Friday, June 10, 2016

TPHCM: Nâng đường thành đê chống ngập - cuộc đua không hồi kết

LĐ -  HUYỀN TRÂN - ĐĂNG HẢI  7:56 AM, 11/06/2016
TPHCM ngày càng ngập nặng do mưa và triều cường. Ảnh: M.Quân
Dư luận nóng lên với câu chuyện đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) đang xây dựng có thiết kế nền đường cao hơn cả mét so với nhà dân, nhằm chống ngập. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp cá biệt ở TPHCM. Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc chống ngập bằng cách nâng đường như vậy vừa tốn kém nhưng vẫn không chống được ngập.
“Dở dở ương ương” và lãng phí
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước và nâng đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến vòng xoay Mũi Tàu, quận Bình Tân) dài hơn 3,5km, rộng 48m. Tổng vốn đầu tư khoảng 730 tỉ đồng. Theo thiết kế được Sở GTVT phê duyệt, cao độ tim đường +2m, mép đường +1,7m. Theo giải thích của Sở GTVT, vì khu vực hiện hữu có cao độ khá thấp (phần lớn dưới +1m), trong khi mực nước đỉnh triều hiện nay đạt +1,68m, do vậy phải thiết kế cao độ tim đường cao + 2m để chống ngập. Với thiết kế được phê duyệt này, sau khi hoàn thành sẽ khiến nhà dân thấp hơn vỉa hè từ 0,6-1m. 
Hiện dự án đã thi công hoàn thành hệ thống cống, công trình ngầm và đang trong giai đoạn thi công nâng nền đường, vỉa hè. Sau chuyến thị sát và chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ngày 8.6, dự án đã tạm dừng thi công. Thành phố giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (viết tắt Trung tâm chống ngập) phối hợp với các đơn vị liên quan, tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè, đồng thời kết hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực.
Được biết, đơn vị tư vấn thiết kế cũng đưa ra các phương án dự kiến giảm cao độ thiết kế tuyến đường Kinh Dương Vương khoảng 10-25cm so với thiết kế được duyệt. Với các phương án giảm này sẽ hạn chế được thiệt hại cho người dân (người dân không phải nâng nhà quá cao so thiết kế ban đầu). Tuy vậy, với phương án giảm cao độ, thì tuyến đường này sẽ nguy cơ tái ngập khi đỉnh triều đạt từ + 1,68m trở lên. Ngày 10.6, ông Nguyễn Ngọc Công - GĐ Trung tâm chống ngập - cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với đơn vị tư vấn, Sở GTVT để tìm giải pháp giảm cao độ tuyến đường. Dự kiến tuần sau mới có kết quả cụ thể giảm cao độ tuyến đường Kinh Dương Vương là bao nhiêu”.
Như vậy dự án đường Kinh Dương Vương hiện nay đang rơi vào tình trạng “dở dở ương ương”. Bởi nếu vẫn giữ cao độ thiết kế ban đầu (tim đường +2m, mép đường +1,7m), thì hàng trăm hộ dân sẽ biến thành hầm hoặc tốn kém chi phí khi nâng nhà từ 0,6-1m cho bằng vỉa hè. Trong khi đó, nếu giảm cao độ tuyến đường xuống thì đồng nghĩa với hàng loạt hạng mục đã thi công (các bức tường gạch xây cao cả mét sát nhà dân) phải đập bỏ một phần để làm lại, gây lãng phí. Và sự lãng phí này ai chịu vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Mặt khác, khi giảm cao độ thì phát sinh thêm việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực. Đây là hệ quả của việc triển khai dự án thiếu đồng bộ, và nói như Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: “Giải pháp chống ngập nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ các giải pháp. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án”.
Cần đẩy nhanh xây dựng hệ thống hồ điều tiết
Theo Phó Giáo sư - tiến sĩ Hồ Long Phi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TPHCM, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp sẽ làm cho diễn biến mưa, triều cường có xu hướng tăng dần lên từng năm, chứ không dừng ở mức như vừa qua. Do vậy giải pháp công trình đôn đường lên cao để chống ngập là không khả thi, không thể cứ ngập đến đâu là làm đường cao đến đó - cuộc đua này không có hồi kết.
Còn tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho rằng, không ai làm đường chống ngập theo quy tắc “bình thông nhau”. Chẳng hạn như đường Kinh Dương Vương khi thiết kế lấy mực nước triều cơ sở + 1,68m (từ trạm Phú An ở sông Sài Gòn) - cách trục đường Kinh Dương Vương hàng chục kilômét - để làm cơ sở thiết kế tuyến đường này có cao độ mép đường đến + 1,7m là vô lý. “Nếu dựa vào mức đỉnh triều để làm cơ sở thiết kế cao độ như làm đường Kinh Dương Vương, thì cả 60% diện tích của thành phố hiện nay đều phải nâng cao lên cả mét để chống ngập do triều cường? Vì thực tế, 60% số diện tích thành phố có cao độ tự nhiên thấp hơn mực nước triều + 1,50m”. Theo TS Phạm Sanh, việc chống ngập do triều cường phải được kiểm soát từ xa - tức ngăn chặn nước từ các nhánh sông xâm nhập nội ô bằng các giải pháp hệ thống bơm, van ngăn triều.
Thay vì nâng đường cao vừa tốn kém, vừa đi vào ngõ cụt trong việc chống ngập và gây thiệt hại về mặt xã hội (do dân phải nâng nhà khi đường nâng cao), thì tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH&NV TPHCM), đề xuất TPHCM cần xác định những vùng ngập, rồi gom nước về các hồ chứa nước. Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Tokyo - Nhật Bản làm rất tốt hệ thống chứa và thoát nước siêu khủng dưới lòng đất, nhờ đó mà giải quyết dứt điểm tình trạng ngập. Tuy TPHCM khó có thể làm được hệ thống chứa và thoát nước siêu khủng như Nhật Bản, song hoàn toàn có thể làm những hồ điều tiết nhỏ ở các khu vực. 
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng, thành phố cần phải đẩy nhanh việc khơi thông hệ thống kênh rạch và gấp rút xây dựng các hồ điều tiết trên địa bàn TPHCM, thay vì tập trung nâng đường. Được biết, hiện thành phố đã xác định được khoảng 100 vị trí xây dựng hồ điều tiết, trong đó dự kiến làm trước 3 hồ (Gò Dưa -quận Thủ Đức, Bàu Cát - quận Tân Bình, Khánh Hội - quận 4). Tuy vậy, đến nay tiến độ bắt tay để triển khai xây dựng các hồ này quá chậm.

No comments:

Post a Comment