ĐĂNG BỞI  - 
Bằng chứng về sự tàn ác của các bảo mẫu đối với những đứa bé là đoạn clip được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ. Một người đàn ông tên H với chiếc điện thoại có hình ảnh lớp học của trường, cũng dấy lên nghi vấn tác giả đoạn phim…
Ngày 20.12, ba ngày sau khi vụ án hành hạ người khác được cơ quan điều tra công an quận Thủ Đức (TP.HCM) khởi tố, một số tờ báo và mạng xã hội đặt câu hỏi về việc ai đã quay đoạn phim đầy căm phẫn và quặn lòng này.
Anh H. được miêu tả là một thợ hồ, đang làm việc sát bên nhà trẻ. Ngày ngày chứng kiến cảnh trẻ em bị bạo hành bằng đánh, tát, ép ăn, nhúng nước khiến anh đau lòng. Không chịu nổi tâm can bị dày vò bởi tiếng khóc trẻ con, anh quay clip làm bằng chứng rồi tố cáo với cơ quan công an.
Hình ảnh trên một số tờ báo là chiếc điện thoại của anh H. bên hàng lỗ tấm tole do anh đục thủng để lấy góc quay. Điều này càng thuyết phục cho nghi vấn anh là tác giả đoạn phim.
Trang mạng S. viết anh H. có ba clip và đang rất lo lắng vì sợ bị trả thù. “Vì ngôi trường của bảo mẫu Phương dài tới 30 mét và đóng kín cửa, không ai thấy được tường tận cảnh bên trong. Tranh thủ những lúc không có người ở phía sau nhà, tôi chọc mấy lỗ tròn trên tấm tole để nhìn qua nhà trẻ”. Lời của anh H. được trang S. trích dẫn.
Có một clip khác do anh H. quay bằng điện thoại và clip này không được đăng tải trên Báo Tuổi Trẻ
Từ các cứ liệu trên, một số diễn đàn đặt nghi vấn về tác giả đoạn clip gây sóng gió dư luận này. Một diễn đàn về nghề báo còn bỏ ngỏ dấu hỏi sau chủ đề cho các thành viên bình luận: "Ai là Thạch Sanh?".
Trao đổi với phóng viên Motthegioi.vn, chiều ngày 20.12, nhà báo Vũ Bình, Trưởng ban Chính trị xã hội Báo Tuổi Trẻ khẳng định clip trên là do phóng viên Báo Tuổi Trẻ thực hiện.
Hai phóng viên quay clip điều tra này là Đức Phú và Hoàng Lộc.
“Anh H. là bạn đọc, đồng thời cũng là nguồn tin của Báo Tuổi Trẻ. Khi nghe anh báo tin có vụ việc “đày đọa trẻ mầm non”, Tuổi Trẻ cử ngay hai phóng viên xuống hiện trường, tìm cách tiếp cận và tác nghiệp. Trước những gì các bé phải chịu, những nhà báo của chúng tôi đã phải nén chặt nỗi đau vào lòng để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đưa sự thật ra dư luận thật nhanh.” Nhà báo Vũ Bình nói.
Trong lúc dùng các nghiệp vụ để điều tra, phóng viên quay phim và anh H. cũng dùng điện thoại của mình ghi hình. Sau đó, anh H. đưa điện thoại cho một đồng nghiệp xem. Người này không chịu được nỗi uất nghẹn vì thương trẻ con nên đã báo công an.
Đó là lý do cơ quan công an có những clip do anh H. quay. Còn Báo Tuổi Trẻ cũng có hình ảnh của riêng mình để chuyển tải đến bạn đọc.
“Báo Tuổi Trẻ luôn biết ơn bạn đọc. Trong vô số thông tin gửi về báo, đã có vô số tin bài phản ánh cuộc sống sinh động. Dù đôi khi những thông tin đày đọa trẻ em khiến người xem phải đau đớn, phẫn nộ. Trong phóng sự điều tra này, anh H., không muốn xuất hiện và Báo Tuổi Trẻ ngoài lòng tri ân của mình còn tôn trọng ý muốn cá nhân đó”… Nhà báo Vũ Bình nói.
Trước một số nhận định báo chí vô cảm khi không cung cấp clip cho công an mà mấy ngày sau mới đăng tải, nhà báo Vũ Bình cho biết phóng viên đã tác nghiệp rất nhanh rồi xác minh gấp rút. Báo cũng đã cung cấp bằng chứng cho công an để giải cứu các bé chứ không phải như đánh giá trên.
“Chúng tôi đã rất khó khăn để quay được đoạn clip các bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non. Hai phóng viên Báo Tuổi Trẻ quay phim bằng hai máy quay. Hiện nay, hai máy này đang được lưu giữ tại Báo Tuổi Trẻ và chúng tôi khẳng định chính phóng viên Tuổi Trẻ đã thực hiện clip đó, dưới sự giúp đỡ của bạn đọc H.
Tuy rất buồn vì nhiều thông tin không đúng sự thật, nhưng điều đó không quan trọng bằng niềm vui các em nhỏ đã thoát khỏi cảnh bị bạo hành. Với chức phận của những người làm báo, chúng tôi hạnh phúc vì điều đó”. Nhà báo Vũ Bình tâm sự.
Thanh Nhã
(Ảnh: Clip này do phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện)