Tuesday, March 8, 2016

Viết cho đàn ông nhân ngày phụ nữ

Phụ nữ Việt chụp hình bên cạnh hoa anh đào tại Hà Nội.
Phụ nữ Việt chụp hình bên cạnh hoa anh đào tại Hà Nội.
Thoắt cái lại đến một ngày dành cho phái đẹp nữa. Trong những năm trước tôi không thường ở nhà vào những ngày này, thấy 8/3 cũng chỉ giống như những ngày bình thường khác. Nay mới thấy cái không khí rộn ràng. Rộn ràng từ trong nhà ra đường. Sáng sớm dậy đã thấy mẹ thỏ thẻ với bố, hôm nay mẹ có được quà gì không nhỉ? Ra ngõ đã thấy cả một hàng hoa trải dài phố, màu của những đóa hồng vàng đỏ vui mắt giữa một ngày lành lạnh sắp sang xuân. Tôi nhớ những ngày còn đi học cấp 2, cấp 3, vào tuần lễ có ngày 8/3, đến giờ sinh hoạt lớp là các anh chàng lại tổ chức nhiều trò chơi hay ho, rồi tặng hoa cho các cô bạn gái. Nàng nào cũng sung sướng cười e lệ. Có những cảm giác rất dịu dàng len lỏi.
Cánh đàn ông đi tây đi ta, không biết có nhận thấy phụ nữ Việt có những đòi hỏi giản đơn nhất, nhỏ bé nhất hay không? Dùng từ đòi hỏi có lẽ còn hơi quá đáng, chính xác nên dùng từ “ước muốn.” Chưa kể những ước muốn đó chưa bao giờ có phần lợi ích riêng mình. Ví dụ hôm nay mẹ muốn nấu một món ăn thật ngon, nhưng lại là cho bố, cho con. Ngày hôm qua mẹ muốn đi đến trung tâm mua sắm, nhưng lại chọn chọn lựa lựa cho bố một chiếc quần tây hay mua cho con đôi tất ấm. Mà mẹ làm những điều ấy bằng trọn vẹn niềm vui và sung sướng.
Phụ nữ Việt, kỳ lạ thật. Họ muốn thực hiện ước muốn đó, đến độ chấp nhận cả xã hội không cần đối xử công bằng với họ. Họ chịu đựng, xã hội tôn vinh bằng một mỹ từ khác “hy sinh.” Họ vất vả, đó lại là một đức tính “chịu thương chịu khó.” Họ nhún nhường, im lặng, để các ông chồng hài lòng về sự ngôn hạnh cần có. Cả ngàn năm, xã hội ép họ vào chiếc khuôn kính của những ngôn từ đẹp đẽ thế, và chính bản thân những người phụ nữ Việt cũng chưa một lần muốn thoát ra. Bởi không biết từ bao giờ, hạnh phúc của họ được gán bằng hạnh phúc của chính (những) người đàn ông trong đời mình.
Như tôi đã nói, ngày 8/3 tại một số nơi tôi đặt chân đến không được tổ chức rầm rộ. Tuy nhiên có một ngày phụ nữ rất rộn ràng náo nhiệt khác ở các nước phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ, đó là ngày 23/10, một ngày “vô danh” tại nước Việt, ngày Ung Thư Vú. Màu hồng rực của những dải ruy băng giăng khắp trường học, văn phòng làm việc, trên poster đường phố, hay trên logo của các mạng xã hội phổ biến như Youtube, Facebook. Ngày đó, người dân tưởng nhớ đến những nạn nhân đã qua đời vì ung thư vú và quan trọng hơn, truyền đạt đến mọi người về căn bệnh, cách phòng tránh và kêu gọi sự cảm thông, yêu thương từ phía bạn bè và người thân dành cho phụ nữ. Vì chỉ họ, với đường cong quyến rũ mà tạo hóa đã ban cho, lại chất chứa tiềm ẩn bệnh tật vô cùng nguy hiểm. Bởi họ, ngay từ lúc sinh ra, đã yếu đuối và mỏng manh hơn đấng mày râu rất nhiều.
Những ngày như thế rất thiết thực, lời kêu gọi đánh động ý thức của từng cá nhân về việc bảo vệ và tôn trọng phụ nữ. Mùng 8 tháng 3 được gọi là ngày của phụ nữ, bởi vào tháng 3 năm 1908, tại thành phố New York, Mỹ, 15.000 người dân đã chiến đấu với chính phủ về các chính sách thuế, lương cơ bản và quyền lợi chính đáng cho những người công nhân là nữ. Và tiếp những năm sau đó, các phong trào như vậy tiếp tục tiếp diễn không ngừng nghỉ tại các nước châu Âu khác như Đức, Hà Lan, Đan Mạch… Những ngày tháng 3, vốn đã không phải là ngày để người phụ nữ ngồi nhà, đợi chờ các anh đem về một món quà, mà là ngày để họ tập hợp lại, quyết đánh đổi sự công bằng cho họ, để trong tương lai, phụ nữ được sống đúng quyền lợi của mình.
Nhiều khi, tôi cứ mong, người phụ nữ Việt sao không ích kỷ lên, cứ mong muốn nhiều lên, nhiều hơn, không phải là đóa hoa, là chút niềm vui sóng sánh ngày tháng 3, mà hơn thế, là quyền tự do buông bỏ, tự do hạnh phúc và tự do thực hiện mọi ước muốn của mình. Nhưng rất khó để yêu cầu phụ nữ Việt, vốn đã nhiều yếu mềm, nhạy cảm trong một xã hội đã phát triển theo một cung cách nhiều bảo thủ và chưa thoát mình. Vậy nên tôi đành ngỏ lời đến cánh đàn ông, về hơn một lần nhìn ngắm người phụ nữ của đời mình, từ khi sánh vai với nàng trong ngày cưới, khi nàng lặng lẽ mỉm cười ngắm nhìn cái bụng bầu tròn xoe, hay khi dòng nước mắt không nguôi trong phòng mổ. Hơn một lần đụng vào làn da mịn màng thời thiếu nữ, đến những vết rạn nhàu nhĩ và nếp nhăn trên khóe mắt cười. Và cả ngàn ngàn lần sẵn sàng xắn tay áo làm thay họ những công việc tưởng chừng giản đơn, nhỏ bé như chuẩn bị một bữa sáng đủ đầy, là lượt chiếc sơ mi trắng hay để sẵn những chiếc khăn bông thơm nồng trong phòng tắm mỗi tối.
Ngày 8/3 tại đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tổ chức một buổi triển lãm ảnh về các anh chồng đang cong mông lên lau dọn nhà cửa, chăm bẵm con cái thay vợ vào những ngày nghỉ đẻ chỉ dành riêng cho đàn ông. Trên mặt báo, đầy rẫy những bài viết về niềm hạnh phúc hay sự nhàn tênh của vợ Việt cưới chồng Tây. Việt Nam vẫn cứ nổi tiếng với hình ảnh hàng ngàn người phụ nữ Việt hàng năm luôn sẵn sàng từ bỏ quê hương xứ sở, để làm dâu xứ người. Điều đó có khiến các anh ngẫm lại về bản thân mình hay không? Có phải chỉ bởi cái nghèo cái khổ, hay còn bởi họ cũng chẳng tìm nổi một bờ vai rộng để cùng họ trải qua cuộc sống vốn không nhuộm hồng?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment