Tuesday, March 8, 2016

Phụ nữ miền Nam trước 1975 và nay

Nguyễn Quang Duy 

Gửi cho BBC từ Úc 8 tháng 3 2016 

Image copyrightGetty
Image captionPhụ nữ Nam Việt Nam năm 1956 họp báo
Ngày 6 tháng 2 âm lịch là ngày Tưởng Niệm Hai Bà Trưng và vì ngày này cận với ngày Phụ Nữ Quốc Tế 3 tháng 8, nên miền Nam trước 1975 lấy ngày Tưởng Niệm Hai Bà làm ngày Phụ Nữ Việt Nam.
Ở các thành phố lớn hải ngoại người Việt có tổ chức lễ tưởng niệm Hai Bà cùng nhắc nhở nhau về vai trò người phụ nữ trong buổi giao thời.
Năm nay diễn đàn BBC giới thiệu một đoạn kịch ngắn của tác giả Kim Cương được Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam UNDP bảo trợ qua dự án phim “Chung tay xóa bỏ định kiến giới” của tổ chức này.
Đoạn kịch đặt ngược một vấn nạn trong một gia đình: “Người đang xô đổ cả gia đình và tấn công anh chồng là... cô vợ.” để diễn tả nỗi thống khổ của người chồng và gia đình.
Được BBC phỏng vấn tác giả Kim Cương đã nói lên phần nào sự khác biệt văn hóa giữa nông thôn và thành thị trong buổi giao thời.
Một số người ngoại quốc cho rằng phụ nữ Việt Nam ảnh hưởng Tam Tòng Nho Giáo: khi còn ở nhà phải nghe theo cha, lúc lấy chồng phải nghe theo chồng và nếu chồng qua đời phải theo con trai.
Thật ra Nho Giáo là văn hóa người Tàu ảnh hưởng rất ít ở Việt Nam.
Người Việt cổ theo chế độ mẫu hệ.
Nhị Trưng là hai vị vua đầu tiên trong chính sử, được ghi trong sách cổ sử. Các vua Hùng thuộc dã sử truyền miệng rồi được viết lại. Chế độ mẫu hệ đã thành một phần văn hóa Việt Nam.
Đất nước luôn chiến tranh lúc thì đánh ngoại xâm khi thì nội chiến. Đàn ông phải ra mặt trận phụ nữ ở nhà vừa chăm sóc gia đình vừa tiếp tế nuôi chồng, nuôi quân.
Người phụ nữ giữ vai trò giáo dục con cái nên ảnh hưởng của họ trong gia đình rất mạnh. Bởi thế chúng ta mới có từ nội tướng để chỉ người phụ nữ điều hành mọi chuyện trong nhà.
Văn hóa Việt Nam là văn hóa dựa vào làng họ. Mọi chuyện nếu không giải quyết được trong gia đình sẽ được mang ra họ ra làng giải quyết. Cách này thay thế cho vai trò hòa giải của tòa hòa giải tại các quốc gia pháp trị.
Sau năm 1946, Đảng Cộng sản một mặt muốn tập trung quyền lực về trung ương, mặt khác muốn xóa văn hóa cũ để xây dựng văn hóa Mác Lê và muốn lợi dụng phụ nữ một lực lượng nhân lực quan trọng phục vụ chiến tranh.

Bình đẳng theo tuyên truyền

Người phụ nữ được tuyên truyền là bình đẳng giới tính nên một mặt phải gánh vác những công việc của đàn ông như ra mặt trận, phục vụ trong nhà máy.
Mặt khác họ phải vừa nuôi con, nuôi chồng, nuôi quân. Người phụ nữ miền Bắc trước năm 1975 cũng thế.
Trên nửa dân số Việt Nam là phụ nữ thì chỉ có 3 thành viên Bộ Chính Trị trong số 19 người là phụ nữ.
Bộ Chính Trị nhân danh Đảng để quyết định cho dân chúng Việt Nam. Thiếu người đại diện nên phụ nữ Việt Nam là thành phần chịu thiệt thòi nhất.
Ở miền Nam trước 1975 người phụ nữ một mặt vẫn duy trì điều hay lẽ đẹp của văn hóa Việt mặt khác từng bước tiếp nhận văn hóa Tây phương.
Sau 1975 họ là những người mẹ nuôi chồng nuôi con đi tù cộng sản. Lo cho con ăn học và tìm đường tự do cho gia đình.
Ở hải ngoại người Việt hội nhập xã hội mới quyền của người phụ nữ rõ ràng và được luật pháp bảo vệ. Người phụ nữ đi làm nhưng đàn ông phải chia sẻ trách nhiệm gia đình coi con, đi chợ, nấu ăn… nhiều người làm không thua gì phụ nữ.
Người Tây Phương trọng nhất là tính độc lập. Vợ chồng có tài sản riêng, bạn bè riêng, ham thích riêng, đời sống riêng, nhờ tính độc lập trong đời sống gia đình họ tôn trọng lẫn nhau.
Người Việt ở những thế hệ di dân đầu tiên tính độc lập vẫn chưa phát triển. Người vợ muốn duy trì cách sống cũ như muốn kiểm soát, muốn giữ tiền chi tiêu gia đình, nhưng mặt khác lại muốn người chồng phải đối xử với họ như cuộc sống Phương Tây.
Trong buổi giao thời nhiều gia đình đổ vỡ hay thiếu hạnh phúc vì lý do này.
Image copyright
Image captionPhụ nữ Việt Nam ở hải ngoại
Còn ở Việt Nam, tác giả Kim Cương đã nêu lên sự khác biệt của cuộc sống nông thôn và thành thị. Ở nông thôn miền Nam cách sống cũ vẫn được duy trì.
Trong khi ở thành thị phụ nữ đã có được bình đẳng chia sẻ trong gia đình, nhận thức được quyền giáo dục, giải trí và, trách nhiệm nuôi dạy con cái, chung tay góp sức cho mái ấm gia đình.
Trong khi đa số dân thành thị ngày nay là di dân từ nông thôn, tác giả Kim Cương đã chỉ nhìn vào tầng lớp người đã ở sống lâu tại thành thị.
Những thế hệ đầu tiên di dân lên thành phố đều gặp phải vấn nạn của buổi giao thời.
Nhìn chung sự thay đổi đột ngột hay quá nhanh đã và đang tạo ra nhiều vấn nạn xã hội mà người phụ nữ là nạn nhân trực tiếp.
Những vấn nạn xã hội này cần được quan tâm đúng mức và được giải quyết tận ngọn nguồn.
Người phụ nữ Việt Nam cần được trả lại quyền tự do, nhất là tự do chọn người đại diện đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ trong nhà nước và trong quốc hội Việt Nam.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Úc.

No comments:

Post a Comment