Tuesday, March 8, 2016

Xã hội dân chủ và bầu cử Kính Hòa, phóng viên

RFA 2016-03-07 
000_Hkg10118130
Cư dân địa phương và khách du lịch nước ngoài tại một quán ăn vỉa hè khu phố cổ Hà Nội ngày 13 tháng 11 năm 2014.  AFP photo
Sau đây là phần thời gian dành cho Tạp chí điểm blog do Kính Hòa thực hiện. Phần trích lời trực tiếp của các blogger được thực hiện qua giọng đọc của các anh chị em ban Việt ngữ đài Á châu tự do.
Tập dân chủ
Du lịch thì có liên quan gì đến một xã hội dân chủ?
Nhà văn Phạm Thị Hoài cho rằng những tệ hại của nền du lịch Việt Nam hiện nay không nằm ngoài sự tệ hại của một xã hội Việt Nam:
Tôi không thấy nạn lừa gạt chặt chém du khách ở Việt Nam là cái gì quá khác thường. Người Việt lừa gạt chặt chém mọi lúc mọi nơi và trong mọi lĩnh vực, cớ sao ngành du lịch phải làm một ngoại lệ? Chính quyền thì tham nhũng và kém hiệu quả, dân chúng thì lầm than và mông muội, luật pháp thì bát nháo, luân lý thì chao đảo, văn hóa thì nhộn nhạo, ngôn ngữ thì thô bỉ phũ phàng, con người thì hành hạ nhau và là nạn nhân lý tưởng của nhau, thời của nước đục thả câu, một đất nước như thế ắt phải có một ngành du lịch như thế.
Nhà văn cho rằng người Việt Nam cũng như bao dân tộc khác, cũng mơ ước làm giàu, nhưng người Việt lại đang ở trong một giai đoạn, một hoàn cảnh đặc biệt:
Song giấc mơ Việt hoang đường hơn những giấc mơ ở nơi khác. Xuất phát từ một số không tròn hơn số không thông thường, hành trình từ không đến có của chúng ta nhuộm màu siêu thực. Là người đến muộn, chúng ta phải chạy nước rút. Phải cuống cuồng mọc cho bằng hết những ung nhọt của du lịch đại chúng khắp thế giới, cho đến khi cơ thể không còn chỗ nào lành. Như chúng ta đã học khóa cấp tốc về chủ nghĩa tư bản, để sống bản tóm tắt kinh dị của nó cho đến khi có lịch lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không muốn, không thể và không biết đợi, trong khi tất cả những gì tốt lành bền vững đều cần rất nhiều thời gian.
Dân chủ có thể đến với dân tộc ta chậm, nhưng chúng ta phải đi đúng đường, sợ nhất là đi lạc đường, rồi lạc lõng trước loài người.
- Nhà báo Lê Phú Khải
Sự chờ đợi đó được nhà báo Lê Phú Khải gọi là Tập dân chủtrong bài viết của ông trên trang Bauxite Việt Nam. Trong giai đoạn Tập dân chủ đó, trách nhiệm cần có từ hai phía, những người cộng sản đang cầm quyền và dân chúng:
Con đường “tập dân chủ” của Việt Nam là con đường đúng đắn nhất. Tốt đẹp và vinh quang cho cả Đảng cầm quyền và dân tộc. Không súng đạn, xe tăng, đại bác, quân đội, công an nào chống lại được xu thế dân chủ của thời đại, của lịch sử. Dân chủ có thể đến với dân tộc ta chậm, nhưng chúng ta phải đi đúng đường, sợ nhất là đi lạc đường, rồi lạc lõng trước loài người.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, thì trong tình trạng nước Việt Nam ngày nay, những áp lực từ phía dưới lên, từ phía dân chúng là quan trọng nhất trong thời gian Tập dân chủ đó:
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất tác động tới sự chuyển động của cơ chế chính trị để dẫn tới các cải cách căn bản, đó là : áp lực từ bên dưới của dân chúng, áp lực đòi cải cách của xã hội. Từ « xã hội » ở đây có nghĩa là : các cá nhân trong xã hội, nghĩa là tất cả mọi người. Nếu thiếu áp lực này, hoặc nếu áp lực này không đủ mạnh, thì bộ máy lãnh đạo hiện tại (vốn đã quá trì trệ, quá ì ạch, quá tham nhũng, với hệ hình tư duy lạc hậu, đồng thời lại quá tự mãn về những thắng lợi trong quá khứ, mất cảnh giác, thiếu khả năng đối diện với thực tế, với sự thật) sẽ không có đủ động lực để cải cách. Nếu mỗi người (cũng có nghĩa là mọi người) còn có lý do để chấp nhận cơ chế chính trị này, thì nó vẫn sẽ tồn tại, và đảng sẽ không có nhu cầu cải cách.
