Tuesday, March 8, 2016

Tướng công an: ‘Sài Gòn chống tham nhũng ảo’

SÀI GÒN (NV) Ðó là nhận định của ông Phan Anh Minh, thiếu tướng, phó giám đốc công an thành phố Sài Gòn tại “Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015,” chiều 8 tháng 3.

Theo tin báo Pháp Luật Sài Gòn, tại hội nghị, ông Phan Anh Minh nhấn mạnh: “Án tham nhũng vụ sau phát hiện càng lớn hơn vụ trước rất nhiều. Công tác phát hiện tham nhũng chậm, hệ quả là thu hồi rất thấp do đã bị tẩu tán... Chỉ phát hiện tham nhũng thông qua các vụ án kinh tế từ đó mới phát hiện ra. Rõ ràng phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.”


Nguyễn Tường Duy, một cán bộ hải quan thành phố Sài Gòn bị bắt giữ hồi tháng 1, năm 2016 vì tham nhũng. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)

Giải trình vì sao án tham nhũng do công an Sài Gòn phát hiện ít, ông Minh biện minh: “Tôi xin nói thẳng không phải ít mà là không có vì chúng tôi phải chấp hành chỉ thị cấp trên. Hầu hết đối tượng tham nhũng là từ đảng viên, mà công an không được tổ chức theo dõi đảng viên. Do đó, các cán bộ tham nhũng do công an phát hiện phải thông qua các vụ án kinh tế khác.”

Ông Minh dẫn chứng, một số giải pháp chống tham nhũng đưa vào luật, chương trình mục tiêu quốc gia có biện pháp là ảo. Cụ thể là việc kê khai tài sản. Rất hình thức, ảo. Chẳng hạn ở các cơ quan công an, có hơn 1/3 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản “nhưng làm xong là đút vào ngăn tủ cất, có đúng không, hợp lý không thì không ai biết,” ông Minh nói thẳng khiến hội nghị xôn xao.

Cũng theo ông Minh, các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng nhiều là lĩnh vực xuất nhập cảng với “50% các vụ án buôn lậu có bóng dáng cán bộ hải quan”; tài chính ngân hàng; bồi thường, giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án; quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo cấp phường, xã...

Về xử lý án tham nhũng, ông Minh cho biết, thành phố Sài Gòn xử lý án tham nhũng rất chậm. Tỷ lệ điều tra, xét xử rất thấp, bởi cán bộ tố tụng rất thận trọng vì đụng chạm đến những đối tượng tham nhũng có hiểu biết pháp luật. 

“Nhiều vụ án các cơ quan tố tụng trung ương khởi tố rồi chuyển về cho Sài Gòn xét xử, mà hồ sơ các vụ án đó ít nhất là 20,000 trang, thường là vài trăm ngàn trang. Không có hội đồng xét xử nào có thể nghiên cứu trong 2 tháng để đưa ra xét xử nên cơ quan tố tụng thành phố phải nghiên cứu kỹ vì không nắm hồ sơ, dẫn đến vụ án kéo dài...” ông Minh nói. (Tr.N)


03-08- 2016 2:41:18 PM 

No comments:

Post a Comment