(Baodatviet.vn) - Có tới 50% số chuyến bay bị dồn, hủy chuyến vì lý do thương mại; cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm.
Tính đến hết tháng 5, tỷ lệ chậm hủy trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam là 25% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 16%. Như vậy tính trung bình cứ 4 chuyến bay lại có một chuyến bị chậm hoặc hủy.
Đây là con số tổng kết 6 tháng đầu năm vừa được Cục Hàng không công bố.
Theo đó, Vietjet Air có tỷ lệ chậm hủy chuyến cao nhất với 51%, tiếp theo là Jetstar Pacific với 50%. Vietnam Airlines có tỷ lệ hoãn hủy thấp nhất, 14%. Còn tại Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO), 17% chuyến bị hủy, hoãn.
"Tình trạng này thực sự gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng dịch vụ hành khách", báo cáo của Cục Hàng không viết.
Hành khách bức xúc do phải chờ đợi và mệt mỏi khi nhận được thông tin giờ khởi hành thay đổi liên tục. |
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề chậm chuyến, trong đó, 50% xuất phát từ việc dồn, hủy chuyến vì lý do thương mại; cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm.
Dù bị chậm, hủy nhưng lại chưa xác định được thời gian khởi hành khiến hành khách bức xúc do phải chờ đợi và mệt mỏi khi nhận được thông tin giờ khởi hành thay đổi liên tục.
Còn theo báo cáo riêng tháng 5 của Vietjet Air, hãng này cho biết 50% trường hợp chậm hủy có nguyên nhân từ vấn đề cất hạ cánh, ví dụ máy bay luẩn quẩn khu vực sân bay, xếp hàng, sân đỗ... liên quan đến phục vụ mặt đất, thiết bị xe thang, xe khách, xe hành lý; thay đổi cửa ra máy bay; hệ thống check-in gặp trục trặc.
"Đây là những dịch vụ độc quyền của Cụm cảng", thông tin báo cáo của hãng viết. Ngoài ra, 40% trường hợp chậm hủy có nguyên nhân dây chuyền, chuyến trước chậm ảnh hưởng tới các lịch bay sau đó.
Hạ cánh nhầm, rơi bánh, mòn lốp... cái gì cũng có
Hàng loạt sự cố liên quan đến các hãng hàng không khiến khách hàng ngày càng nghi ngờ về chất lượng dịch vụ của loại hình giao thông này.
Mới đây vào đêm 21/6, chuyến bay từ Nội Bài (Hà Nội) đi TP.HCM mang số hiệu VN277 đã bị chậm hơn 40 phút với một lý do... đợi 1 hành khách.
Chuyến bay VN277 đúng giờ xuất phát là 21 giờ 30, gần 250 hành khách đã yên vị trên máy bay. Tuy nhiên, gần 40 phút trôi qua mà không một lời giải thích. Đến khi máy bay chuyển bánh, vào đường băng (lúc 10 giờ 15) thì phi hành đoàn mới có lời xin lỗi vì sự chậm trễ.
Nguyên nhân mà cơ phó Trần Thu Hà thông báo là vì phải chờ một hành khách có tên Nguyễn Văn Th. Ông Th là hành khách của một chuyến bay khác - VN271, từ Hà Nội đi TP.HCM, xuất phát từ 22 giờ cùng ngày. Tuy nhiên vì lý do kỹ thuật, chuyến bay VN271 đã hoãn đến 23 giờ 30. Vì ông Th là hành khách có thẻ Kim cương, nên được Vietnam Airlines đặc cách, đôn lên chuyến bay sớm hơn là VN277.
Rồi trước đó ngày 19/6, tàu bay A320 mang số đăng ký VN-A692 của VJA thực hiện chuyến bay VJ 8861, đường bay Hà Nội – Đà Lạt cất cánh lúc 17g40.
Tuy nhiên, tàu bay đã hạ cánh tại cảng hàng không Cam Ranh lúc 19g30 với toàn bộ hành khách dự kiến đi Đà Lạt. Còn chuyến bay của VJA từ Hà Nội đi Nha Trang vào chiều tối 19/6 lại xuất phát trễ giờ dự kiến.
Rồi trước đó một sự cố kỹ thuật liên quan đến lốp máy bay của chuyến bay từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đi Côn Minh (Trung Quốc) ngày 5/2 đã dẫn đến việc chậm dây chuyền chuyến bay.
Do ở sân bay Cam Ranh không có sẵn phụ tùng, hãng phải chuyển lốp từ TP HCM ra và chuyến đi Trung Quốc chậm 7 tiếng đồng hồ so với kế hoạch.
Nhiều ý kiến cho rằng cách hành xử của hàng không chưa tôn trọng khách hàng. Nói như ông Lê Trọng Sành, nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất: "Thử hỏi trên thế giới này có hãng hàng không nào mà bị rơi bánh, mòn lốp chưa, chỉ có ở Việt Nam. Bình thường nếu bị mòn lốp thì hãng bay sẽ thay ngay lốp mới hoặc điều máy bay khác để dùng thay thế, chứ không làm chậm giờ của hành khách".
Thứ Tư, 02/07/2014 16:40
Phương Nguyên
No comments:
Post a Comment