Ứng cử và bầu cử
Chuyện Tập dân chủ từ phía người dân đang rất sôi động trong mùa xuân năm nay với phong trào tự ứng cử vào Quốc hội mới.
Các ứng viên độc lập không thuộc đảng cộng sản đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn từ phía những người cầm quyền. Câu chuyện nổi bật nhất trong tuần là một nghệ sĩ hài tự ứng cử vào Quốc hội bị một tờ báo của nhà nước chỉ trích, và nhân đó chỉ trích tất cả những người dám ra tự ứng cử mà không cần sự giới thiệu của đảng cộng sản.
Trong khi đó thì trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban tuyên giáo trung ương đảng cộng sản cho rằng việc các công dân ra ứng cử độc lập là một điều tốt.
Phân tích những chỉ trích đối với người nghệ sĩ hài, blogger Nguyễn Anh Tuấn cho rằng điều đó không phải đến từ một chủ trương tấn công người nghệ sĩ, mà đến từ những nhà báo cơ hội đã quen với không khí không lành mạnh của một xã hội toàn trị, và anh kêu gọi đảng cộng sản nên đưa những kẻ cơ hội này ra ánh sáng:
Họ muốn tạo ra một sân chơi tranh luận tại Quốc Hội với hy vọng thức tỉnh những cái đầu đã bị mê ngủ bấy lâu nay với cái tự sướng mà không dám nhìn rõ sự thật của đất nước này.
- Tác giả Vũ Hoàng Anh
Ở những nước mà vai trò giáo điều ý thức hệ vẫn còn nặng nề như Việt Nam, nhưng kẻ hồng vệ binh nhất, bảo thủ cùng cực nhất lại chính là những kẻ CƠ HỘI NHẤT, vì lẽ ở vị trí bảo thủ đó, họ luôn luôn được an toàn và mặc sức phán xét bất kì động thái hoặc con người đổi mới nào bằng những cái mũ "thiếu kiên định", "thiếu bản lĩnh", "chệch hướng"...
Bởi vậy trong tư cách một đảng chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam một khi đã đưa ra thông điệp "đổi mới chính trị gắn liền với đổi mới kinh tế" thì cần chỉ ra kẻ thù lớn nhất của đảng này không ai khác là những thành phần bảo thủ, giáo điều, lớn tiếng về ý thức hệ, hay nói chuyện lý luận để phán xét người đổi mới. Đây là những kẻ cơ hội nhất trong những kẻ cơ hội. Không làm được điều này thì mọi người sẽ nghi ngờ thông điệp đổi mới của đảng.
Nhận định về hiện trạng của bầu cử hiện nay tại Việt Nam, một tác giả mang bút danh Café Ban Mê viết trên trang blog Ba Sàm rằng nó không mang tính chính danh, một sự không chính danh đến từ bản thân nền chính trị Việt Nam,
000_Hkg10250097-400
Các đại biểu giơ thẻ hội viên trong lễ bế mạc đại hội đảng 12 tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Nói đến chính trị ở Việt Nam là một sự dè dặt, sợ sệt, không chỉ ở phía người dân mà ngay cả đối với các lãnh đạo trong nội bộ Đảng, từ đó tạo nên những vùng tối, vùng cấm hoặc những vùng mờ ảo mà người dân không còn muốn quan tâm tới các hoạt động chính trị. Dẫn đến quy trình, thủ tục bầu cử ra sao không được sự giám sát, quan tâm của người dân. Những con số hơn 90%, 100% phiếu bầu gần như trở thành những con số bình thường mặc dù điều đó nói lên sự phản khoa học, phản dân chủ trong một cộng đồng xã hội thực tế luôn đa dạng, luôn tồn tại tính đa nguyên.
Việc đi bầu cử đại biểu Quốc Hội là một hoạt động được coi là trực quan nhất, gần gũi nhất, nó thuộc vùng sáng hơn cả, tuy nhiên nó lại được bao bọc, chi phối bới các vùng tối, vùng mờ ảo và chúng ta sẽ không thể biết chắc chắn được vùng sáng đó là trung thực, phản ánh đúng sự lựa chọn của người dân hay không.
Và Quốc hội Việt Nam hiện nay với đại đa số là đảng viên cộng sản được Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc đặt tên là một chi bộ đảng mở rộng.
