Tuesday, March 8, 2016

Những gương mặt công an trên chính trường Việt Nam hiện nay

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-03-08  
000_Del8399418
Tướng Trần Đại Quang (giữa), thành viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được chào đón bởi các đại biểu trong một buổi tiệc trà vào ngày thứ 6 của đại hội đảng cộng sản lần 12 tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Sau đại hội toàn quốc lần thứ 12 của đảng cộng sản, nhiều nhân vật là công an được thăng tiến trong bộ máy chính trị tại Việt Nam. Sau đây là ghi nhận của Kính Hòa ý kiến của một số nhà quan sát chính trị Việt Nam về những nhân vật này và vai trò của họ trong cải cách kinh tế chính trị Việt Nam hiện nay.
Trong những ngày đại hội đảng lần thứ 12 nhóm họp, đã có những lo ngại là những nhân vật thuộc cơ quan công an và an ninh sẽ nắm những trọng trách trong giai đoạn sắp tới. Linh mục Phan Văn Lợi, lúc ấy nói với đài Á Châu Tự Do:
Chúng tôi lo ngại vì nghe tin ông Trần Đại Quang sẽ lên làm chủ tịch nước. Ông ta sẽ giữ một chức cao hơn chức bộ trưởng công an trước đây. Khi làm bộ trưởng công an ông ta đã đàn áp rất mạnh mẽ rồi, nay lên làm chủ tịch nước có thể ông có quyền lực hơn để trấn áp.
Đại hội 12 đã đưa ra một thành phần lãnh đạo mới của Bộ chính trị 19 người mà có đến 4 nhân vật xuất thân từ ngành công an. Đó là ông Trần Đại Quang, đương kim Bộ trưởng bộ công an, được dự trù sẽ nắm chức Chủ tịch nước tới đây.
Người thứ hai là ông Tô Lâm, hiện Thứ trưởng Bộ công an.
Thứ ba là ông Trương Hòa Bình, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, và cũng xuất thân từ ngành công an.
Người thứ tư tuy tên tuổi còn xa lạ là ông Phạm Minh Chính nhưng có tới 15 năm làm việc trong ngành công an, và hiện đã lãnh trách nhiệm rất quan trọng là Trưởng ban tổ chức trung ương đảng.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập tại Sài gòn nhận xét:
Khi làm bộ trưởng công an ông ta đã đàn áp rất mạnh mẽ rồi, nay lên làm chủ tịch nước có thể ông có quyền lực hơn để trấn áp.
- Linh mục Phan Văn Lợi
Ông Chính có một quá trình lâu như vậy, nay lại được đưa về một vị trí then chốt của Đảng là công tác tổ chức thay cho ông Tô Huy Rứa, như vậy nó sẽ dẫn đến những vấn đề gì trong tương lai gần? Đó là xu hướng bố trí tổ chức và công an hóa một số vị trí bên đảng lẫn bên chính quyền, mà người ta gọi là việc bố trí nhân sự. Có thể nói là công an hóa bộ máy chính quyền. Và vị trí Trưởng ban tổ chức trung ương có thể nói là vị trí có quyền tối cao quyết định chỉ sau Tổng bí thư.”
Ông Dũng nói tiếp là đối với các chế độ như Việt Nam thì vai trò của công an vốn dĩ rất quan trọng không phải chờ đến đại hội 12 mới có, nhưng nếu quyền lực của ngành công an lại gia tăng trong tình hình mà bản thân đảng cộng sản cũng tuyên bố là cần cải cách cơ chế kinh tế và chính trị là một điều không hay.
Đàn áp và Luật biểu tình
Đầu tháng ba năm 2016, khi nổ ra vụ Sầm Sơn, nhiều ngư dân phản đối việc nhà nước sử dụng bãi biển đụng chạm tới quyền lợi của họ đã có từ lâu đời, thì công an Thanh Hóa thoạt đầu đã nói là sẽ truy tố những người mà theo họ là gây rối. Tuy nhiên với sự phản ứng quá mạnh của dân chúng, sáng ngày 7/3 chính quyền tỉnh đã phải đối thoại với người dân. Ông Phạm Chí Dũng cho rằng với thói quen đàn áp sự phản kháng của người dân như bấy lâu nay của ngành công an, xã hội Việt Nam sẽ đi đến chổ bất ổn:
Nếu như ngư dân không phản đối thì cũng sẽ xảy ra các vụ bắt bớ hàng loạt như ở Bà rịa Vũng Tàu, như là ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Tĩnh, ở Ninh Hiệp như ở Hà nội Gia Lâm vừa qua, tôi cho là đó là một xu hướng công an trị rất bất nhẫn. Nó gây ra một mầm mống nội loạn bên trong Việt Nam, cho chính trong lòng chế độ Việt Nam, rất căng thẳng.”
