Theo BBC-3 giờ trước
Việt Nam là quốc gia mang gánh nặng biên chế khủng khiếp nếu so sánh với một số nước khác trên thế giới.
Số liệu do chính phủ công bố hồi 2013 nói nếu tính số người đang làm việc thì lượng công chức nhà nước là khoảng 2,8 triệu người.
Tuy nhiên, con số những người chính thức hưởng lương hoặc lương hưu, trợ cấp từ ngân sách nhà nước là 7,5 triệu người, tương đương 8,3% dân số cả nước, theo kinh tế gia Phạm Chi Lan trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí điện tử VietTimes.
Chưa hết, nếu nhìn vào tổng số người hưởng lương và chế độ tương tự lương thì đó sẽ là một con số khổng lồ, 11 triệu trên tổng số khoảng 92 triệu người, tính tại thời điểm 2016, bà nói thêm.
Bà Phạm Chi Lan cũng nhắc tới số liệu của Hoa Kỳ, theo đó đông dân gấp khoảng bốn lần Việt Nam nhưng chỉ có 2,1 triệu công chức, còn Trung Quốc thì "đội ngũ công chức cũng chỉ chiếm 2,8% dân số".
Bộ máy cồng kềnh nhưng không hiệu quả là điều đã được nói đến từ nhiều năm nay.
Hồi đầu năm 2014, đề án tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ đưa ra đề cập tới việc cắt giảm dưới hình thức cho nghỉ việc hoặc hưu non khoảng 100 ngàn công chức trong thời gian từ 2014 đến 2020.
Đề án này về sau được thông qua dưới dạng một văn bản pháp quy của Chính phủ - Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế, ban hành hồi tháng 11/2014.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là phó thủ tướng, được VnExpress dẫn lời, nói có khoảng 30% trong số 2,8 triệu công chức đang đi làm, tức khoảng 840 ngàn, là những người "không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào" và do đó là không cần thiết trong bộ máy.
Cắt giảm biên chế có làm ảnh hưởng đời sống xã hội?
Tuy nhiên, mục tiêu cắt giảm chưa tới một phần tám số người 'vô dụng' này cho tới nay vẫn còn xa mới đạt được.
Đầu năm 2016, Bộ Nội vụ công bố số người đã cắt giảm được trong năm 2015 là khoảng 5.300 người, trong lúc con số đăng ký cắt giảm tiếp trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 3.800 người, đưa tổng số nhân sự giảm bớt sau một phần ba thời gian triển khai đạt hơn 9.100 người, chưa bằng 10% con số Bộ Nội vụ để xuất ban đầu.
Bà Phạm Chi Lan đề xuất giải pháp bỏ hẳn biên chế và thay nó bằng hợp đồng lao động.
Có những ý kiến quan ngại về việc cắt giảm biên chế có thể gây ra những bất ổn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của những người bị mất việc và gia đình họ.
Tuy nhiên, nếu xét theo đúng chế độ lương công chức, thì trên thực tế số tiền lương công chức khá thấp so với mức sống và thu nhập chung trong xã hội.
Mức lương căn bản, là mức được dùng làm quy chuẩn để tính lương hàng tháng cho viên chức nhà nước, kể từ 1/5/2016, là 1.210.000 đồng.
Thủ tướng Chính phủ hưởng lương có hệ số 12,5, nếu tính trên mức lương căn bản, sẽ là hơn 15 triệu đồng một tháng. Hồi 2013, mức lương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được công bố là 17 triệu đồng.
Gần đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng được báo chí dẫn lời nói mức lương kỹ sư phần mềm dưới 10 triệu ở thành phố là quá thấp.
"Người ta chỉ có thể ở nhà mình, ăn cơm nhà nấu, đi xe máy đi làm, chứ ở nhà trọ thì không đủ sống", ông Thăng được trích lời.
No comments:
Post a Comment