ĐĂNG BỞI 
Tiếp theo diễn biến trong bài trước Hai công ty ngoại “vơ vét” vàng của Việt Nam rồi… bỏ chạy?, vào tháng 9.2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giao Bộ tài chính xem xét xử lý theo quy định và có văn bản trả lời đối với Công ty TNHH vàng Phước Sơn và Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và báo cáo Chính phủ đề nghị hổ trợ khẩn cấp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Lách giám định
Trước đó, Công ty vàng Phước Sơn và Công ty vàng Bồng Miêu đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng vì bị truy thu tiền thuế xuất khẩu vàng nguyên liệu giai đoạn từ tháng 12.2007 đến 12.2012 với số tiền gần 250 tỉ đồng.
Công ty vàng Phước Sơn là liên doanh của Tập đoàn vàng Besra của Canada và Công ty Cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, trong đó Besra có tỉ lệ góp vốn 85%.
Quy trình cuối sản xuất vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: Trần Việt Đức 
Công ty vàng Bồng Miêu ngoài Besra và Công ty cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam còn có thêm một liên doanh nữa là Công ty Olympus Pacific Minerals cũng của Canada.
Tóm lại, hai mỏ vàng được khai thác chuyên nghiệp hợp pháp, lớn nhất tại Việt Nam đều do Tập đoàn vàng Besra nắm quyền.
Trong thời gian 5 năm từ 2007-2012 theo số liệu báo cáo nộp thuế, tại hai mỏ ở Quảng Nam Besra khai thác được gần 5 tấn vàng, nộp thuế hơn 600 tỉ đồng. Đó là tất cả những gì mà phía Việt Nam hưởng lợi trong gần 5 tấn vàng khai thác được.
Việc khai thác loại nguyên liệu hấp dẫn, có tính nhạy cảm cao như vàng luôn gây tò mò cho nhiều người nhưng những số liệu, cũng như đầu ra của sản phẩm luôn trong tình trạng mờ mờ tỏ tỏ.
Cơ quan Hải quan phát hiện trong gần 5 tấn vàng nguyên liệu Besra đã xuất khẩu không có chứng thư giám định của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) về hàm lượng vàng 99,99%.
Theo quy định, vàng nguyên liệu có hàm lượng 99,99% (dân gian gọi là vàng bốn số 9), sẽ được hưởng thuế xuất khẩu 0%.
SJC là công ty duy nhất được NHNN chỉ định cho việc giám định này nhưng Besra đã “lách” bằng một đơn vị giám định khác và khẳng định số lượng vàng mà công ty này đã xuất khẩu đạt hàm lượng vàng 99,99%.
Thanh doré không thể là vàng 99,99
Số lượng vàng khai thác được đã xuất ra khỏi Việt Nam nên việc giám định để truy thu thuế là không thể. Không cần tranh cãi, chúng ta chỉ cần rà soát lại quy trình khai thác sản xuất vàng và đưa ra thị trường vàng của các công ty khai mỏ trên thế giới sẽ phát hiện ngay sự gian dối này.
Thanh vàng doré của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu. 
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký, tại điều 3 về giải thích từ ngữ nêu rõ “vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác”.
Tại tất cả các mỏ khai khoáng trên thế giới cũng như “cường quốc vàng” Nam Phi đều khai thác và chế biến tại chỗ và cho ra những thanh vàng được gọi theo thuật ngữ là thanh doré.
Những thanh vàng doré này không thể đưa ra giao dịch được trên thị trường vàng thế giới. Thanh doré cũng không bao giờ đạt hàm lượng vàng “bốn số 9” như Besra đã ngụy biện sau việc bị truy thu thuế.
Từ thanh doré, các công ty khai mỏ đưa tới những nhà máy tinh luyện vàng để tinh luyện thành vàng “bốn số 9”, quy chuẩn thanh vàng được thị trường chấp nhận theo tiêu chuẩn London good delivery.
Đó là những thanh vàng mà chúng ta thường nhìn thấy ở các tài khoản chỉ định trong ngân hàng bị cướp trên phim ảnh của Hollywood!
Việc cơ quan hải quan đề nghị truy thu thuế gần 250 tỉ đồng đối với Besra và liên doanh là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, vụ việc Besra có dấu hiệu gian lận thuế đến nay vẫn rơi vào im lặng.
Hiện nay, trên thế giới chỉ có 38 nhà máy tinh luyện vàng được Hiệp hội hị trường vàng London (London Bullion Market Association - LBMA) công nhận để sản xuất ra những thanh vàng theo tiêu chuẩn London Good Delivery.
Tại Việt Nam, Tập đoàn vàng Besra và liên doanh của mình không xây dựng nhà máy tinh luyện, toàn bộ số lượng vàng khai thác được chế biến thành thanh doré sau đó đưa sang một nhà máy tinh luyện tại công ty Argor-Heraues SA (Thụy Sĩ).
Từ đó, vàng Bồng Miêu, Phước Sơn sẽ trở thành những thanh vàng London Good Delivery hàm lượng “bốn số 9” lấp lánh trên thị trường vàng thế giới.
Việc cơ quan hải quan đề nghị truy thu thuế gần 250 tỉ đồng đối với Besra và liên doanh là hoàn toàn hợp lý, không cần tranh cãi nhằm tránh thất thu trong ngành khai thác tài nguyên.
Tuy nhiên, vụ việc Besra có dấu hiệu gian lận thuế đến nay vẫn rơi vào im lặng.
Việt Nam là quốc gia có trữ lượng vàng nhỏ, ước tính chỉ gần 150 tấn vàng. Việc khai thác thứ kim loại hấp dẫn này với các đối tác nước ngoài cần phải được kiểm soát chặt chẽ nhiều khâu, công khai về số liệu và nghiêm cấm trường hợp các công ty khai mỏ đưa data center của mình sang một quốc gia khác như Besra đã làm.
Minh Sơn