Friday, June 10, 2016

Tổng thống Obama “thủ cẳng” với Văn hóa chôm chĩa CHXHCNVN

Lão Trượng (Danlambao) - ...Thiên hạ đồn rằng khi thục nữ Kiều Trinh, nhân vật “khai sinh Văn Hóa Chôm Chỉa” trên hệ thống truyền hình VN của nhà nước, khi được kết nạp vào đảng CSVN, hỏi nàng thì lại ỡm ờ kiểu “thần kinh thương nhớ” như con trai quý tử của mụ Phán Đoan. Có chôm không?: Em chả. Có chỉa không: Em chả!

Than ơi! Đất nước tự hào với bốn ngàn năm Văn Hiến, văn hóa VN có từ thời Văn Lang thế mà hiện nay xã hội bị băng hoại trầm trọng. Nếu theo Mahatma Gandhi quan niệm: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân…” thì tinh hoa Văn Hóa VN đã bị bức tử vì trái tim và tâm hồn của nhân dân bị loài Quỷ Đỏ cướp mất!...

*

Theo thời gian, có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Theo Wikipedia: “Ngay từ năm 1952, hai nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã từng thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa... Tóm lại, Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra…”.

Mahatma Gandhi quan niệm: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân. Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.

Vì vai trò tổng quát và tùy thuộc vào khu vực địa lý trong sinh hoạt xã hội, tính chất lịch sử nên vấn đề định nghĩa văn hóa cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất và chưa có định nghĩa nào thể hiện đầy đủ quan niệm về văn hóa.

Theo F. Komoye: “Văn hóa của một nước là tấm gương phản chiếu sự hiểu biết, tín ngưỡng và những tập tục cổ truyền. Nói tóm lại, đó là chiếc chìa khóa mà người ta dùng để mở cái cửa của sự hiểu biết của dân tộc và các công trình của dân tộc ấy… là con đường chân chính để đưa đến tình bằng hữu và sự thông cảm giữa các quốc gia trên thế giới”. 

Ở Việt Nam hiện nay đã lạm dụng rất nhiều hai chữ văn hóa từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể. Một xã hội suy đồi mà lạm dụng văn hóa như lạm dụng khẩu hiệu! Khó phân biệt đâu là sản phẩm vật chất, đâu là sản phẩm tinh thần nên những giá trị truyền thống thể hiện bản sắc dân tộc cũng bị lệch lạc. 

*

Ngày 23 tháng 5 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thống Barack Obama phát biểu dài 30 phút tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình trước hơn 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân trẻ... Bài phát biểu của TT Obama được ca ngợi vì am hiểu văn hóa Việt Nam.

“… Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cấy ở mảnh đất này. Lịch sử được viết lên những chiếc trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn 1.000 năm. Thế giới đều biết đến lụa và những danh họa của Việt Nam. Còn Văn Miếu là bằng chứng hiếu học của người Việt Nam…”.

“… Tuy nhiên cũng có nhiều thế kỷ, các bạn bị ngoại bang chiếm đóng, vận mệnh của các bạn lại bị quyết định bởi người khác, đất nước không nằm trong tay các bạn. Nhưng cũng như những cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: "Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận ở sách trời".

“… Từ thời đại Hai Bà Trưng đến nay, người phụ nữ tự tin, mạnh mẽ luôn đóng góp rất lớn giúp đất nước Việt Nam phát triển. Điều này rất rõ và khi đi khắp thế giới, tôi thường nói rằng gia đình, cộng đồng hay đất nước sẽ thịnh vượng nếu như phụ nữ có cơ hội bình đẳng để thành công trong trường học, việc làm... Điều này đúng ở khắp nơi, cũng như ở Việt Nam”. 

“… Nhiều năm sau nữa, khi càng có nhiều người Mỹ và Việt học tập cùng nhau, làm việc cùng nhau, sát cánh với nhau giúp tăng cường nhân quyền và bảo vệ địa cầu, tôi hy vọng các bạn nhớ lại thời khắc này và lấy cảm hứng từ viễn cảnh tôi vừa vẽ ra, hay nói một cách khác, quen thuộc hơn với các bạn, được trích từ Truyện Kiều: "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.

