạnh đó, để củng cố lực lượng không quân chiến thuật, Mỹ cho rằng Trung Quốc đang rất nỗ lực để có được Su-35 từ Nga. Trung Quốc cũng đang theo đuổi khả năng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ năm trong nước. Trong vòng 2 năm kể từ khi tiêm kích J-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011, Trung Quốc đã thử nghiệm nguyên mẫu tiêm kích thế hệ năm thứ 2, được biết đến là J-31.
Số lượng máy bay chiến đấu Su-27SK cũ cũng sẽ giảm từ 70 xuống 28 chiếc và Trung Quốc sẽ thay thế chúng bằng các máy bay chiến đấu Su-35S tiên tiến mua từ Nga. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang theo đuổi chương trình phát triển máy bay chiến đấu J-20 và J-31 thế hệ 5 trong nước.
Trung Quốc sẽ tăng số lượng máy bay chiến đấu J-11A/B - thiết kế và sản xuất bởi Tập đoàn máy bay Thẩm Dương dựa trên Su-27 của Nga, Con số này sẽ tăng lên khoảng từ 230 đến 390 chiếc trước năm 2020.
Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô của Trung Quốc cũng có khả năng sản xuất hơn 180 máy bay chiến đấu J-10 cho không quân Trung Quốc trong 6 năm (2014-2020), nâng tổng số máy bay chiến đấu J-10 lên 400 chiếc.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang dành nhiều thời gian và nguồn lực cho sản xuất máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay, và cả máy bay chiến đấu J-16.
Việc Trung Quốc ra sức tăng cường lực lượng máy bay chiến đấu là một động thái nguy hiểm, có thể kích động chạy đua vũ trang trong khu vực.
Trong vòng 20 năm qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 8 lần. Trung Quốc trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới. Thậm chí mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ rõ Trung Quốc đã lừa dối thế giới khi công bố ngân sách quốc phòng thấp hơn thực tế 20%.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc năm 2013 là 119,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm trước. Ngân sách được công bố đã không bao gồm các khoản chi tiêu quan trọng, như mua sắm máy móc thiết bị quân sự của nước ngoài.
Theo các số liệu chính thức, số tiền mà Trung Quốc bỏ ra cho quốc phòng nhiều hơn cả của Nga và Anh cộng lại, mặc dù chỉ bằng 1/4 so với mức mà nước Mỹ đang khó khăn tài chính dành cho các lực lượng vũ trang của họ.
Hiệu ứng Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự tác động lên toàn châu Á, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông, nơi giàu dầu mỏ và khí đốt ngày càng căng thẳng.
Năm 2012, năm đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các nước châu Á đã vượt qua châu Âu về chi tiêu quốc phòng. Sang năm 2013, chi tiêu ngân sách quôc phòng châu Á tiếp tục tăng 3,6% so với năm 2012, chiếm gần ¼ tổng chi tiêu ngân sách quốc phòng toàn cầu trong năm 2013, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Chính vì thế, trong bối cảnh Trung Quốc đang leo thang gây hấn với một loạt quốc gia láng giềng, động thái ồ ạt sản xuất máy bay chiến đấu của nước này cực kỳ đáng lo ngại. Nó cũng cho thấy Bắc Kinh đang muốn gia tăng sức mạnh quân sự để thực hiện tham vọng bá quyền ngày càng lớn của mình.
Thứ Năm, 03/07/2014 06:35
An Thái

No comments:

Post a Comment