Những người tự ứng cử hoàn toàn biết được rằng Quốc hội Việt Nam hiện nay là một chi bộ đảng mở rộng như lời Giáo sư Quốc, nhưng họ vẫn quyết định ra ứng cử dù gặp nhiều trở ngại, là vì theo tác giả Vũ Hoàng Anh viết trên blog Ngàn Lau rằng,
Họ muốn tạo ra một sân chơi tranh luận tại Quốc Hội với hy vọng thức tỉnh những cái đầu đã bị mê ngủ bấy lâu nay với cái tự sướng mà không dám nhìn rõ sự thật của đất nước này. Họ muốn tạo ra nền móng dân chủ cho thế hệ kế tiếp. Họ muốn thế giới thấy được cái dân chủ giả hiệu trước và sau khi có sự tham dự của các ứng cử viên độc lập thì nền dân chủ này cũng chỉ là dân chủ giả hiệu bởi sẽ hoàn toàn không có dân chủ thật sự dưới cái cơ chế của hôm nay.
Một người đang sống ở nước ngoài là Bùi Nghĩa ca ngợi sự can đảm của những người này là phải vô cùng cố gắng trong một tình thế gần như hoang tưởng để có thể hưởng một không khí bầu cử và ứng cử như những quốc gia tự do khác.
Những gì cần phải làm
Đa số những người tự ra ứng cử trong mùa xuân năm nay là những người hoạt động mạnh mẽ trong các nhóm xã hội dân sự phát triển trong thời gia gần đây. Tuy vậy, theo blogger Nguyễn Vũ Bình, còn có rất nhiều khuyết điểm trong các nhóm  hoạt động xã hội và dân chủ đó,
Có thể nói, ngoài sự thống nhất về những mục đích rất lớn là dân chủ và nhân quyền thì những gì còn lại là một sự hỗn loạn trong nhận thức. Chúng ta hầu như không thống nhất được với nhau về thực trạng tình hình đất nước, về tình hình phong trào dân chủ, về nguyên nhân của những vấn nạn hiện nay và cuối cùng là về giải pháp để giải quyết các vấn nạn của đất nước. Là một người tham gia vào phong trào dân chủ khá lâu, tiếp xúc với rất nhiều người đấu tranh dân chủ đủ mọi lứa tuổi và thành phần, cá nhân tôi nhận thấy, sự khác biệt, chia rẽ và hỗn loạn trong nhận thức là một thực trạng nhức nhối của phong trào dân chủ Việt Nam.
Sự kiêu ngạo và bảo thủ, hướng ngoại và hình thức. Kiêu ngạo và bảo thủ khiến cho chúng ta không nhìn nhận được những hạn chế, sai sót và khiếm khuyết để bổ túc kịp thời, sửa chữa những sai lầm trong nhận thức. Hướng ngoại và hình thức thì không thể đi sâu tìm hiểu bản chất sự việc, khó tiếp cận được với dòng chảy của sự thật.
Nhận định về những gì mà người Việt Nam hiện nay cần phải làm để đi đến một xã hội tốt hơn, blogger Trần Minh Khôi cho rằng có một điều quan trọng là cần rút ngắn khoảng cách về nhận thức chính trị và dân chủ giữa một tầng lớp tinh hoa ở đô thị và những người lao động:
Cái khoảng cách giữa trí thức đô thị và người lao động ở vùng ngoài đô thị sẽ quyết định tính chất của một cuộc chuyển đổi chính trị xã hội, ở đây là dân chủ hoá. Ở Việt Nam, tại thời điểm này, khoảng cách này rất lớn.
- Blogger Trần Minh Khôi 
Cái khoảng cách giữa trí thức đô thị và người lao động ở vùng ngoài đô thị sẽ quyết định tính chất của một cuộc chuyển đổi chính trị xã hội, ở đây là dân chủ hoá. Ở Việt Nam, tại thời điểm này, khoảng cách này rất lớn. Và đây là điều đáng lo ngại nhất: ngay cả khi những đòi hỏi về quyền của trí thức đô thị, như các quyền tự do căn bản, được đáp ứng thì vấn đề công lý cho người lao động ngoài đô thị vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Điều quan trọng này cần được lặp lại: các quyền tự do căn bản tự chúng không giải quyết được vấn đề công lý cho người lao động. Đây chính là lý do tại sao vận động xã hội trở nên bức thiết. Nó giúp rút ngắn khoảng cách nhận thức giữa những công dân của một quốc gia.
Nhắn gửi những người hoạt động dân chủ đang dấn thân tại Việt Nam, blogger Nguyễn Lân Thắng nói rằng đối diện với một chế độ độc tài thì không bao giờ dễ dàng, nhưng ông tin  rằng khao khát tự do và mong ước được sống trong một xã hội bình đẳng, tôn trọng phẩm giá con người là những giá trị tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.
Còn nhà văn Nguyễn Đình Ấm thì cho rằng phong trào tự ứng cử đang là cơ hội vàng để Đảng Cộng sản Việt Nam “lặng lẽ” chuyển sang thể chế dân chủ, là chiến lược duy nhất để xây dựng đất nước hùng cường.

No comments:

Post a Comment