Tuesday, March 8, 2016

Tranh chấp Biển Đông: Di hại từ những kế hoạch đoản kỳ của đại cường



USS Stennis- Ảnh: http://archive.defense.gov/photos/

Trong vài tháng vừa qua, hoạt động quân sự của Hoa kỳ tại khu vực Biển Đông bất chợt nhộn nhịp hẳn lên.  Thoạt đầu, Hoa kỳ lần lượt đưa các chiến hạm đi vào khu vực tuyên bố có chủ quyền của Trung cộng tại các vùng đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường sa.  Sau đó, chiến hạm Hoa kỳ đã tuần tra thách thức Trung cộng tại Hoàng sa, nơi mà Trung cộng hoàn toàn làm chủ sau khi xâm chiếm từ Việt nam Cộng hòa.  Tuần lễ vừa qua, Hoa kỳ phái một hải đội tác chiến bao gồm hàng không mẫu hạm USS Stennis cùng 4 chiến hạm hộ tống đi vào khu vực Trường sa về phía bắc Philippines khiến Trung cộng phải đưa chiến hạm bám sát.

Xin nhắc lại, với những bằng chứng lịch sử chứng minh Hoàng sa và Trường sa của tổ tiên người Việt qua những tài liệu của triều Nguyễn và ngay cả chứng cứ quản lý 2 quần đảo của người Pháp trong thời gian đô hộ Đông Dương, khi Việt nam Cộng hòa xác nhận chủ quyền tại Hội nghị San Francisco năm 1951 đã không gặp phản đối từ các quốc gia tham dự. Nhưng trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 khối Tư Bản và Cộng sản- cụ thể năm 1974- chủ quyền của Việt nam Cộng hòa trên 2 quần đảo này đã bị tước đoạt trong cái bắt tay giữa Washington và Bắc kinh.  Do đó, căng thẳng hôm nay nơi Biển Đông chỉ là hậu quả và hệ quả của chuỗi biến dịch của sách lược ngắn hạn Hoa Kỳ thời chiến tranh lạnh .

Lùi vào thời điểm thập niên 1950, dù phó Tổng Thống Richard Nixon được đánh giá là người thừa kế chính sách, chủ trương "chống cộng" của Tổng Thống Eisenhower,  nhưng khi Nixon trở thành tổng thống nước thì tình thế thế giới và nước Mỹ đã hoàn toàn thay đổi.   Do quan điểm thực dụng "kỹ trị duy lợi" của giới tư bản Mỹ, tương tự như ý niệm thực tiễn "mèo trắng/mèo đen đều được dùng để bắt chuột" của Đặng Tiểu Bình, Tổng Thống Mỹ Nixon với sự tiếp tay đắc lực của cố vấn an ninh quốc gia, sau trở thành ngoại trưởng, Henry Kissinger đã lập nên một một thế trận Tam Quốc mới với Tam Giác Ngoại Giao: Mỹ-Hoa-Liên Xô. Thế trận của TT Nixon có mục tiêu chiến lược: Đánh vỡ khối cộng sản qua gây mâu thuẫn, chia rẽ hai mối cực Liên Xô -Trung Cộng. Từ đó, xảy ra việc Hoa Kỳ kết ước với Bắc Kinh qua Thông Cáo Thượng Hải năm 1972, hy sinh cả Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 lẫn Trung Hoa Dân Quốc năm 1971: đuổi  Đài Loan ra khỏi vị trí thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhường chỗ cho Trung Cộng.

Với tinh thần Đại Hán, giới lãnh đạo Cộng sản Bắc Kinh từ thời Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình luôn luôn giữ mưu định thôn tính lãnh hải và lãnh thổ của các quốc gia lân bang. Khác xưa, Trung Quốc chỉ là cường quốc lục địa, chỉ có ảnh hưởng tại miền Đông của cả đại lục  Âu-Á, hiện nay, theo khả năng kinh tế ngày càng mở rộng, do được xây dựng từ ba mươi năm qua nhờ chính sự hà hơi tiếp sức từ Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Nixon và sự bỏ ngõ khu vực châu Á Thái Bình Dương vì vướng bận cuộc chiến Iraq thời tổng thống George W. Bush, Trung công đã xây dựng được một lực lượng hải quân lớn đủ sức vươn ra đại dương và trước mắt là khống chế biển Đông .

Mặc dù, trong hiện tại và đến vài chục năm tới, Trung Cộng chưa thể tấn công hay khống chế siêu cường hải dương Hoa Kỳ. Nhưng để thực hiện giấc mơ Đại Hán là phải vượt Mỹ để đoạt vị trí siêu cường số một thế giới tương lai.  Do đó, với tư duy duy ý chí của giới lãnh đạo Bắc Kinh là phải giới hạn và cản trở khả năng can thiệp Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Cụ thể, cần nhắc lại, không phải tới hôm nay mà đã từ năm 2013, Bắc kinh bắt đầu yêu sách đối với Biển Hoa Đông và Biển Đông qua tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông và leo thang quân sự khi đặt những hỏa tiễn phòng không trên những đảo đang tranh chấp, thuộc vùng Hoàng Sa lấn chiếm của VNCH từ 1974.

Hậu quả của việc Nixon và Mao Trạch Đông bắt tay với nhau vẫn còn di hại khi hiện nay Hoa Kỳ cũng chỉ đòi Bắc Kinh tôn trọng Quyền Giao Thông Tự do trên biển chứ không phải chủ quyền của các nước láng giềng tại Đông Nam Á.

Trước lò thuốc súng có cơ bùng nổi trên Biển Đông, chợt nhớ đến một quân lực có khả năng và ý chí chống cự cơn trào dâng cộng sản  từ phương Bắc qua cửa ngõ Hà Nội suốt trong 21 năm từ 1954 đến 1975: Quân Lực VNCH mà trận Hải chiến Hoàng sa năm 1974 là một minh chứng.

Phan Nhật Nam- Mai Phi-Long /SBTN

No comments:

Post a Comment