Các nghiên cứu đã minh chứng giá trị vô hình của thương hiệu có thể giúp tăng 5% lượng khách hàng trung thành và khả năng sinh lợi từ khách hàng. Các sản phẩm có thương hiệu cũng có giá bán cao hơn các sản phẩm khác, từ đó giảm chi phí tìm kiếm khách hàng… Mặc khác, một thương hiệu vững mạnh sẽ tạo ra uy tín cho xã hội, niềm tin cho khách hàng và thu hút được nguồn nhân lực ưu tú nhất.
"Hơn 10 năm trước, hàng may mặc Việt Nam đã có những thương hiệu nội địa được đánh giá là có triển vọng, khả năng cạnh tranh tốt dựa vào tiềm lực và kỹ thuật như Legafashion, Mốt, Việt Tiến, Việt Thắng, Ninomaxx, Nhà Bè… Tuy nhiên, đến nay có thương hiệu vẫn giữ được thị trường, nhưng cũng có một số thương hiệu chỉ tồn tại cái tên" - Ông Nguyễn Trung Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị MASSO Group chia sẻ.
Có thể lấy ví dụ như trong lĩnh vực nông sản, qua khảo sát cho thấy hoạt động xây dựng chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp trong tổng số các doanh nghiệp xuất khẩu có chiến lược cụ thể và hơn 40% doanh nghiệp không có chiến lược cụ thể.
"Các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần phải gắn kết, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn hướng đến nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng và hình ảnh quốc gia. Từ lợi ích chung của việc này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có nền tảng phát triển chiến lược cho sản phẩm nói riêng và thương hiệu Việt nói chung trên thị trường nội địa cũng như quốc tế" - Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nói.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành để tăng cường thực hiện chuỗi chương trình xúc tiến, tạo ra môi trường phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu mạnh cho đơn vị sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đạt chất lượng, uy tín.
Lê Nhân
No comments:
Post a Comment