TT Obama còn nhắc đến nhà cách mạng Phan Chu Trinh, nhân vật yêu nước với phương châm "tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp vận động cuộc duy tân với khẩu hiệu “ Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Thi ca và âm nhạc dễ đi vào lòng người, từ hai câu thơ trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Lý Tường Kiệt thể hiện tinh thần tự chủ và ý chí quật cường của bậc tiền nhân trước ngoại xâm đến lời ca của TCS và Văn Cao "Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người" như lời nhắc nhở giới lãnh đạo CS về tính nhân bản, tình người với nhau.

Kết thúc bài diễn văn: “Và tôi không thể nói hay hơn chính đại thi hào Nguyễn Du của các bạn đã nói: Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”. Đúng là ngôn ngữ của nhà ngoại giao quá khéo.

Qua những lời phát biểu của TT Obama chứng tỏ trước khi sang Việt Nam, phụ tá đặc trách về văn hóa đã đề cập tường tận nền văn hóa VN từ trước đến nay cả tốt lẫn xấu. Vì vậy…

Tối 23/5, TT Obama sau khi ăn bún chả Hưng Lưu ở phố Lê Văn Hưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và trước khi rời đi, tổng thống dành ít phút bắt tay người dân xung quanh ngưỡng mộ. Khi bắt tay những người mến mộ ngoài quán ăn, TT Obama nhanh chóng tháo chiếc nhẫn ở ngón áp út cho vào túi quần. Hình ảnh nầy đã được phổ biến rộng rãi trên internet và hệ thống truyền thông khắp năm châu.

Truyền thông trong nước ngụy biện “Ông tháo nhẫn để tránh làm đau bản thân hay người đối diện khi siết chặt tay, hoặc ông rất coi trọng mối quan hệ với bạn đời nên không muốn có sơ xuất nào”.

“Hành động đó là bình thường, không có gì là khó hiểu cả. Vì đó chỉ là một thói quen của ông Obama”.

Trong chuyến thăm Argentina hồi tháng 3/2016, TT Obama cũng tháo nhẫn cưới khi đang bắt tay nhóm thanh niên ở thủ đô Buenos Aires. Đến nay, chính chủ chưa đưa ra lý giải nào cho hành động tháo nhẫn khi bắt tay này”..

Theo Mirror, TT Obama tháo nhẫn cưới ở tay trái ra và nhét vào túi quần, dường như theo lời khuyên của nhân viên an ninh. Tuy nhiên, hành động này vấp phải sự chỉ trích của vài người dân Argentina.

Alberto de Fazio, cựu nghị sĩ nước này, đăng cảnh TT Obama tháo nhẫn lên trang Twitter cá nhân và mỉa mai: "Obama, một con người tinh tế và nhiệt tình, nhưng tôi sẽ giấu nhẫn đi đề phòng bị lấy trộm". 

Ông Obama sau đó cũng không giải thích nguyên nhân tháo nhẫn cưới trước khi bắt tay. Khi TT Obama công du nước ngoài, trước khi tiếp xúc bắt tay đã tháo nhẫn chỉ có ở Argentina và Việt Nam thế mà cho rằng thói quen và chuyện bình thường.

Về vấn đề bảo vệ an tinh tối đa giữa mật vụ Hoa Kỳ và Việt Nam, thành phần “dân chúng” không phải là người dân bình thường mà thuộc thành phần tuyển chọn, lý lịch an ninh đảng viên nồng cốt, cán bộ cốt cán giả dạng thường dân…

Biết đâu “trong đám xuân xanh ấy” có kiều nữ Trưởng phòng Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch của Ban Thời Sự Truyền Hình Việt Nam VTV: Kiều Trinh.

Bùi Kiều Trinh, con gái ông Vũ Văn Hiến, Ủy Viên Trung Ương Đảng, Tổng Giám Đốc Đài Truyền Hình Việt Nam.

Năm 2001, Kiều Trinh, phóng viên Văn Hóa VTV được cử sang Thụy Điển chuyến đi tu nghiệp 3 tuần. Ngay tuần đầu, ngày 11-2-2001, cô đã bị cảnh sát thành phố Kalmar bắt vì tội ăn cắp hàng trong siêu thị. Lúc đầu cô nàng chối bai bải, nhưng khi mở băng ghi hình thì phải cúi đầu nhận tội. Cô nàng đã ăn cắp ở Orebro, Kaimar số mỹ phẩm trị giá 400 đô la. Số tiền đó không lớn, nhưng ở Thụy Điển người ta trị ăn cắp, tham nhũng rất nghiêm, nên theo luật Kiều Trinh phải ngồi tù. Ngày 18-2-2001, Kiều Trinh bị trục xuất về nước. Đón cô ở sân bay, diễn viên điện ảnh Trần Lực đã tặng một cái tát, chấm dứt quan hệ vợ chồng từ đó.

