Friday, June 10, 2016

Hoa Kỳ không lập căn cứ quân sự tại Cam Ranh

WASHINGTON (NV) - Hoa Kỳ không tìm cách đặt căn cứ quân sự tại cảng nướcc sâu Cam Ranh của Việt Nam, theo lời Đại Sứ Ted Osius nói trong một buổi hội thoại ở Washington DC.

 Ông Leon Panetta khi còn là bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến cảng Cam Ranh năm 2012. (Hình: Jim Watson-Pool/Getty Images)

Khi tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam hồi tháng trước và loan báo gỡ bỏ toàn diện lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, đã có những lời đồn đoán rằng Hà Nội có thể có những bước thỏa hiệp mới mà hai bên sẽ tiến đến khi mối quan hệ chính trị quân sự thêm chặt chẽ.

Người ta phân tích, bình luận về chuyện Việt Nam sẽ đề nghị Mỹ cung cấp cho nhiều loại võ khí và trang bị an ninh quốc phòng từ tàu tuần tra, máy bay săn tàu ngầm, radar tầm xa, máy bay không người lái, chiến đấu cơ, đến các loại phụ tùng để thay thế cho các máy bay trực thăng, chiến xa, đại bác do Hoa Kỳ sản xuất bị bỏ lại sau chiến tranh chấm dứt năm 1975.

Đồng thời Hoa Kỳ cũng muốn tăng thêm các chuyến thăm viếng nhiều hơn của các chiến hạm trên đường di chuyển qua Biển Đông, đặc biệt đến cảng Cam Ranh, một cảng nước sâu được mô tả là tốt nhất khu vực.

Hiện Việt Nam đã phân chia Cam Ranh ra làm hai khu vực. Một khu vực dành riêng làm căn cứ cho các chiến hạm và tàu ngầm của Việt Nam không cho chiến hạm ngoại quốc đến gần. Một khu vực được xây dựng thành cảng quốc tế, đón tiếp các tàu chiến ngoại quốc đến thăm viếng và có thể sửa chữa hay bảo trì.

Hoa Kỳ từng đổ tiền xây dựng cảng Cam Ranh thành một trung tâm chỉ huy gồm cả cảng biển và phi trường khi tham dự cuộc chiến chống Cộng Sản xâm lăng. Một số dư luận đồn đoán rằng Mỹ muốn tìm cách hiện diện trở lại tại khu vực hiện bị coi là cấm đối với chiến hạm ngoại quốc.

Phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn hôm Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016, Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng những đốn đoán đó “không có căn bản thực tế.”

“Sự trông đợi là số không về việc chúng ta tiếp cận khu vực quân cảng bị giới hạn. Sự trông đợi là số không về chuyện chúng ta sử dụng (quân cảng bị giới hạn) vào việc luân chuyển công tác (của tàu chiến) hoặc là có một căn cứ tại Cam Ranh,” ông Osius nói.

Tuy nhiên ông nhìn nhận các chiến hạm Hoa Kỳ cũng sẽ đến khu vực cảng quốc tế tiếp đón chiến hạm ngoại quốc của Cam Ranh thăm viếng hay sửa chữa, tiếu liệu và bảo trì.

Hồi năm 2012, khi đến Cam Ranh sau khi tham dự diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ thời đó là ông Leon Panetta từng tuyên bố rằng sự tiếp cận cảng Cam Ranh của các chiến hạm Hoa Kỳ sẽ là một trong những “thành phần cốt yếu” của mối quan hệ Việt -Mỹ.

Nhưng ông Osius cho rằng thời điểm sẽ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố gồm cả điều kiện của các cuộc thăm viếng, phí tổn cũng như những dịch vụ sẽ được cung cấp như thế nào, những gì.

Khi được hỏi rằng Việt Nam muốn mua những gì sau khi lệnh cấm vận bán võ khí sát thương đã được gỡ bỏ toàn diện, ông Osius cho hay những thứ đầu tiên mà Hà Nội muốn là các trang bị liên quan đến an ninh biển.
Những thứ nằm đầu danh sách gồm có cả máy bay tuần tra biển săn ngầm P-3 Orion và các trang bị cải thiện khả năng tình báo hàng hải, cảnh báo và trinh sát như radar, máy bay không người lái. Hiện người ta không biết những thứ đó sẽ được bán như thế nào. Hoặc bán giá thương mại thị trường hay là chuyển giao với giá thân hữu được Hoa Thịnh Đốn giảm bớt hoặc tặng không tùy từng trường hợp.

Theo Đại Sứ Osius cho biết hiện Việt Nam đã trao cho Hoa Kỳ “hai lá thư yêu cầu những món họ chú trọng và có thể sẽ có những thư yêu cầu khác kế tiếp.” Dù vậy, theo ông, việc đàm phán và chuyển giao sẽ tiến hành chậm chạp một phần vì Việt Nam cần hiểu thủ tục mua sắm chuyển giao trang bị quốc phòng của Hoa Kỳ. (TN)

10-06-2016 5:27:36 PM 

No comments:

Post a Comment