Eric Barton
Theo BBC-9 giờ trước
Ở giải đua thuyền America's Cup World Series tại Oman vào tháng Hai 2016, Sir Ben Ainslie đã có một quyết định khó khăn.
Ainslie - vận động viên đua thuyền buồm Olympic thành công nhất trong lịch sử - người đã thắng 5 huy chương - là đội trưởng đội đua thuyền buồm Land Rover BAR. Ông đã từng nhiều lần có những chiến thắng lật ngược tình thế ngoạn mục.
Trong ngày cuối cùng của cuộc đua tại Oman hồi tháng Hai, gió khá nhẹ.
Thế nhưng Ainslie đã đánh giá sai về gió và đã rẽ thuyền quá nhanh - lần phạm lỗi đầu tiên, ông rẽ quá đà mất 12cm, và lần thứ hai, 10cm. Hậu quả là ông đành phải chứng kiến những thuyền khác vượt qua mình.
Tuy nhiên trong lượt đua thứ ba, thế trận thay đổi. Lúc trời gần như đứng gió, Ainslie đã vượt lên từ vị trí thứ ba lên dẫn đầu, và kết quả này đủ để giúp cả đội giành thắng lợi chung cuộc.
Giờ đây, khi nhìn lại, Ainslie nói có một lý do chính khiến đội ông chiến thắng.
Với tư cách là thuyền trưởng, Ainslie đã nhanh chóng nhận trách nhiệm đối với hai sai lầm đầu tiên, và điều này giúp đội của ông tiếp tục thi đấu mà không cảm thấy mình có lỗi.
"Tôi có thể đã phải bắt gặp những cặp mắt khó chịu từ đồng đội mình. Nhưng các đồng đội của tôi là những người hiểu rằng việc phạm sai lầm là có thể chấp nhận được," Ainslie nói.
"Các đồng đội tôi hiểu rằng nếu bạn nỗ lực và thất bại, thì điều đó không nhất thiết có nghĩa là mọi chuyện đã chấm hết."
Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho tất cả các lãnh đạo.
Việc thừa nhận rằng bạn phạm sai lầm, chấp nhận sự ra đi của chính mình hay nhận lỗi cho sự thất bại của công ty không phải là điều dễ làm.
Tuy nhiên, việc đối diện với chính mình và học hỏi từ kinh nghiệm của bản thân là nền tảng làm nên một quản lý giỏi.
Chấp nhận lỗi lầm
Bản năng của con người là giành lấy công khi mọi việc diễn biến tốt đẹp và xoay sang đổ lỗi cho những thiếu sót, Oliver Donoghue, giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập công ty tuyển dụng Nonstop Recruitment Schweiz AG tại Prague, nói.
Tại nhiều công ty, điều này khiến tất cả mọi người có thói quen không muốn nhận trách nhiệm vì sợ bị trừng phạt.
"Bạn cần hiểu rằng những lỗi lầm không làm nên con người bạn, mà là cách bạn đối diện với chúng," Donoghue.
Hầu như tất cả các đội đều gặp vấn đề khi cần có người nhận trách nhiệm cho những sai sót, Jan Hagen, phó giáo sư tại trường ESMT chuyên về kinh doanh ở Berlin, nói.
Hagen đã nghiên cứu phản ứng của nhiều người - từ dân văn phòng cho tới phi hành đoàn - những người làm việc trong môi trường căng thẳng.
Trong buồng lái, ông nhận ra rằng các tiếp viên hàng không sẽ không báo cáo các vấn đề cho cơ trưởng vì ngại.
Trong thế giới kinh doanh, các quản lý cấp trung thường giấu những sai sót vì sợ rằng phải chịu trách nhiệm nếu báo cáo lên trên, Hagen cho biết.
"Việc thừa nhận sai sót không phải dễ, ngay cả trong một tổ chức lớn," ông nói.
Vấn đề với việc phủ nhận sai sót của bản thân, đó là bạn mất cơ hội rút kinh nghiệm từ sai lầm, Hagen nói. Thay vào đó, nếu thừa nhận sai lầm và phân tích nguyên nhân, bạn sẽ tránh phạm phải nó một lần nữa.
"Khi mọi chuyện diễn biến tốt đẹp, chúng ta nói về nó và học tập từ nó," ông Hagen nói.
"Khi có tâm lý sợ sai sót trong một bộ máy, con người ta bỏ lỡ khả năng xem xét xem sai lầm đã xảy ra thế nào và làm sao để tránh nó trong tương lai."
Các quản lý cần học cách chịu trách nhiệm, David Rodnitzky, CEO của 3Q Digital, một công ty truyền thông ở California, nói.
Khi thừa nhận một vấn đề, hãy phân tích xem nó đã xảy ra thế nào, bạn đã rút được những kinh nghiệm gì, và làm sao để tránh lặp lại.
Cách phân tích này sẽ giúp bạn tránh cơn thịnh nộ của cấp trên hoặc của các cổ đông. Bên cạnh đó, thừa nhận sai sót cũng sẽ giúp củng cố hình ảnh của bạn trong con mắt cấp dưới, Rodnitzky nói.
Việc thừa nhận thiếu sót về mình thay vì đổ lỗi cho nhân viên sẽ giúp gầy dựng sự trung thành.
Các quản lý giỏi cũng hiểu rằng việc nhận trách nhiệm không có nghĩa là gồm cả việc bạn giành hết thành tích về phía mình, Rodnitzky nói.
Khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, hãy ghi nhận sự đóng góp của những người khác. "Các nhà quản lý nên tuân theo một quy tắc lâu đời: Thừa nhận trách nhiệm và chia sẻ công trạng," Rodnitzky nói.
'Hạ thấp cái tôi'
Cristina Mariani-May gần đây đã trải nghiệm sự khó khăn khi phải nhận trách nhiệm về chính mình.
Công ty rượu do gia đình bà điều hành, Banfi Wines, đóng tại New York, đã xuất khẩu rượu Ý ra toàn cầu từ năm 1919. Kể từ năm 1978, công ty cũng sở hữu một vườn nho ở Tuscany.
Cha của bà, John Mariani, là người đã nghĩ ra ý tưởng mở một khách sạn trên mảnh đất thuộc sở hữu của gia đình ở Ý.
Trong một cuộc họp tại văn phòng ở Montalcino, ông đã đề nghị khách sạn được vận hành bởi chính công ty.
Mariani-May cho rằng họ cần sự cố vấn của một chuyên gia. Cuộc tranh luận trở nên gay gắt và không ai chịu nhường ai.
Mariani-May chấp nhận nghiên cứu cả hai phương án. Hai năm sau đó, sau khi đã hội ý với nhiều công ty làm rượu khác, bà phải thừa nhận với cha mình rằng ông đã đúng.
"Tôi phải hạ thấp sự kiêu hãnh của bản thân và thừa nhận mình sai," Mariani-May nói.
"Điều đó không dễ, nhưng sau khi tôi thừa nhận là tôi sai, chúng tôi đã có thể tiếp tục với công việc."
Năm năm trước, công ty đã khai trương Castello Banfi il Borgo, một khách sạn tư nhân với 14 phòng được xây dựa trên nền cũ của một lâu đài có từ thế kỷ 12.
Kể từ đó, Condé Nast Traveler đã liệt kê nó vào một trong những khách sạn tốt nhất ở Ý. Điều này đã không thể xảy ra nếu Mariani-May không thừa nhận sai sót của mình, bà nói.
"Đó là một trong những điều làm nên một quản lý tốt. Đừng lao vào những dự án lớn bằng cái tôi của mình, hãy sẵn sàng thừa nhận sai lầm của bản thân."
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.
No comments:
Post a Comment