Theo VietCatholic News, “Nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau, phong tục tập quán mỗi nơi một vẻ rất phong phú, đa dạng, nhưng tuyệt nhiên không hề có nền văn hóa và phong tục tập quán ăn cắp. Ăn cắp, ăn trộm, ở đâu cũng ghét, cũng khinh. Dù đói ăn vụng, túng làm liều mọi người vẫn chê cười chứ đừng nói tiểu thư con quan như Kiều Trinh. Vậy mà cô nàng không biết ngượng cứ xuất hiện trên TV nói văn hóa, đạo đức? Phải chăng quý vị muốn truyền bá cho dân thứ văn hóa ăn cắp và nghệ thuật chạy tội?”

Năm 2006, Kiều Trinh được sang nước Anh công tác. Bệnh tâm thần lại tái phát và cô nàng đã thó chiếc máy ảnh kỹ thuật số trong shop. Một lần nữa ông Vũ Văn Hiến lại phải cứu con gái bằng việc nhờ Đại sứ quán VN tại Anh can thiệp và tờ giấy của bác sĩ chứng nhận bệnh tâm thần lại đưa ra sử dụng!

Với thành tích lẫy lừng chôm chĩa, năm 2009, Kiều Trinh được kết nạp đảng và được đề bạt làm Trưởng Phòng Văn Hóa Dân Tộc, Ban Thời Sự. Cô đảng viên trung kiên nầy hàng tuần xuất hiện trên VTV với chủ đề Văn Hóa!

Ông bà ta nói “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng ngày nay ở VN, kẻ đạo tặc khi ra hải ngoại không phải là kẻ bần cùng mà là con ông cháu cha như phi công, tiếp viên hành không, cán bộ tu nghiệp… Tệ nạn ăn cắp của bọn nầy được giới truyền thông Nhật phanh phui nhiều nhất trong những năm qua.

Trở lại chuyện TT Obama tháo nhẫn, tất cả sự kiện nào quan trọng đều có sự hiện diện của Trưởng phòng Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch của Ban Thời Sự Truyền Hình Việt Nam VTV: Kiều Trinh. Là người am hiểu văn hóa của dân tộc từ xa xưa đến nay thì không thể nào “lơ đảng” văn hóa chôm chỉa?

Theo bản tin: Mỹ từng cảnh báo nạn cướp giật ở Sài Gòn, cho biết:

“...Nạn cướp giật ở Sài Gòn đã được nêu trong báo cáo hằng năm của Hội Đồng Tư Vấn An Ninh Nước Ngoài (OSAC) thuộc Cục An Ninh Ngoại Giao Mỹ với nhiều quan ngại.

Trong báo cáo, OSAC khẳng định cướp giật và móc túi là tình trạng phổ biến ở các địa điểm có nhiều người nước ngoài lui tới tại Sài Gòn, đặc biệt là trước cửa các khách sạn lớn, các điểm du lịch và công viên. Tình trạng này đang ngày càng trầm trọng ở Sài Gòn…

OSAC cho biết trong vài năm qua, đã có vô số công dân Mỹ khiếu nại việc bị cướp giật và móc túi ở Sài Gòn.

Những cảnh báo về nạn cướp giật ở Sài Gòn không phải là điều mới mẻ. Ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám Đốc Sở Du Lịch Sài Gòn, cho biết năm 2015, Sở nhận được công hàm từ đại diện các nước Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản…

Cướp giật ở Sài Gòn: Đầy rẫy cảnh báo: Hãy cẩn thận, coi chừng những kẻ cướp giật ở Sài Gòn, Sài Gòn không an toàn… Những cảnh báo như vậy xuất hiện đầy dẫy trên các trang web du lịch quốc tế.