Trong thời gian qua, nhiều trí thức Việt Nam, thậm chí nhiều người nằm trong Quốc hội do đảng cộng sản kiểm soát lên tiếng nói rằng sự phản kháng một điều gì đó trong xã hội là một điều bình thường và cần thiết phải có luật biểu tình để mọi sự đề đạt nguyện vọng, ý kiến hay sự phản kháng của dân chúng được diễn ra trong vòng trật tự.
Theo sự ghi nhận của Tiến sĩ Dũng thì đã năm năm rồi dự án soạn thảo Luật biểu tình của Bộ công an vẫn không được tiến triển, và theo đánh giá của Bộ này thì phải sau năm 2020 Việt Nam mới có thể có luật biểu tình.
Mới đây Bộ công an lại viện dẫn những khó khăn đến từ phía Bộ Tư Pháp và Bộ Quốc phòng với nhiều ý kiến không thống nhất về luật biểu tình để trì hoãn. Bình luận về lý do trì hoãn được Bộ Quốc phòng đưa ra, ông Phạm Chí Dũng nói:
Trong đó có đưa ra một lý do là khi nào bảo đảm an ninh chính trị thì mới đưa ra luật biểu tình. Và cái thứ hai nữa là luật biểu tình liên quan đến đổi mới chính trị. Đó là cách trả lời nước đôi, chung chung, né trách trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, và đồng thời cũng có thể nói là trì hoãn Luật biểu tình càng lâu càng tốt.”
Trước và trong khi đại hội 12 diễn ra, nhiều quan chức cao cấp Việt Nam, trong đó có cả ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng một mục tiêu quan trọng của đảng trong thời kỳ mới là xây dựng đảng và chống tham nhũng.
Sự có mặt của các viên tướng công an là chưa có tiền lệ, nó có thể gây quan ngại đối với các nước phương Tây. Nó cũng nói lên một điều là Bộ chính trị mới đặt vấn đề an ninh của chế độ quan trọng hơn ngoại giao và kinh tế.
- Tiến sĩ Vũ Tường
Khi được hỏi là liệu sự xuất hiện của nhiều viên chức ngành công an có phải là chỉ dấu cho thấy đảng sử sẽ dụng  công cụ trấn áp này trong công cuộc chống tham nhũng sắp tới hay không, thì nhiều ý kiến cho rằng không phải là như vậy. Theo ông Phạm Chí Dũng, nếu muốn thực sự chống tham nhũng, thì người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng là Ủy ban kiểm tra trung ương phải là một ủy viên Bộ chính trị, nhưng hiện nay chức vụ này chỉ giao cho một người không nằm trong bộ phận quyền lực lớn nhất này của quốc gia.
Ngoài việc công an hóa xã hội, như tiến sĩ Dũng đề cập, ông còn cho rằng đối với công việc đối ngoại thì những người công an đứng đầu quốc gia sẽ gây một hình ảnh không tốt đối với các quốc gia dân chủ.
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam khác là Tiến sĩ Vũ Tường, từ Hoa Kỳ cho rằng:
Sự có mặt của các viên tướng công an là chưa có tiền lệ, nó có thể gây quan ngại đối với các nước phương Tây. Nó cũng nói lên một điều là Bộ chính trị mới đặt vấn đề an ninh của chế độ quan trọng hơn ngoại giao và kinh tế.”
Công an có thể cải tổ được không?
Trước câu hỏi này, ông Phạm Chí Dũng cho rằng theo ghi nhớ của ông thì trong hai mươi năm trở lại đây, chỉ có một viên tướng công an là có thái độ khá cởi mở, trả lời cả truyền thông nước ngoài, nhưng là một nhân vật không quan trọng, còn đa số những nhân vật xuất thân từ ngành công an là thuộc nhóm giáo điều và bảo thủ.
Một nhà quan sát khác xin giấu tên thì cho rằng chưa chắc các nhân vật gốc công an sẽ cản đường cải cách. Theo đánh giá của nhà quan sát này, mà chúng tôi xin được trích nguyên văn như sau: “Trong các ông công an hiện có mặt ở Bộ chính trị thì ông Phạm Minh Chính là cởi mở hơn cả, ông Tô Lâm là một người khôn ngoan, ông Trương Hòa Bình thì không có nhiều quyền lực, còn ông Trần Đại Quang là một ẩn số.”
Tiến sĩ Dũng thì chia nhóm tướng lĩnh công an trong nước, hiện đã lên tới con số 300 thành hai nhóm, một nhóm giáo điều, và một nhóm xu lợi sẳn sàng ngã theo bất cứ phe phái nào, kể cả sẽ có quan điểm thân phương Tây nếu phương Tây thõa mãn quyền lợi của họ. Nhưng ông cho là những người công an cũng phải đi theo con đường mà đảng cộng sản của họ phải theo trong tương lai là cải cách chính trị và kinh tế nếu muốn tồn tại cùng dân tộc.

No comments:

Post a Comment