Trên Tripadvisor.com - trang web du lịch nổi tiếng của Mỹ: Đây là lời cảnh báo đối với mọi du khách, đặc biệt là phụ nữ khi đến Sài Gòn. Tôi ước gì mình được đọc những cảnh báo như vậy trước khi đến đó. Mọi phụ nữ đừng cầm ví hay đồ quý giá trên tay khi đi trên đường phố Sài Gòn…

Du khách Shashikala kể đã đến Sài Gòn từ 2015 và bị móc túi. “Tôi rời Sài Gòn trong sự buồn bực. Tôi cảm thấy mình bị lừa. Tôi mất sạch thẻ tín dụng, một số tiền mặt lớn và cả chiếc ví hàng hiệu quý giá. Bọn trộm ở đó quá chuyên nghiệp và có kỹ năng cao thủ. Khi ở Sài Gòn, đừng mang theo nhiều tiền mặt hay thẻ tín dụng và hộ chiếu.”

Những câu chuyện tương tự xuất hiện rất nhiều trên các trang web khác, ví dụ như Virtualtourist.com hay Reddit. Trên Virtualtourist.com, tháng 1/2016 du khách LeeL than thở khi đang đi gần nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn thì bị giật điện thoại iPhone 6 Plus. Người này khuyên mọi du khách “luôn giữ chặt ví, giỏ xách” bởi nguy cơ bị giật rất lớn. Chủ đề này nhận được hàng chục phản hồi, tất cả đều kể lại những trải nghiệm đáng buồn tại Sài Gòn. Trên trang Southeast Asia Wanders, du khách Stephanie kể trước khi đến Việt Nam cô đã nghe nhiều điều tiếng về nạn cướp giật ở Sài Gòn, do đó luôn cực kỳ cẩn trọng. Dù đề phòng tối đa, cô vẫn bị giật giỏ xách một lần khi đi xe máy cùng bạn trai ở quận 4 một buổi tối trời mưa. “Tất cả mọi người đều chỉ đứng nhìn. Không ai động tay chân để ngăn chặn kẻ cướp. Tôi không hiểu nổi. Dường như ở đây người ta không quan tâm. Công an cũng không giúp đỡ gì”.

Trên Reddit, du khách liệt kê những tư vấn cần thiết khi đến Sài Gòn: Tránh đeo giỏ xách một bên. Kể cả khi bạn đeo giỏ xách chéo vai thì bọn cướp có thể táo tợn dùng dao cắt dây giỏ. Kể cả những đứa trẻ nhỏ cũng có thể là những kẻ móc túi. Chợ Bến Thành là điểm nóng móc túi. Đừng ngồi xích lô và để túi trên đùi, rất dễ bị giật. Điện thoại, máy ảnh là những mục tiêu phổ biến nhất. Và khi bị giật đồ rồi thì đừng cố đuổi theo bọn cướp...

Cô Ayngelina Brogan, quốc tịch Canada, chia sẻ trên trang Bacon is Magic: Một giờ sau khi đặt chân tới Sài Gòn, tôi cùng bạn rời khỏi khách sạn và đi dạo phố. Một chiếc xe tay ga lạng lách lên vỉa hè sát chúng tôi. Người ngồi trên xe bất ngờ dùng dao cắt dây túi xách của tôi rồi lao đi. Tôi đứng sững vì quá sốc.

Countryreport.org khuyến cáo du khách nước ngoài khi bị cướp giật ở Sài Gòn thì chớ dại kháng cự hoặc truy đuổi tội phạm, bởi có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trên các trang mạng, rất nhiều du khách mô tả Sài Gòn là một thành phố đầy dẫy nạn cướp giật, mất nhiều tiền bạc, thẻ tín dụng và hộ chiếu. Những người chưa đến Việt Nam bày tỏ sự lo ngại vì không biết tệ nạn nầy xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào…”.

Than ôi! Sài Gòn một thời tự hào “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Sài Gòn thay tên TP. HCM xấu hổ tệ nạn cướp giật!

Hà Nội một thời hãnh diện với cố đô “Ngàn Năm Văn Vật” nay trở thành thủ đô tội phạm “Ngàn Nơi Chôm Chỉa”, trộm cướp lộng hành trên tất cả phố phường.

Đài VOA đăng bài viết của Cao Huy Thuần, Thứ Sáu, ngày 6 tháng 3/2016 cho biết:

“Hôm rồi tôi ghé về thăm Hà Nội, đi dạo trên những con phố nửa quen thuộc, nửa xa lạ. Hà Nội vẫn cổ kính, vẫn thơ mộng, quyến rũ, nhưng cũng khiến người ta đôi lúc hụt hẫng đến đau lòng.

Tôi đặt chân đến Hà Nội, hình ảnh Hà Nội trong các bài hát đẹp như thơ, cảm xúc đến nao lòng cứ hiện về trong tâm trí. Từ hàng cây, quán cóc, con đường, ngỏ vắng, và cả những cụ già móm mém yêu thương. Từ những hàng quán mộc mạc, chân chất đến những con người bình dân, hiếu khách, hết mình. Đó là một Hà Nội mà ngày xưa tôi đọc vanh vách trong sách vở, và cảm nhận được qua tâm trí của một gã trai đất “thủ đô ngàn năm văn vật”, ngàn năm vững chãi trước không ít gió sương.

Thế nhưng bỗng chốc giật mình về những gì hiện ra trước mắt, một Hà Nội khiến tôi lắm khi thấy sợ hãi đến ám ảnh trong cả những cơn mơ. Một Hà Nội đã mất đi những hàng cây trăm tuổi, thay bằng những hàng cây xác xơ, èo uột và ốm yếu. Một Hà Nội đã mất đi màu xanh mát mắt, mát lòng, thay bằng khói bụi và những ngày nắng chói chang khiến người ta chỉ cảm thấy sự khó chịu và bực bội…

… Các tuyến phố Hà Nội, có lẽ không đâu bằng, gắn chi chít các bảng khẩu hiệu. Nào là xây dựng thành phố văn minh, tuyến đường văn minh, tuyến đường an toàn giao thông, tuyến đường văn hóa... Câu nào nghe cũng hào hứng, hùng hồn, nhưng những gì diễn ra thực tại lại khiến người ta thấy sợ hơn là thấy thích. Một Hà Nội văn mình, cổ kính nay trở thành một Hà Nội với quá nhiều tiêu cực: từ quản lý đô thị, thị trường, hàng quán, nếp sống sinh hoạt, và cả những hình ảnh cùng thói quen tiểu nông…”

Báo chí và các trang web trong nước phổ biến hằng ngày nạn cướp giật xảy ra ở Hà Nội vì ngoài vật dụng, tài sản bị mất còn nguy hiểm đến tính mạng. Dân trộm cắp tứ xứ đổ xô về thủ đô “hoạt động”, lộng hành khắp mọi nơi.

Với tệ nạn cướp giật nầy, ai có thân nhân ở VN, trước khi về nước cũng được cảnh báo đề phòng nạn cướp giật từ khi bước chân đến phi trường quốc tế. Văn Hóa Chôm Chỉa tràn lan khắp nước, từ thủ đô, thành phố đến xóm làng.

TT Obama là người thức thời “thà mất lòng trước được lòng nhau” nên phải tháo chiếc nhẫn “thủ cẳng” cho chắc ăn.

Nếu TT Obama sang Nhật, khi tiếp xúc với dân chúng thì sẽ không có hành động nầy. Được biết, chiếc nhẫn này được TT Obama đặt làm từ vàng Indonesia, nơi ông đã sinh sống trong khoảng thời gian từ 6-10 tuổi. Về vật chất thì chiếc nhẫn nầy chẳng là bao nhưng về tinh thần thì đó là món quà kỷ niệm vô giá nên trước khi bắt tay với thành phần “dân chúng nồng cốt như Kiều Trinh” nên TT Obama phải “thủ cẳng” kỷ vật để đời.

Tại sao phải hỏi TT Obama “vì sao tháo nhẫn”. Là người tế nhị, có lẽ ông sẽ bắt chước cụ cố Hồng trong tác phẩm Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng “Biết rồi! khổ lắm” hỏi mãi!?

Thiên hạ đồn rằng khi thục nữ Kiều Trinh, nhân vật “khai sinh Văn Hóa Chôm Chỉa” trên hệ thống truyền hình VN của nhà nước, khi được kết nạp vào đảng CSVN, khi hỏi nàng thì lại ỡm ờ kiểu “thần kinh thương nhớ” như con trai quý tử của mụ Phán Đoan. Có chôm không?: Em chả. Có chỉa không: Em chả!

Than ơi! Đất nước tự hào với bốn ngàn năm Văn Hiến, văn hóa VN có từ thời Văn Lang thế mà hiện nay xã hội bị băng hoại trầm trọng. Nếu theo Mahatma Gandhi quan niệm: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân…” thì tinh hoa Văn Hóa VN đã bị bức tử vì trái tim và tâm hồn của nhân dân bị loài Quỷ Đỏ cướp mất!

Oan ơi ông Địa!

10.06.2016

No comments:

Post a Comment